Dưới bóng cây hạnh phúc xoay quanh câu chuyện gia đình ông Công (NSND Quốc Trị) với ba cậu con trai: Tố (NSƯT Bùi Như Lai), Đạt (Mạnh Hưng) và Danh (Anh Vũ). Mỗi người trong gia đình đều trái tính, trái nết, xảy ra không biết bao nhiều tình huống oái oăm, khiến cô con dâu tận tâm, biết suy nghĩ cho gia đình phải uất ức, bao đêm khóc thầm.
Gia đình với những người đàn ông “bất ổn”
Vốn gia đình không mấy khá giả, ông Công gà trống nuôi con, chỉ nhờ vào tiệm sửa xe nuôi ba con trai khôn lớn. Tính tình ông vốn cổ hủ, lạc hậu, không biết bao lần chì chiết con dâu khiến người xem ức chế.
Ông Công coi việc con dâu dậy sớm nấu ăn ngày ba bữa, chu toàn tất cả công việc nhà là bổn phận, trách nhiệm. Nếu làm điều gì phật ý, ông sẽ thể hiện thái độ và giọng điệu khó ưa. Biết con dâu nói dối, không bị bệnh hiểm nghèo như đã thông báo, ông Công trở mặt, cho rằng đây là điều đáng xấu hổ, đòi đuổi cô về nhà mẹ đẻ.
Suốt chục tập phim, người xem chỉ thấy những cơn hậm hực, giận dữ của ông Công trút lên đầu con dâu bằng những lý lẽ giáo điều, cục cằn.
“Chị đừng để mẹ chị phải xuống đây nói khó nói dễ với tôi. Bố mẹ chị biết chị vụng dại không xứng với thằng Đạt nhà tôi, suốt ngày phải xuống đây quà cáp. Chị đã không làm được gì thì đừng để bố mẹ phải xấu mặt", "Đẻ ra đứa con gái hư hỏng như vậy, tất cả là do bên ấy hết" - ông Công mắng con dâu.
Đạt - Chồng Son (Kim Oanh) là con trai thứ hai của ông Công. Anh là cán bộ của trung tâm văn hóa xã và là người khá thực tế, biết chăm lo cho gia đình. Song, nhân vật này vẫn là hiện hữu của nhiều tính xấu như gia trưởng, dịu dàng với người ngoài nhưng cục cằn, vô tâm với vợ. Giống như bố, Đạt luôn cho rằng việc quán xuyến gia đình, lo cho anh chị em trong nhà là nghĩa vụ mà Son phải đảm đương. Anh gạt bỏ lời phàn nàn, kêu ca từ vợ, không hề có sự cảm thông, thấu hiểu.
Khi cả cơ quan đều đưa vợ đến tham gia liên hoan, Đạt chẳng những không nói với vợ mà còn bịa lý do né tránh câu hỏi từ đồng nghiệp. Nghe lời phân trần của vợ khi biết sự thực chuyện mắc bệnh hiểm nghèo, Đạt không giữ được bình tĩnh tát Son mạnh tay. Bao nhiêu lần ấm ức, Đạt chưa một lần bênh vực, đứng về phía vợ.
Khác với Đạt, cậu em út Danh là người “đội vợ lên đầu” nhưng sống đời phù phiếm, ăn chơi. Hai vợ chồng Danh thích sống ảo, vì sĩ diện hão mà khiến cả hai bên gia đình nội ngoại bao phen điêu đứng. Vì muốn giàu nhanh, Danh đầu tư chứng khoản nhưng thua lỗ nặng, bị ngân hàng khởi kiện bởi khoản vay quá hạn… Ấy vậy, anh không bao giờ nhận trách nhiệm của bản thân, vẫn vung tiền tiêu pha đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ở những nơi sang trọng, cốt để “lòe” thiên hạ cuộc sống vương giả, giàu sang.
Nhân vật làm khán giả cảm thấy “bình thường” nhất là anh cả Tố nhưng cuộc đời nhân vật này cũng chẳng vẹn toàn. Nhân sinh quan của anh thay đổi khi vì vợ bỏ, sau này lại bị vợ sắp cưới lừa, ôm tiền cao chạy xa bay. Tố hận, mất niềm tin vào đàn bà, khó gần với tất cả mọi người và tìm đến rượu để giải quyết nỗi buồn. Ở cái tuổi tứ tuần, Tố vẫn chưa có công ăn việc làm ổn định khiến ông Công chưa thể yên lòng.
