Thiếu tá Nguyễn Văn Tuân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ (CSBV) vận chuyển hàng đặc biệt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động chia sẻ...
1. Trụ sở của Tiểu đoàn CSBV vận chuyển hàng đặc biệt nằm lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng của quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khó hình dung được đó lại là nơi ăn ở, sinh hoạt và công tác, chiến đấu của Ban Chỉ huy Tiểu đoàn và một số đơn vị chức năng.
Thế nhưng theo Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Tuân cho biết, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2017, Tiểu đoàn đã tổ chức lực lượng, huy động hơn 2.000 lượt CBCS tham gia áp tải, bảo vệ tuyệt đối an toàn 100% chuyến hàng đặc biệt, với số lượng chuyến hàng tăng khoảng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi chuyến hàng đều được đảm bảo an toàn về cả người, hàng, trang thiết bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện.
Tiểu đoàn đã thực hiện thành công hai nhiệm vụ đột xuất là áp tải, bảo vệ, tiếp nhận nhiều tấn mẫu xương động vật, sừng tê giác, ngà voi từ kho lưu trữ quốc gia ở Hải Phòng về Sóc Sơn (Hà Nội) tiêu huỷ; xây dựng phương án áp tải, bảo vệ 60 chuyến hàng đặc biệt với khối lượng 200 tấn đi tiêu huỷ ở Thái Nguyên.
CBCS Tiểu đoàn tập huấn võ thuật phục vụ thực tiễn công tác.
Mỗi CBCS tham gia công tác bảo vệ, vận chuyển hàng đặc biệt cần phải có thể lực tốt, bình tĩnh làm chủ mọi tình huống và nắm chắc đặc điểm, tình hình của tuyến đường mà hàng đặc biệt đi qua. Do đó, Tiểu đoàn đã làm tốt công tác điều tra cơ bản tuyến đường bộ để có thể hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
“Phẩm chất quan trọng nhất của một CBCS vận chuyển hàng đặc biệt là đạo đức tốt, tính bảo mật cao. Bởi vì bí mật cũng là yếu tố thành công của chuyến hàng, nên khi nhận kế hoạch, được quán triệt rõ phương án, nhiệm vụ thì anh phải cắt mọi kênh thông tin liên lạc, trong đầu chỉ còn mỗi nhiệm vụ đi đến nơi và hàng an toàn” – Thiếu tá Nguyễn Văn Tuân nói.
Bên cạnh đó, theo anh, CBCS còn phải có tính chiến đấu độc lập cao, chủ động giải quyết công việc để đảm bảo ra quân làm nhiệm vụ là không được phép sơ suất.
“Có những CBCS đang trên đường vận chuyển hàng thì người thân mất, thế nhưng họ không hề hay biết vì gia đình cũng không liên lạc được với cán bộ. Lúc này, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn tạm thời thay mặt cán bộ đến nhà chia buồn với gia đình chứ không thể báo tin hoặc cho họ về vì người cán bộ không thể rời vị trí, bỏ hàng được. Sau chuyến đi trở về, họ mới có thể làm tròn trách nhiệm trong gia đình…”.
2. Đối với Trung tá Nguyễn Đức Nguyên, Phó Tiểu đoàn trưởng – người có nhiều năm kinh nghiệm chỉ huy vũ trang bảo vệ mục tiêu về kinh tế và áp tải hàng đặc biệt thì tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đồng đội của CBCS cũng không kém phần quan trọng.
“Các chuyến hàng đặc biệt của Chính phủ được vận chuyển với giá trị rất lớn, đi khắp các địa phương trên cả nước nhưng mỗi chuyến Tiểu đoàn chỉ cử một tổ công tác đi, số lượng không nhiều. Do đó nếu CBCS không nêu cao vai trò trách nhiệm, tinh thần gương mẫu, cảnh giác cao độ và không hỗ trợ, phối hợp với nhau hiệu quả thì nhiệm vụ khó hoàn thành” – anh nhận định.
