Những nẻo đường thương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 20 năm làm phóng viên y tế, tôi nhận ra rằng những chồng khít lên nhau của sinh và tử, hẩm hiu và hồi sinh, niềm đau và nỗi vui mà tôi được thấy, được cảm nhận, đó là món quà ưu ái của nghề nghiệp đưa lại. Tạ ơn họ, những nhân vật có mặt và không có mặt trong vô vàn bài báo, bởi tôi đã được đi để biết, để thương hơn và được thương…

Trong hành trình từ một phóng viên tập sự đến hôm nay, nhìn lại sự trưởng thành và vững vàng của mình tôi vẫn luôn nghĩ đến những người vốn không cùng nghề nhưng lại cho mình những bài học quý giá, những kiến thức và vốn sống để trải nghiệm cuộc đời nhiều màu sắc.

Hơn cả yêu thương

Những nẻo đường thương ảnh 1

Bác sĩ thăm khám cho trẻ tại BV nhi Trung ương

Ngày ấy mới là phóng viên trẻ gần như nhất tòa soạn, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực y tế. Mọi thứ quá mới mẻ và ngợp. Giữa những xao động và lo lắng đôi lúc tôi không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Và tôi chọn Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi điều trị những thiên thần bé nhỏ không may mắc bệnh hiểm nghèo để bắt đầu khám phá một thế giới mới lạ, chất chứa niềm đau nhưng cũng ngồn ngộn cảm xúc của tình người.

Cần mẫn và gắn bó với những y bác sĩ nơi đây, tôi được các anh chị chỉ bảo tận tình bằng các kiến thức y khoa để bài báo vừa chính xác, vừa gần gũi nhất với bạn đọc, để mỗi câu chữ chuyên môn không là rào cản khi người đọc tiếp cận thông tin. Cũng chính nơi này đã cho tôi những cuộc phiêu lưu, được sống trong không gian và không khí mà không dễ gì ai đó có thể có cơ hội được trở thành một phần của sự kiện đặc biệt.

Năm 2002 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm thực hiện tách cặp song sinh Nghĩa - Đàn chung nhau tá tràng, cơ hoành, mạng phổi, xương ức, ống mật chủ, ruột. Đây là một trong những ca song sinh mà nền y học thế giới ít có khả năng tách rời ở thời điểm đó. Tôi và 2 đồng nghiệp khác may mắn được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho phép có mặt trong căn phòng đặc biệt nhất của bệnh viện khi đó - phòng phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính nhau.

Lúc bấy giờ không chỉ người dân Việt Nam dõi theo thông tin của ca mổ hi hữu ấy mà giới y khoa thế giới cũng tò mò không kém, họ chờ đợi một phép màu làm nên kì tích…

Những nẻo đường thương ảnh 2

Anh Nguyên ôm con trong nỗi day dứt tột cùng

Đến giờ 20 năm đã trôi qua, tôi chưa nguôi nhớ trong tâm trí mình hình ảnh vị giáo sư đầu ngành đáng kính. Trái với tưởng tượng của tôi và mọi người về một ca mổ căng thẳng, thậm chí nặng nề, chúng tôi - những phóng viên trẻ được sống trong không khí của yêu thương và chan chứa tình người. Tôi nhớ những câu hát khe khẽ khi GS Liêm vỗ về 2 sinh linh bé nhỏ, dù các con đang mê man trong ca đại phẫu. Cảm giác ấm áp tràn ngập căn phòng với thứ ánh sáng của lòng từ bi toát ra từ thân tâm của vị giáo sư đang hết lòng hướng về cặp song sinh dị biệt mà vô cùng đáng thương.

Mãi trong tôi lưu giữ lời GS Liêm nói với bệnh nhi khi ông phủ tấm khăn vô trùng lên cơ thể 2 bé: “Hai con ngoan nhé, bác sẽ quay lại ngay”. Đó là khi ông rời bàn mổ sau 4-5 tiếng đứng liên tục để tỉ mỉ tách từng milimet cơ thể cặp song sinh dính nhau. Chỉ đôi phút dừng tay để uống li nước ông lại về bên 2 đứa trẻ. Những vết dao rạch cứa vào cơ thể non nớt. Có cảm giác khi ấy ông cũng đau, niềm đau của sự sẻ chia nhưng cũng đầy hi vọng.

Thời điểm 2 cơ thể sơ sinh rời nhau sau nhát rạch cuối cùng, cả căn phòng ngập trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Để học trò của mình làm nốt những công đoạn cuối, tôi thấy ông lặng lẽ lùi ra khỏi phòng mổ, dựa lưng vào tủ đựng đồ, trong đôi mắt hiền từ ấy thật khó diễn tả cảm xúc của vị bác sĩ phẫu thuật tài ba.