Yếu tố đời thực
Khắc họa gia đình với những người đàn ông gây ức chế, cộng thêm tình tiết phim dồn dập mâu thuẫn, bất công kích thích sự tò mò của khán giả. Nhiều ý kiến trái chiều đánh giá về kịch bản phim nhưng không ít người cho rằng phim lột tả thực tế.
Diễn viên Kim Oanh từng chia sẻ đời thực không hiếm những người như Son và gia đình ông Công. Cuộc sống hiện thực vẫn tồn tại những ông bố cổ hủ, lạc hậu, những ông chồng gia trưởng, cục cằn.
Nhiều khán giả nói ông Công có cách hành xử như vậy vốn dĩ vì quá thương con, đến mức coi thường người khác.
Hình ảnh gia trưởng, cục cằn, sĩ diện hão ở bố con ông Công không khó gặp ở ngoài đời. |
Trong phim có đoạn hai anh em Đạt – Danh trò chuyện với nhau, Danh nói đã hiểu lý do Đạt cưới Son về làm vợ: “Anh lấy chị Son về cho gia đình. Chị Son mà biết chuyện này chắc đau phết”. Đạt cười trừ: “Phù hợp mới yên ổn được. Có gì đâu mà đau, có gì đâu mà tổn thương”. Nghe đến đây, Danh đáp lại: “Vì không đủ yêu nên không buông bỏ được nguyên tắc của bản thân. Vì không đủ thiết tha nên lời xin lỗi rất khó nói ra”.
Đoạn thoại ngắn nhưng thành điểm nhấn của phim bởi nhiều khán giả thấy câu chuyện của mình trong đó. “Góc khuất được đạo diễn lột tả hết từ đời thực vào phim. Không yêu thì đâu đủ bao dung, không yêu và gia trưởng thì khó để nói lời xin lỗi, chỉ đơn giản vướng mắc 2 từ ràng buộc thôi”, một khán giả bình luận.
Sự độc hại có lối thoát
Sự “bất ổn” của những người đàn ông trong gia đình ông Công khiến khán giả đặt câu hỏi về tên bộ phim. Đến chặng cuối, người ta vẫn chưa tìm thấy chữ “hạnh phúc” trong tiêu đề. Tuy nhiên, ở những tập cuối, người xem đã cảm nhận rõ hơn sự thay đổi về suy nghĩ, tính cách của nhân vật.
Tưởng chừng bị vướng vào lưới tình của cô gái trẻ đẹp Thu Hồng, Đạt vượt qua cám dỗ, buông bỏ tình cảm sai trái, trở lại với gia đình. Sau khi bị bạn lừa, vợ đòi ly hôn, Danh nhận ra cái sai của bản thân, không còn sĩ diện như trước. Anh bỏ nhà đi làm lại cuộc đời, đi tìm công việc tay chân.
Gia đình ông Công đang dần gắn kết, yên ổn sau sóng gió. |
Nhắc tới chuyện vợ chồng con út chia tay, ông Công buồn: "Nhà có mấy đứa con, đứa thì bị vợ bỏ, đứa thì ly dị". Ông than vãn yêu cầu Đạt không được ly hôn Son. Lúc này, ông đã nhận ra ưu điểm của con dâu, khen Son chu toàn, xông xáo, việc gì cũng đến tay.
"Chính vì không coi vợ ra gì nên lúc nào ra đường thấy người này người kia cũng cho rằng hơn vợ mình" - ông Công nói đúng khiến Đạt chỉ biết im lặng lắng nghe.
Về phần Tố, anh đi tìm công việc bốc vác làm thêm vì quán sửa xe ế khách, anh cũng mở lòng đón nhận tình bạn với Nhài – chủ tiệm salon tóc. Thấy con làm cửu vạn, ông Công lo lắng nhưng xúc động vì biết con trai thương bố vất vả, đến tuổi dưỡng già vẫn phải nai lưng lo từng cắc bạc.
Sau cùng, Tố, Đạt, Danh và cả ông Công đều nhận ra cái sai của bản thân, đồng loạt hành động vì những người mình thương yêu.