'Những người hàng xóm' Nguyễn Nhật Ánh có gì lạ?

TPO - Nguyễn Nhật Ánh đã nói hoàn cảnh ra đời truyện dài này do ông rong chơi ở nước ngoài quá xá lâu nên…rảnh rỗi sinh nông nổi… Lần đầu, ông đưa châu Âu, cụ thể nước Bỉ, vào sách. “Tôi”, người kể chuyện trong sách, là chàng người Bỉ thích viết văn, lấy vợ, là con gái của một nhà văn Việt Nam. 

Nhiều chi tiết cảm động

Tên truyện dài đã bật mí nội dung sách. Những người hàng xóm trong sách là Arnaud, chủ nhà máy sản xuất dao cạo râu không mê văn chương, nhưng lại giả vờ nuôi mộng viết văn, là ông thợ sơn Simon thích chơi đàn phong cầm, là bà Dorothé thích nuôi ngựa, là ông già Jakob cô độc, miệt mài vẽ chân dung người vợ đã khuất gần 60 năm… Thậm chí con chim ác là mê nghe đàn cũng là một nhân vật.

Không hồi hộp, không gay cấn nhưng Những người hàng xóm khiến độc giả nhiều phen rơi nước mắt. Một đôi vợ chồng nghèo mua nhà trả góp theo hình thức đặc biệt, trả trước 56.000 euro, số còn lại trả trong vòng 180 tháng, mỗi tháng 690 euro. Nhà cửa đất đai của ông già Jakob cô độc được định giá 300.000 euro nhưng nếu mua trả góp kiểu này đôi vợ chồng ấy chỉ phải trả 181.640 euro. Tuy nhiên, có một điều khoản kèm theo: Cho phép người bán nhà được sử dụng nhà trọn đời. Khi bán nhà ông già Jakob không con cái đã bước vào tuổi 80, đã góa vợ 40 năm.

Nhưng17 năm sau hai vợ chồng nghèo mua nhà theo hình thức đặc biệt vẫn chưa được dọn đến ở, dù họ đã thanh toán xong tiền nhà. Chính ông già Jakob cũng áy náy vì sự sống thọ của mình, có lần ông nói với người kể chuyện, tức “Tôi”: “Ta sống lê thê quá cũng thấy có lỗi với thằng cu Ruben cháu à”. Rồi ông già cô độc ấy phải nhập viện vì ung thư. Người kể chuyện nghi ngờ chính ông đã can thiệp vào cái chết của mình, bằng cách chủ động ngắt ống thở.

Ông Jakob luôn áy náy với người mua nhà mà ông gọi là "cu Ruben" không chỉ vì ông sống dai mà còn vì “cu” mua nhà quá tử tế. Năm 91 tuổi ông phải phẫu thuật. Máu của ông thuộc loại máu hiếm. Có một người giấu tên đã hiến máu cho ông. Mãi 5 năm sau ông mới biết người giấu mặt ấy là “cu Ruben”.

Cho đến ngày “cu Ruben” bị đụng xe nằm trong bệnh viện chờ mổ, bệnh viện gõ cửa nhà ông Jakob, đề nghị ông hiến máu, ông mới hay người từng cứu mình mà nhất định đòi bệnh viện giấu danh tính chính là “cu Ruben”. Cuối cùng, ông Jakob đã đi gặp vợ mình trên thiên đàng để “cu Ruben” và người thân được dọn về nơi ở mới, chấm dứt cảnh thuê nhà. Bài thơ cuối cùng của ông già Jakob trước khi lìa xa trần thế:

“Bấy giờ, với đôi chân đã mỏi

Anh đi tìm em

Bấy giờ, với tấm lưng đã còng

Anh đi tìm em

Bấy giờ, ôm tuổi già trong tay

Như ôm một bó hoa đã héo

Anh đi tìm em”.

'Những người hàng xóm' Nguyễn Nhật Ánh có gì lạ? ảnh 1

Hoạ sĩ Đỗ Hoàng Tường tiếp tục đồng hành cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong tác phẩm mới .Ảnh: Đ.N.

Không chỉ có ông già Jakob và “cu Ruben” khiến độc giả rơi nước mắt vì cảm động, ngay cả con chim ác là xuất hiện trong Những người hàng xóm cũng ám ảnh.