Những nẻo đường thương ảnh 3

Cuộc chiến với COVID-19 chứng kiến sự hi sinh thầm lặng của y bác sĩ

Một năm sau cũng dưới bàn tay tài hoa và một trí lực tuyệt vời của GS Liêm và cộng sự người nước ngoài, thế giới lại biết đến y học Việt Nam qua ca mổ tách cặp song sinh Cúc - An vô cùng phức tạp. Hai bé có chung nhiều cơ quan nội tạng như gan, màng tiêu hóa, màng tim cơ hoành, xương ức, thêm nữa An bị dị tật tim bẩm sinh, Cúc bị u máu ở tay và ngực. Sau 9 giờ liên tục phẫu thuật ca mổ thành công.

Một lần nữa người ta lại biết đến GS.TS Nguyễn Thanh Liêm như người đi đầu tài năng đã mổ tách thành công 5 cặp trẻ song sinh dính nhau, trong đó có 2 cặp Nghĩa - Đàn, Cúc - An thuộc trường hợp phức tạp nhất trên thế giới.

Những nẻo đường thương ảnh 4

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm trong một ca phẫu thuật

Hơn 2 thập kỉ qua, công việc của một phóng viên y tế cho cơ hội có mặt tại nhiều phòng phẫu thuật khác nhau nhưng mãi mãi trong tôi luôn tin ngày đó tôi đã được hiện diện trong căn phòng khắc dấu yêu thương, bên cạnh vị chuyên gia phẫu thuật nổi tiếng thế giới, mang trái tim thiện lành, vô nhiễm.

Trong kinh Từ Bi, Đức Phật đã giải thích bản chất của tình thương yêu nơi đạo Phật "như người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất của mình trong lúc nguy kịch nhất của cuộc đời ". Và chính thứ ánh sáng nhân hậu tỏa ra từ vị giáo sư tài hoa kia trong những giờ khắc 2 sinh linh bé nhỏ chấp chới giữa lằn ranh sinh - tử đã thắp lên trong tôi niềm tin vào sự hồi sinh…

Chính những nhân vật, hình ảnh, lớp lớp sự kiện, tin tức, tâm trạng có lời lẫn không lời, chính là nguồn mạch nuôi sống, gửi yêu thương thầm lặng, để tôi nhận ra được chính tôi và tiếp tục xốc ba lô lên đường. Lời tạ ơn đời sống, nghề nghiệp, nếu không được phép thốt lên, dẫu trong im lặng, khác gì cái vẫy tay phụ rẫy bạc lòng…

Phận người đắng đót

Những nẻo đường thương ảnh 5

Người phụ nữ nhiễm HIV từ chồng, nhân vật trong bài phóng sự của tác giả

Nếu cuộc đời chỉ toàn những điều kì diệu thì đó không phải là cuộc sống bình thường như vốn nó phải thế. Trong hành trình hơn 8.000 ngày làm phóng viên đã qua, tôi từng đi và đến với những mảnh đời được ví như tận cùng của nỗi đau. Ở đó là khắc khoải sống, là kiệt cùng bất hạnh, là khát khao được xoa dịu.

Những thân hình nhỏ thó, mắt buồn rười rượi, mặt ngờ nghệch, mũi tẹt, bụng to, tâm trạng bi quan… ám ảnh ghim sâu trong tôi khi rời khỏi xóm núi thuộc xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi, Hòa Bình) ngày ấy. Nơi đây căn bệnh tan máu bẩm sinh hành hạ và giết dần mòn những phận người cơ cực. Nhìn con đau ốm, uể oải, nhìn căn nhà trống huơ, trống hoác, người phụ nữ mang gương mặt thẫn thờ chỉ biết thở dài, mím chặt môi, nuốt nước mắt vào trong, rồi nhìn ra khoảng trống vô định...

Chiều muộn, bóng núi đổ sập, bao phủ một màn đen lên những nóc nhà mà ở đó những đứa trẻ sinh ra lành lặn, bỗng đến một ngày đột ngột trở bệnh, bắt đầu chuỗi ngày phải truyền máu triền miên.

Hôm đó, cho tôi xem xấp giấy khen suốt 9 năm đi học, Ngọc hào hứng kể về kế hoạch ôn thi để quyết tâm đỗ vào lớp 10 chuyên toán và ước mơ trở thành thầy giáo dạy toán. Chị Nguyến - mẹ cậu buột miệng chen vào câu chuyện của con với khách: “Bệnh tật thế này liệu có ai cho làm thầy giáo”.

Câu nói vô tình của người mẹ khiến nụ cười trên môi Ngọc vụt tắt, cậu bé nhìn xa xăm về phía ngọn núi trước nhà, dường như có màn mây vừa thõng xuống, phủ lên gương mặt cậu khoảng mờ mịt, chơi vơi. Rời nhà chị Nguyến, không thôi đeo bám trong tôi đôi mắt với ánh nhìn vời vợi buồn của Ngọc, của Bính. Làm sao để vơi đi những cơn đau đã, đang và sẽ đến với họ, khi tiền bạc chắt chiu cứ loãng tan theo máu, khi tương lai và ước mơ lành bệnh của họ chưa tìm thấy lối ra?

