Những quy định 'trên mây' trong ngành giáo dục

Những quy định 'trên mây' trong ngành giáo dục
Hàng loạt quy định về giáo dục - đào tạo không những thiếu khả thi mà còn chỏi nhau khiến người thực hiện chỉ có cách duy nhất là phải làm ngược.

Những quy định 'trên mây' trong ngành giáo dục

> Luật Giáo dục Đại học: Bộ vẫn bao sân?
> Đổi mới giáo dục: Thiếu nguồn lực và động lực

Hàng loạt quy định về giáo dục - đào tạo không những thiếu khả thi mà còn chỏi nhau khiến người thực hiện chỉ có cách duy nhất là phải làm ngược.

Rất đông sinh viên nộp hồ sơ học TCCN tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Rất đông sinh viên nộp hồ sơ học TCCN tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Có những quy định hầu như không thể thực hiện được trong thực tế. Còn nếu buộc phải làm thì chỉ có cách lách hoặc chịu phạt.

Không thực tế

Thông tư 24 ban hành ngày 4/7/2013 bổ sung 7 đối tượng vào diện ưu tiên tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy. Trong đó, có 3 đối tượng gây nhiều tranh cãi trong dư luận, gồm: bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Mọi người không bàn cãi về tính đúng sai của quy định này mà chỉ buồn cười về tính khả thi. Bởi thực tế rất khó tìm ra người thuộc các đối tượng ưu tiên bổ sung này còn đi thi ĐH, CĐ. Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, chỉ hơn một tuần sau đó, Bộ lại ban hành thông tư mới bãi bỏ 3 đối tượng được ưu tiên quy định tại thông tư trên mặc dù thời hạn Thông tư 24 có hiệu lực chưa bắt đầu (vào ngày 19/8/2013).

Thông tư 28 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 21/10/2009 về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông bắt hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng nhiều trường tại TP.HCM, không ai thực hiện được điều này. “Thường một hiệu trưởng làm việc cả ngày 12 giờ nhưng chưa chắc đã hết việc. Đã vậy, còn phải liên tục tham gia các cuộc họp địa phương nên khó lòng đứng lớp cố định. Do vậy, ban giám hiệu thường đối phó bằng những hoạt động ngoài giờ lên lớp”, lãnh đạo một trường tiểu học cho biết.

Quy định về diện tích đất/sinh viên là một trong những điều các trường ĐH rất khó thực hiện được trong bối cảnh hiện nay. Nhưng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sát nhập, chia, tách, giải thể trường ĐH đã bắt buộc: "Thực hiện mức bình quân tối thiểu diện tích 25 m2/sinh viên tính tại thời điểm trường có quy mô đào tạo cao nhất trong kế hoạch đào tạo giai đoạn 10 năm đầu sau khi thành lập".

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, các trường đóng tại Hà Nội (trừ ĐH Quốc gia và các trường CĐ đóng tại Hà Tây cũ), bình quân số diện tích đất/sinh viên chỉ khoảng 13 m2. Trong đó có tới 40% trường chỉ đạt mức dưới 5 m2/sinh viên. Nhiều trường ĐH lớn như: Xây dựng, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội cũng nằm trong số đó. Tại TP.HCM, con số này chỉ 10 m2, trong đó có khoảng 30% số trường thấp dưới 5 m2.

Trong báo cáo về kế hoạch ngân sách năm 2013, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận nếu đúng theo quy định thì trong số 35 trường ĐH trực thuộc Bộ chỉ có 9 trường đạt tiêu chuẩn.