Có thể nói, chính sự phối hợp ăn ý, hiểu nhau giữa các CBCS cùng “trên một con thuyền” như lớp màng chắn tinh thần bảo vệ tốt cho những chuyến hàng đặc biệt.
CBCS Tiểu đoàn CSBV vận chuyển hàng đặc biệt tiến hành lập chốt bảo vệ trên phương tiện tàu hoả, chuẩn bị cho các chuyến công tác.
CBCS làm nhiệm vụ áp tải, vận chuyển hàng đặc biệt cũng phải được huấn luyện một cách đặc biệt. Đó là huấn luyện thành thục võ thuật, kỹ chiến thuật chuyên sâu, các dạng phương án, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ và thiết bị giám sát hành trình; biết lái xe ôtô các loại, thậm chí là biết sử dụng các phương tiện đặc biệt; biết quy trình xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra khi gặp sự cố…
Nói như thế thì nhiệm vụ nặng nề cũng đi kèm với áp lực, có bao giờ các anh nản chí hay chán công việc này không? Đáp lại sự tò mò của tôi, Thiếu tá Đoàn Anh Hùng, Chính trị viên Tiểu đoàn cho hay: “Mỗi cá nhân luôn cảm thấy vinh dự, tự hào được khoác lên màu áo của lực lượng Cảnh sát cơ động và được làm nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao cho. Có thể có phút giây mệt mỏi về thể chất trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa bao giờ thấy nhàm chán. Được vi vu nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương và các lực lượng khác, rồi những khoảnh khắc được ngắm cảnh, giao lưu học hỏi về văn hoá đã xoá tan mọi mệt nhọc, căng thẳng”.
Sức ép từ công việc, nhiệm vụ đã đành, những đồng chí tham gia áp tải, vận chuyển hàng lần đầu còn gặp một thứ sức ép đáng sợ khác. Nguyên do là họ đột nhiên “mất tích” bí ẩn khiến gia đình, vợ con ghen tuông, trách móc. Nhiều đồng chí sau khi trở về nhà tư tưởng bất an, bầu không khí còn căng thẳng hơn làm nhiệm vụ. Chỉ khi gia đình tìm đến đơn vị tìm hiểu thì tất cả mới “vỡ oà”.
Tuy nhiên những chuyến hàng sau không ít cán bộ vẫn thường xuyên bị giận dỗi, bởi trong lúc gia đình khó khăn mà nguời chồng, người cha không bên cạnh hỗ trợ, không liên lạc sẻ chia, cũng không “định vị” được ở phương trời nào…
Nói về công việc của mình, các anh vẫn thường tếu táo: “Trong mọi điều kiện thời tiết thì chuyến hàng vẫn đi, dù mưa bão, ngập lụt hay nắng hạn. Nhưng ngoài bão thời tiết thì còn có “bão” ở hậu phương, “bão” này tràn về trong những thời khắc quan trọng nhất”.
Ngay lúc tôi thực hiện bài viết này thì Tiểu đoàn CSBV vận chuyển hàng đặc biệt vẫn đang làm nhiệm vụ áp tải những chuyến hàng trên khắp dải đất hình chữ S. Nhiệm vụ của họ là thường xuyên, hàng ngày, nhiệm vụ nối tiếp nhiệm vụ, âm thầm lặng lẽ giữa các dòng phương tiện ngược xuôi…
Tâm sự thêm về sự đổi mới nội dung công tác trong thời gian tới, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Tuân cho rằng, đơn vị sẽ tập huấn chuyên sâu cho CBCS theo kịch bản, tình huống; xây dựng phương án bảo vệ hàng đặc biệt ngày càng gắn sát, phù hợp với tình hình thực tế hơn.
Cùng với việc bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ chiến thuật, bản lĩnh chiến đấu độc lập, bảo đảm CBCS làm chủ trong mọi tình huống, Tiểu đoàn sẽ tăng cường trang bị vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trang cấp để phục vụ cho công tác bảo vệ, vận chuyển hàng đặc biệt…