Nguyễn Nhật Ánh đã kết thúc truyện dài này bằng những dòng viết về nó: “Cả con chim ác là mê nghe đàn kia nữa. Bây giờ nó đang đậu trên cành sung như một dấu chấm lẻ loi - nhưng không còn cô độc.

Dấu chấm đó, nhẹ nhõm thay, cũng vừa rơi xuống trang văn của tôi.

Đó chính là dấu chấm hết cho cuốn truyện này”.

Viết sách thế nào, quảng cáo ra sao và hài hước ngầm

Nếu bạn muốn trở thành nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh, hãy tìm những lời khuyên trong Những người hàng xóm.

Khi tôi, chàng con rể người Bỉ hỏi bố vợ, nhà văn chuyên nghiệp ở Việt Nam: “Con muốn kết thúc cuốn sách, ba à!”.

Nhưng cái khó của cậu con rể là không biết kết thúc cuốn sách ra sao? Đây là lời khuyên từ bố vợ: “Có hàng trăm cách để kết thúc một câu chuyện. Nếu con không biết cách nào trong hàng trăm cách đó thì hãy kết thúc ở chỗ nó bắt đầu”. Còn làm thế nào để bắt đầu một cuốn sách? Đây là lời đáp: “Bằng cách ngồi vào bàn. Giống như để bắt đầu một cuộc đua, điều cần làm đầu tiên là phải đứng vào vạch xuất phát”.

Nếu bạn đang kinh doanh mặt hàng nào đó, muốn thực hiện chiến dịch quảng cáo biết đâu Những người hàng xóm cũng cho bạn những lời khuyên thú vị.

Thí dụ, Nguyễn Nhật Ánh viết: “Để quảng cáo quần lót thì cái cần khoe là một vòng ba king size chứ không hẳn là cái mẩu vải tí hon dùng để gói cái vòng khổng lồ đó lại. Tư duy này có vẻ nghịch lý nhưng sức mạnh của marketing chính là nằm ở sự kích thích, thậm chí khiêu khích”.

Như nhiều cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh, người đọc dễ dàng tìm thấy sự hóm hỉnh trong ngòi bút của ông. Ngay những trang đầu, ông đã khiến người đọc tủm tỉm khi nói về cái chết của một ông già hàng xóm chỉ bằng hai chữ “tiện chân”: “Cách đây sáu tháng, ông Simon bước vào tuổi chín mươi ba và sau đó thì ông tiện chân bước qua thế giới bên kia luôn”.

'Những người hàng xóm' Nguyễn Nhật Ánh có gì lạ? ảnh 2

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Đ.N.

Đừng so với “Mắt biếc”

Trong rất nhiều phản hồi của độc giả về Những người hàng xóm có bình luận đáng lưu ý, vị độc giả này “vỡ mộng” về “đứa con” mới sinh của Nguyễn Nhật Ánh vì cứ tưởng được khám phá chuyện tình lâm li như Mắt biếc hóa ra lại không…

Nhưng những người mở lòng đọc Những người hàng xóm, không bị ám ảnh bởi Mắt biếc hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ không thất vọng. Khung cảnh nước ngoài, nhân vật toàn nước ngoài, đọc xong, những người không khá môn ngoại ngữ hẳn chẳng nhớ tên nhân vật nào nhưng dư vị về truyện dài này khiến người ta thấy đáng bỏ ra 110.000 đồng để sở hữu một cuốn.

Đánh giá của giáo sư Phong Lê về Nguyễn Nhật Ánh trong văn chương vẫn đúng với tác phẩm mới ra lò của ông: “Giữa cái ác và cái giả đang bủa vây hôm nay, đọc Nguyễn Nhật Ánh, ta vẫn có lòng tin: Cái thiện, cái tốt, cái đẹp vẫn có trong cuộc đời, và trong quan hệ giữa con người, khơi dậy lòng khao khát sống tử tế, sống vì người khác”. Còn tôi, đọc Những người hàng xóm chợt nhớ những câu thơ quen thuộc của cố kịch tác gia, nhà thơ Lưu Quang Vũ:

“Nếu cuộc đời này toàn những chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa?

Sao rãnh nước trong veo đến thế?”.

Tin liên quan