Cấm rồi lại cho

Luật Giáo dục ban hành năm 2005 chỉ cho phép các trường ĐH đào tạo từ bậc CĐ trở lên, thế nhưng Bộ lại cho phép các trường ĐH đào tạo TCCN thậm chí là trung cấp nghề. Việc cho phép các trường đào tạo như vậy khiến trường TCCN khó tuyển sinh và không có cơ hội phát triển. Điều này cũng dẫn đến thực trạng khó tin là trường ĐH, CĐ lại đào tạo chủ yếu bậc TCCN! Theo thống kê của Bộ, vào năm 2011 các trường ĐH, CĐ đã đào tạo tới 60% tổng chỉ tiêu TCCN, trong khi các trường TCCN chỉ có 40%.

Năm 2010, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện kiểm tra, giám sát đã lên tiếng cảnh báo tình trạng này. Đến tháng 12/2011, Bộ đã ban hành Thông tư 57 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó không cho phép các trường ĐH đào tạo TCCN. Tuy nhiên, thông tư vừa mới triển khai thực hiện thì đến tháng 6.2012, Bộ lại cho phép các trường ĐH được tiếp tục đào tạo TCCN giảm dần đến năm… 2017 để các trường có lộ trình thực hiện (!?). Trong khi đó, tháng 6 năm nay khi ban hành quyết định điều chỉnh mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020, Chính phủ đã đưa ra chủ trương: “Tiếp tục thành lập mới các trường TCCN và mở rộng các chương trình đào tạo TCCN trong các trường CĐ, CĐ cộng đồng...”. Với tình hình thực tế như đã nêu thì chủ trương này liệu có thực hiện được không khi các trường TCCN ngày càng khó tồn tại?

Chặt mà lỏng

Thông tư 57 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và Thông tư 08 về mở ngành đào tạo là 2 văn bản quan trọng mà Bộ cho là đã siết chặt quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, cả hai thông tư này đều có những khoảng trống để các trường có thể gian lận khi thực hiện.

Trong Thông tư 57 ban hành tháng 11/2011, Bộ đưa ra tiêu chí để đảm bảo chất lượng là tỷ lệ sinh viên/giảng viên. Tuy nhiên, cách tính tiêu chí này lại quá lỏng. Chẳng hạn Bộ cho phép lấy tổng quy mô đào tạo hệ chính quy của cơ sở đào tạo chia cho tổng số giáo viên, giảng viên quy đổi để xác định tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy, Bộ đã không kiểm soát số sinh viên/giảng viên theo từng ngành học, trong khi đây mới là tiêu chí để đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, việc các trường được tự phân chia chỉ tiêu cho từng ngành dẫn đến tình trạng có những ngành số sinh viên/giảng viên rất cao, không thể đảm bảo chất lượng đào tạo như y - dược, tài chính - ngân hàng.

Quy định về mở ngành cũng có những bất cập dẫn đến việc có những ngành học mở quá dễ dãi. Ví dụ y - dược là ngành học đặc thù, quá trình đào tạo phải gắn với các cơ sở thực hành. Đồng thời ngành học này đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo cũng phải có kiến thức chuyên môn về ngành y. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều trường đào tạo đa ngành, trường vừa mới thành lập không đủ điều kiện đào tạo y - dược cũng được mở ngành. Theo quy định của Bộ, việc thẩm định các điều kiện mở ngành được giao cho sở GD-ĐT, trong khi đơn vị này không có chuyên môn, không thể nắm được cơ sở vật chất thế nào thì đạt yêu cầu...

Ông Nguyễn Minh Lợi - Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đào tạo ngành y - dược kém chất lượng là do việc mở ngành đào tạo không có sự tham gia thẩm định của các chuyên gia y tế.

Triển khai quá chậm

Phát biểu tại một hội nghị về giáo dục tại TP.HCM, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục - đào tạo nói chung còn chậm so với yêu cầu.

Chính sách thâm niên nhà giáo được quy định trong Nghị quyết 35/2009 nhưng phải sau hơn 2 năm mới ban hành Nghị định 54/2011. Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú (ngày 21/12/2010) nhưng đến 22/12/2011 liên Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới có Thông tư liên tịch số 65/2011 hướng dẫn thực hiện.

Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.