Những 'Ninja' trên dòng Pô Cô

TP - Mưa bão làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng về công trình xây dựng, hoa màu… ở tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, 19 chiếc cầu treo dân sinh ở tỉnh miền núi này bị cuốn trôi khiến người dân phải liều mình kéo cáp, gắn ròng rọc, đánh đu như “ninja” qua sông mưu sinh.

Ôm con, đu ròng rọc vượt sông

Đã gần một tháng từ khi những cơn bão càn quét gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh miền núi Kon Tum nói riêng, người dân vẫn đang đối mặt với bộn bề khó khăn. Tại các địa bàn vùng sâu, ít nhất 19 cầu treo dân sinh bị cuốn trôi khiến cuộc sống của người dân đã cực thêm khổ. Như cầu treo dân sinh nối 2 xã Đắk Nông và Đắk Ang (đều thuộc huyện Ngọc Hồi) bắc qua sông Pô Cô bị cuốn trôi hoàn toàn. Cà phê đã chín đỏ cây, mủ cao su nhiều ngày không cạo, người dân nơi đây như ngồi trên lửa và phải liều mình qua sông Pô Cô thu hoạch nông sản.

Những 'Ninja' trên dòng Pô Cô ảnh 1 Người dân xã Đắk Nông đu dây cáp qua sông Pô Cô

Nhiều người đã thực sự trở thành “ninja” đu dây dọc sông Pô Cô (địa phận 2 xã Đắk Nông và Đắk Ang). Để làm được điều này, họ phải mua cáp treo dài từ 50 đến 400 mét, tùy theo lòng sông, cố định 2 đầu vào những cây lớn ở 2 bờ sông, sau đó tính toán độ dốc nhất định, rồi quấn quanh người vài vòng dây dù. Cuối cùng, người ta gắn ròng rọc có móc sắt vào người đánh đu qua dòng sông Pô Cô nước chảy cuồn cuộn.

Thử đu mình qua sông, PV Tiền Phong chỉ biết nhắm mắt, phó mặc cho sự quay cuồng của ròng rọc. Mấy phút đu dây, cảm giác như thời gian ngưng lại, không còn nghe tiếng dòng sông đang cuồn cuộn réo. Việc đứt cáp, tuột móc sắt, hỏng ròng rọc… hoàn toàn có thể xảy ra.

Thời điểm anh A Thế (thôn Tà Poók, xã Đắk Nông) đu mình qua sông về nhà cũng là lúc chúng tôi có mặt. Ôm một ba lô trước ngực, chân vừa chạm đất, Thế thở phào nhẹ nhõm. Đợi mấy phút hoàn hồn, anh A Thế chia sẻ, mưa bão đã cuốn trôi cầu treo duy nhất của thôn Tà Poók nối với khu sản xuất bên xã Đắk Ang.

Ngoài anh A Thế, có rất nhiều hộ dân khác cùng thôn Tà Poók có đất sản xuất bên kia bờ sông Pô Cô, nên các hộ này tự mua một bộ cáp treo với giá khoảng 400 nghìn đồng để vượt sông. Anh Thế nói, mưa bão đã qua nhưng nước sông vẫn chảy mạnh. Những khi dòng sông hiền hòa nhiều người bơi qua sông Pô Cô đi làm, chứ không cần tới cáp treo.

“Lần đầu qua sông bằng cách này sợ lắm, nhưng vì miếng cơm manh áo, con cái học hành, khó khăn mấy cũng phải cố. Nhiều lúc ròng rọc bị kẹt, người treo giữa sông đang cuồn cuộn, tôi phải nhắm mắt dùng tay trần tự kéo vào, đến bờ tay cũng ứa máu. Bởi vậy, chỉ những người đàn ông khỏe mạnh, giỏi bơi mới qua sông. Phụ nữ, trẻ em không đủ sức và không đủ “liều” để làm “Ninja” trừ khi họ được những người đàn ông tráng kiện tháp tùng”, anh A Thế chia sẻ.

Anh A Thế nhẩm tính, đi đường vòng mất khoảng 1 giờ chạy xe máy, nên mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại sông Pô Cô tới khu sản xuất bằng cách này. Bản thân anh cũng phải đu dây khoảng 6 lần/ngày để vận chuyển nông sản.

Chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Đại (32 tuổi, thôn Đắk Giá, xã Đắk Ang) sau khi xoay nhiều vòng trên ròng rọc khi qua sông, ai cũng hốt hoảng. Anh Đại cho biết, cầu treo qua khu sản xuất bị cuốn trôi, gia đình anh cùng 10 hộ dân khác có đất sản xuất gần nhau góp tiền mua 400 mét dây cáp, ròng rọc để qua sông.

Gia đình anh Đại có 10 ha cà phê, cao su, cây ăn quả, ao cá và cả gia đình ở phía xã Đắk Nông, nên phải làm cáp treo để thuận tiện qua lại, vận chuyển giải cứu hàng chục bao cà phê. Trong lúc đẩy qua sông nhiều bao cà phê trượt khỏi khung sắt rơi mất hút giữa dòng nước.

Anh Đại lo lắng nhất việc gia đình mình có con nhỏ đang tuổi đến trường, ngày nào anh cũng ôm con vượt sông bằng cáp treo. Biết việc này nguy hiểm nhưng anh Đại nói: “Phải chấp nhận thôi vì đi đường vòng cả tiếng đồng hồ, trong khi nhiều việc đồng áng đang đợi”.

Những 'Ninja' trên dòng Pô Cô ảnh 2 Nhiều bao cà phê đã bị rơi xuống sông do việc vận chuyển bằng cáp treo

Hàng trăm tỷ trôi theo mưa lũ

Ông Phan Thanh Tùng - Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, mưa bão đã làm 6 cây cầu treo dân sinh bị cuốn trôi, hư hỏng nặng; 3 cầu treo ở sông Pô Cô nối hai xã Đắk Nông và Đắk Ang bị cuốn trôi hoàn toàn. Ông Tùng cho biết, người dân trên địa bàn đang trong mùa thu hoạch nông sản, nếu chờ làm xong cầu treo sẽ không kịp, hoa màu hỏng hết. Ông Tùng nói rằng, huyện đã chỉ đạo về chính quyền địa phương phải nhắc nhở, theo dõi việc qua sông bằng cáp treo của người dân. Không thể cấm người dân qua sông được vì đây là nhu cầu thiết thực. Cũng theo ông Tùng, UBND huyện này đã khảo sát chọn vị trí, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh kế hoạch bố trí nguồn vốn xây dựng lại 2 cây cầu tại xã Đắk Nông phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân…

Thống kê từ Sở GTVT Kon Tum cho biết, mưa bão làm 19 cầu treo dân sinh trên địa bàn bị cuốn trôi. Các cầu treo dân sinh này được làm từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, xã hội hoá… Sắp tới, lãnh đạo Sở GTVT Kon Tum sẽ họp để có phương án khắc phục, sửa chữa cầu treo dân sinh. Còn theo thống kê ban đầu của UBND tỉnh Kon Tum, mưa bão đã gây thiệt hại trên địa bàn khoảng 386 tỷ đồng; nhiều nhà dân bị hư hỏng, ngập nước, tốc mái và các công trình hạ tầng giao thông hư hỏng, hơn 6 nghìn ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng…

 
Những 'Ninja' trên dòng Pô Cô ảnh 3 Thanh niên xã đoàn Măng Bút làm cầu tạm cho người dân thôn Đắk Jắk

Anh Đinh Tạm - Phó Bí thư huyện đoàn Kon Plông (Kon Tum) cho biết, thời điểm mưa bão xảy ra, huyện đoàn đã thành lập 9 đội thanh niên xung kích có nhiệm vụ dọn dẹp các tuyến đường bị sạt lở; giúp các gia đình neo đơn, gia đình chính sách dọn dẹp, tu bổ lại nhà cửa, đồng thời khơi thông cống rãnh kênh mương, thu gom rác… Đặc biệt, khi cầu treo Đắk Jắk (ở thôn Đắk Jắk, xã Măng Bút, huyện Kon Plông) bị cuốn trôi, cán bộ xã đoàn Măng Bút đã huy động khoảng 40 thanh niên làm cầu tạm phục vụ việc đi lại cho khoảng 80 hộ dân thôn Đắk Jắk.

MỚI - NÓNG