Những người bén duyên với nghề độc, lạ: 'Bới đen, tìm trắng'

Chị Bùi Thị Tuyết, chủ tiệm Nhổ tóc bạc Tuyết (Bàn Cờ, quận 3, TPHCM) hành nghề “bới đen, tìm trắng” luôn có nguồn khách ruột ổn định Ảnh: U.P
Chị Bùi Thị Tuyết, chủ tiệm Nhổ tóc bạc Tuyết (Bàn Cờ, quận 3, TPHCM) hành nghề “bới đen, tìm trắng” luôn có nguồn khách ruột ổn định Ảnh: U.P
TP - Chẳng ai ngờ, cái công việc nhổ tóc sâu, tóc ngứa mà ngày xưa ông bà hay nhờ con cháu làm hộ lại trở thành nghề mưu sinh cho nhiều người hiện nay.

Nhu cầu cao

“Nhổ tóc bạc phải không cô? Cô chờ cháu xíu nhé!”, chị Bùi Thị Tuyết, chủ tiệm Nhổ tóc bạc Tuyết (Bàn Cờ, quận 3, TPHCM) đon đả mời khách. Tiệm rộng chừng 20m2, chỉ độc mỗi dịch vụ… nhổ tóc bạc. Từ trong tiệm phát ra tiếng nhạc thiền cùng mùi hương trầm nhè nhẹ.

Khi khách đã yên vị, chị Tuyết nhanh chóng rẽ ngôi, phân vùng rồi dùng nhíp thoăn thoắt nhổ từng sợi tóc bạc. “Đời sống càng hiện đại, con cháu bận rộn hơn với việc học, việc làm… nên không có thời gian nhổ tóc cho ông bà, cha mẹ. Thấy nhiều người có nhu cầu, tôi bèn mở dịch vụ này”, chị Tuyết chia sẻ.

Theo chị Tuyết, khách đến đa phần là người lớn tuổi, không dám nhuộm tóc vì sợ hư tóc, dị ứng thuốc. “Khách đến đây đều được phục vụ chu đáo, phần lớn họ là những khách quen, khách ruột của tiệm. Tất nhiên vẫn có nhiều người mới, người lạ thấy dịch vụ nhổ tóc bạc hay, thú vị nên đã đến tìm hiểu và thử. Lúc đầu họ có vẻ ngại nhưng sau vài lần thì đã thành khách quen”, chị Tuyết nói.

Lần theo tấm biển chỉ dẫn vào tiệm nhổ tóc bạc của chị Nguyệt (Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TPHCM), chúng tôi đến khi tiệm khá đông khách chờ. Với giá chỉ 20.000 đồng/30 phút nên nhiều người tìm đến nhổ tóc bạc. “Thỉnh thoảng tôi có nhờ con gái nhổ giúp nhưng thường đi luôn sợi đen. Tình cờ tôi biết dịch vụ này nên đến thử, sau nghiện lúc nào không hay. Đúng là “gãi ngứa” đúng chỗ, mỗi lần được… sờ đầu, tôi không muốn về nữa”, anh Thịnh (50 tuổi), người vừa được nhổ tóc bạc xong hóm hỉnh nói.

Chia sẻ về việc mở tiệm nhổ tóc bạc, Thanh Lan (28 tuổi, ngụ đường Nhật Tảo, quận 10, TPHCM) kể, quê cô ở Quảng Ngãi. Vào Sài Gòn, cô phụ việc ở một tiệm tóc. Lúc đó có nhiều khách nhờ nhân viên nhổ giúp tóc bạc cho đỡ ngứa. Thấy nhu cầu cao, cô rủ thêm người bạn hùn tiền thuê nhà, mua thêm 3 chiếc ghế và hành nghề từ đó.

Cũng lắm công phu

Công việc nhổ tóc bạc, tóc ngứa không hề nhàn nhã, dễ làm như nhiều người lầm tưởng. Chủ tiệm Bùi Thị Tuyết cho hay, trước tiên phải kiểm tra tóc, phân loại hướng mọc của tóc để có cách nhổ thích hợp. Sau đó, tùy theo sở thích của khách để xác định vùng nào nhổ trước vùng nào nhổ sau, nhổ nhanh hay chậm.

