Khán giả biết diễn xuất
Đang tìm việc làm thêm, Lê Thị Thanh Xuân (sinh viên năm nhất trường ĐH KHXH&NV TPHCM) được bạn bè rủ đi làm khán giả cổ vũ cho một chương trình truyền hình. Chưa biết mô tê công việc thế nào, nhưng nghe các bạn bảo rất thú vị “đi rồi biết”, cô gái tò mò đăng ký tham gia.
10h sáng ngày cuối tuần, khu vực căng tin của phim trường Zoom Media (Q.Gò Vấp, TPHCM) sôi nổi hơn khi có nhóm bạn trẻ sắp hàng chờ vào ghi hình. Sau phần điểm danh (khoảng 40 khán giả/lần ghi hình), các bạn yên vị chỗ ngồi, chỉnh trang y phục để xuất hiện trước máy quay trong bộ dạng thật đẹp.
“Nào, các bạn vỗ tay thật to và nhanh. Cười tươi lên! Vỗ tay và đứng lên để tạo không khí hào hứng…” - trưởng nhóm tập thử trước khi vào việc. Đây chính là nghề vỗ tay thuê, các bạn trẻ sẽ đóng vai khán giả để vỗ tay, cổ động người chơi tại các gameshow (trò chơi truyền hình).
Vũ Tấn Thanh (20 tuổi) có gần 2 năm làm khán giả, cho biết: “Lúc đầu mình làm thử cho biết, rồi gắn bó lúc nào không hay. Công việc tính theo giờ, trung bình từ 12.000-15.000 đồng/giờ; nếu quay ban đêm thì phí cao hơn. Mình có thể kiếm từ 50.000-70.000 đồng/buổi ghi hình. Nếu so với công việc làm thêm như bưng bê, phụ quán ăn thì đây là “việc nhẹ lương cao”, vì chỉ ngồi một chỗ xem nghệ sĩ, khách mời biểu diễn nhưng vẫn có tiền tương đương”.
Thời gian gần đây, các gameshow và chương trình truyền hình thực tế ra đời ngày càng nhiều như: 7 nụ cười xuân, Siêu trí tuệ, Nhanh như chớp, Thách thức danh hài, Siêu bất ngờ…Mỗi chương trình đều cần nhiều khán giả lấp đầy trường quay và vỗ tay tạo không khí sôi động, náo nhiệt. Và các đội cổ vũ, vỗ tay thuê ra đời từ đó.
Công việc của đội cổ vũ, vỗ tay thuê chỉ đơn giản là cười thật tươi, vỗ tay thật to, gương mặt “nở ra” để diễn tả sự thích thú… Đa số các chương trình vẫn chưa diễn ra, khán giả chỉ “diễn” để ghi hình trước. Những hình ảnh này sau đó sẽ được cắt ghép để “trám” trong quá trình dựng hình cho chương trình. Hoạt náo viên truyền hình cũng “nhá hàng” trước những “tín hiệu” để vỗ tay trong suốt chương trình, khi MC dừng ở từ nào, diễn giả nói dứt câu nào.Trong trường hợp MC hay diễn giả nói sai, thì tất cả khán giả đương nhiên cũng phải “diễn” lại để ghi hình lại.
“Dù có mệt vì phải vỗ tay nhiều lần, nhưng khán giả vẫn phải cười tươi khi máy quay “lia” về phía mình. Nhiều chương trình hài, thí sinh diễn không tốt, không thể cười nổi nhưng mình cũng phải reo hò vỗ tay nhiệt tình” - Minh Thịnh (24 tuổi) có 5 năm theo nghề cho hay.
Đi sớm về muộn
“Đi sớm về muộn” là tên gọi vui của họ dành cho công việc của mình.Tại các chương trình ca nhạc, game show hay các buổi hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm mới, họ luôn là những người đến sớm nhất và về sau cùng. “Chúng mình thường có mặt trước khoảng 2 giờ đồng hồ để điểm danh, tập dượt, sắp chỗ… Có lúc nghệ sĩ đến muộn, tụi mình còn phải chờ đợi rất lâu. Tuy nhiên, tất cả thời gian chờ đợi đều được tính phí nên mọi người đều cố gắng” - Thanh Tâm (sinh viên trường Tôn Đức Thắng) kể.
Mặc dù chỉ làm nghề vỗ tay, cổ vũ thuê nhưng nhiều bạn cũng chạy sô không kém người nổi tiếng, có tháng ngồi vỗ tay suốt vì hết game show này lại đến game show khác. “Có hôm mình chạy 3 sô, mỗi sô 4 tiếng, thu nhập gần 200.000 đồng. Thích nhất là được thuê cổ vũ ca sĩ trong các buổi liveshow. Tụi mình được sắp ngồi vị trí tốt nhất, được phát sẵn phù hiệu, băng rôn, hoặc gậy phát sáng để làm chương trình lung linh hơn khi ca sĩ biểu diễn. Không ít lần mình được xem show của ca sĩ nổi tiếng biểu diễn, giá vé không dưới 1 triệu đồng/vé nhưng mình lại được xem miễn phí, lại có tiền hậu hĩnh” - Minh Trang (25 tuổi) hào hứng kể.
Tùy theo nội dung, tính chất chương trình và đơn vị tổ chức, thù lao cho công việc đòi hỏi sự năng động này dao động trong khoảng 10.000-50.000 đồng/người/buổi. Mỗi lần ghi hình game show trực tiếp thì thù lao cao hơn, cần nhiều cổ động viên hơn để làm “nóng” không khí tại trường quay.
Thiên Ân (19 tuổi, ngụ Q. Thủ Đức, TPHCM) cho biết: “Ngoài những mối quen biết như có người nhà làm trong đài truyền hình, bạn bè mách nước thì bọn em cũng chủ động “săn” chương trình nhờ những mối quan hệ trước. Phải để ý xem sắp tới có chương trình nào diễn ra thì liên hệ với người phụ trách để làm cổ động viên, vỗ tay cho chương trình. Sinh viên thường trẻ trung, sôi động hơn những đối tượng khác, nên là đối tượng khán giả được ưu tiên”.
Hiện có rất nhiều bạn sinh viên chọn nghề vỗ tay thuê làm công việc bán thời gian chính. Đa số các bạn trẻ đều yêu thích nghề này, bởi không chỉ là thu nhập, đây còn là cơ hội để các bạn giao lưu, kết giao bạn bè và xem một chương trình hay.