Những phận đời đón Tết trên giường bệnh

Những phận đời đón Tết trên giường bệnh
TP - Với hơn 150 bệnh nhân ở lại điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Tết Quý Tỵ là Tết của nỗi nhớ, nhớ con thơ, nhớ mẹ già, nhớ không khí sum vầy bên người thân và nhớ cái Tết xưa khi mình chưa ngã bệnh.

> Ăn tiết canh, phải đón Tết ở bệnh viện
> Thiếu gia đất mỏ gói giò tặng bệnh nhân nghèo

25 tháng Chạp, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vẫn còn 550 bệnh nhân đang điều trị. “Hôm qua là 660 bệnh nhân. Chúng tôi đang cố gắng bằng mọi cách để các bệnh nhân có thể về ăn Tết với gia đình, thế nhưng chắc chắn còn trên 150 bệnh nhân không thể về”, bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nói.

Tại phòng điều trị 734, Khoa Điều trị Hóa chất I, bệnh nhân Vi Thị Trỉnh thều thào: “Em nhập viện điều trị hóa chất gần tháng. Tết này không về nhà được. Nhớ con quá”.

Thằng lớn sáu tuổi. Đứa thứ hai mới ba tháng. Năm nay 27 tuổi, quê ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang), cách Hà Nội 320km, chị Vi Thị Trỉnh sinh con thứ hai được một tháng thì cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, xanh xao, thường xuyên chảy máu cam.

Cứ rút cây kim truyền hóa chất ra khỏi tay, chị Trỉnh lại cầm ảnh con rồi rơm rớm nước mắt.

Thời gian này ở quê nhộn nhịp lắm. Sửa nhà cửa, sắm cây nêu, gói bánh chưng, mua quần áo mới cho con. “Mùng sáu Tết có lễ hội Lồng Tồng, cả nhà dẫn nhau đi chơi hội”, chị Trỉnh nhớ lại.

Trần Hải Đăng năm tuổi ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Mới chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được một tuần, Đăng bị bạch cầu cấp tái phát.

Mấy hôm nay, nghe mọi người nói Tết, Đăng hỏi: “Mẹ mua quần áo mới cho con chưa?”. Năm ngoái, khi chưa phát bệnh, Đăng nặng 22 kg. Giờ chỉ còn 17kg, bị bệnh cả ở chân nên không đi lại, không diện quần áo mới được. Ngày mai, 28 Tết, khi bài báo này đến tay độc giả, cha và các bác sẽ từ Quảng Bình ra để hiến máu cho Đăng.

Ông Đỗ Ngọc Thùy (Yên Khánh, Ninh Bình) nhập viện một tuần và là bệnh nhân duy nhất của phòng điều trị 729 phải ở lại. Người đàn ông tuổi 49 bảo quê mình có lễ hội rằm tháng giêng của chín xã quanh vùng đổ về.

Bác sỹ Bạch Quốc Khánh cho hay, những bệnh nhân phải ở lại hoặc thiếu tiểu cầu, hoặc mới vào đang truyền hóa chất, thậm chí bệnh tình quá nặng. Bệnh nhân đến từ khắp nơi, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lào Cai, Hà Giang...

Ngày 25 tháng chạp, cùng với đoàn cán bộ, nhân viên của Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải, một nửa cán bộ, nhân viên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến máu tình nguyện.

Mùng chín tháng giêng, một nửa còn lại của viện sẽ tham gia hiến máu. Để động viên bệnh nhân, chiều 29 Tết, lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ đi thăm hỏi, chúc Tết bệnh nhân, tặng bánh kẹo, quất, đào.

“Chúng tôi cố gắng để bệnh nhân nào có thể về nhà được là cho về. Với nhiều người trong số họ, chẳng biết có còn cái Tết sau nữa không”, BS Khánh nói.

Nhiều bệnh nhân, nhất là người già, dễ chạnh lòng khi Tết đến. Với họ, sống hôm nay chẳng rõ ngày mai. Hơn 20 năm gắn bó ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, BS Khánh chứng kiến nhiều bệnh nhân đón cái Tết cuối cùng.

Có người mất đúng vào mùng một Tết. Vì thế,những người túc trực ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương luôn tâm niệm phải chuẩn bị ngày Tết tốt nhất cho các bệnh nhân của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.