“Khách đến mỗi người mỗi vẻ, có người thích trò chuyện, có người thích im lặng để nghỉ ngơi. Mình phải biết ý từng khách. Đặc biệt là phải làm thật tâm, không phải thấy khách ngủ là kéo dài thời gian để thu tiền. Chỉ cần một khách phản hồi không tích cực là tụi em chấn chỉnh ngay”, chị Tuyết nói.

Nhân viên tại tiệm Mộc Nguyên trên đường Bà Hạt (Q.10, TPHCM) cho rằng, đây là nghề làm dâu trăm họ. Có khách thích nhổ tóc bạc, có khách không có tóc bạc yêu cầu nhổ tóc sâu, tóc ngứa. Trong quá trình nhổ phải quan sát thái độ của khách. Người thích nhổ nhanh, người khoái nhổ chậm, người thích nhổ mặt tiền, có người lại thích nhổ vùng đỉnh đầu,…nên thợ phải biết tính của khách mà chiều theo. “Quan trọng là phải biết bới tóc để khi nhổ, khách hàng không bị đau. Ở đây, các nhân viên đều được học cách rẽ tóc, bới tóc để phân biệt tóc đen, tóc bạc”, nhân viên này nói.

“Với những vị khách ngồi từ một đến hai tiếng, đòi hỏi nhân viên phải kiên trì nhổ sạch tóc bạc. Một yêu cầu cho các nhân viên là phải nhanh mắt, nhanh tay và kiên trì, phải tinh ý để nhận ra yêu cầu và mong muốn của từng vị khách. Có người đến nhổ tóc để tìm sự yên tĩnh, thư thái; trái lại, có vị khách lại thích tếu táo trò chuyện”, chị Tuyết cho hay. Theo chị, không ít người chỉ mới vào làm được một, hai ngày đã bỏ vì mỏi mắt, mỏi tay, không theo được nghề. Phải những người thật yêu nghề, có tính kiên trì mới có thể gắn bó lâu dài với nghề này.

Theo các chủ tiệm nhổ tóc bạc, khâu tuyển nhân viên là khó nhất. Đây là loại hình dịch vụ đơn giản nên chỉ cần lao động phổ thông, cần nhất là người yêu nghề. Anh Bình, một chủ tiệm nhổ tóc bạc gần khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TPHCM), cho rằng người làm công việc này phải có tố chất đặc biệt khác nữa là sự tinh mắt, nhanh tay, bởi nhổ được một sợi trắng lại rụng một sợi đen thì dễ mất khách. Hơn nữa phải có tính kiên nhẫn. Bởi đây là công việc khá nhàm chán, người thợ phải làm mỗi động tác gắp - nhổ liên tục từ sáng đến chiều, ngày này qua ngày khác nên dễ bỏ cuộc. “Tôi cũng đã rao tuyển rất nhiều thợ, nhiều người đến xin việc đều không trụ lại bởi họ không coi nó là nghề. Nhưng nếu ai đã yêu thích và quyết tâm làm thì có thể yên tâm “sống khỏe” vì khách hàng ổn định, không sợ ế khách và cạnh tranh với các nghề khác”, anh Bình nói.       

(còn nữa)

Chạy dọc các tuyến đường Hòa Hảo (quận 10), Vĩnh Viễn (quận 10), Ngô Quyền (quận 5), Nguyễn Tri Phương,… của TP HCM, chúng tôi đều bắt gặp nhiều dịch vụ nhổ tóc bạc. Dường như thấy được lợi nhuận từ dịch vụ, nhiều tiệm massage, gội đầu, cắt tóc ở TPHCM cũng nhanh chóng ăn theo bằng cách treo thêm biển “nhổ tóc bạc bình dân” với giá dao động từ 30.000 đến 60.000 đồng/giờ.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.