Mang khát khao được khám phá thế giới xung quanh, tôi tìm cách thoát khỏi chốn thị thành. Vẫn dòng sông Đà xanh ngăn ngắt lượn vòng theo chân núi tạo nên bức tranh thiên nhiên bình yên và lãng mạn đến nao lòng nơi vùng biên Tây Bắc. Nhưng, bao câu chuyện cuộc đời từ đại dịch HIV và ma túy dưới những nếp nhà buồn hơn cả tiếng khóc, như mảng tối đối nhau chan chát với ngoài kia nắng vàng ruộm trên những cánh đồng hoa cải. Bao cái chết tức tưởi đến không ngờ… Những đứa trẻ bất hạnh vì HIV và ma túy có mặt khắp các thôn bản nơi vùng biên viễn này. Hình ảnh trẻ mồ côi cha mẹ vì HIV, ma túy, những thân hình còi cọc, bệnh tật vì virus hành hạ không còn xa lạ ở các xã, huyện của tỉnh Sơn La, nơi được coi là “chảo lửa” HIV và ma túy…

Tôi nhìn cách Nguyên ôm ấp con, nghe những câu nói anh nựng con chợt lặng đi bởi dường như anh trút vào đó tình thương của cả cha và mẹ, trút cả nỗi ân hận, day dứt vì mình mà gia đình tan nát, vì mình mà con vắng bàn tay vỗ về của mẹ… Tôi đã đến, đã sống những ngày mà sự lặng im dường như hiện hữu trong từng nếp nhà. Đôi khi thèm được nghe một tiếng cười trong trẻo nhưng đổi lại là nỗi buồn ướt rượt trong tiếng thở hắt ra từ những người phụ nữ góa bụa, từ những người đàn ông xác xơ đang mang trong mình căn bệnh thế kỉ…

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm đáng nhớ. Mỗi mảnh đời tôi đã gặp trong chặng đường làm báo là bức tranh mang những mảng màu khác nhau. Tôi nhiều lần tự hỏi, liệu muôn vàn màu sắc ấy, mình đã cảm nhận được những màu gì trong cuộc sống? Thật khó biện giải, nhưng dù vui hay buồn, dù đáng nhớ hay đáng quên, tất cả vẫn in lại một màu sắc nào đó trong cuộc đời mỗi chúng ta, để lúc nào đó ta tĩnh lặng mà ngẫm nghĩ, rằng cuộc đời này đúng như lời Đức Phật dạy, vốn chỉ là phù du, hạnh phúc đến rồi đi như cơn gió thoảng qua, điều còn lưu lại nơi trần thế mãi là tình yêu thương bao la, hơi ấm của tình người.

Những người tiếp lửa

Nếu bây giờ ai hỏi, hơn 20 năm ấy, khoảng thời gian nào khiến bạn sợ nhất, ám ảnh nhất, để nếu buộc phải chọn lựa và so sánh về đối mặt với bão táp thông tin, thì tôi chẳng đắn đo nói ngay: một trăm năm qua mới có một cơn đại dịch khủng khiếp ập đến, tàn phá thế giới, cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người như COVID-19!

“Ta đi giữa đường dương thế. Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây… Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy…” - đây là thơ Văn Cao (bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc), viết năm 1945. Bao đêm về sau, một ngày nhìn y bác sĩ và bệnh nhân qua cửa kính phòng bệnh, lạc đi trong tôi những phố phường Hà Nội, hằng ngày quen thuộc, nay bỗng u tịch đến đáng sợ. Bài thơ trên lại ập đến. Nước mắt rơi nhòa không biết bao lần.

Làm phóng viên y tế, nguy cơ nhiễm bệnh và tử thần gõ cửa, rất cao. Nếu lỡ như mình, mà thôi, nghĩ đến đó, lại sợ. Thần chết có chừa ai, giết người không loan báo, và khi lưỡi dao vung lên, thì dương thế chỉ còn câu hỏi ngơ ngác vì sao oan nghiệt thế này? Những chiếc xe cứu thương lao đi rồi chạy về trong im lặng tang thương. Nhưng lại nghĩ, đằng sau cửa kính kia là những chiến binh áo trắng và bệnh nhân, họ như mình, cái chết đến với họ gần hơn mình, thì hãy cố lên mà sống. Họ, những y bác sĩ, không ngại xông pha đến các điểm nóng của dịch bệnh, thức thâu đêm lấy mẫu xét nghiệm, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, xa những người thân yêu nhất để ngày đêm túc trực bên buồng bệnh, tận tình chăm sóc bệnh nhân…

Dù bao khó khăn, gian khổ, nhưng họ vẫn lao vào cuộc chiến với tâm thế sẵn sàng và một trái tim nhiệt huyết. Ngày lại ngày nhìn nhau qua lớp kính bảo hộ, nụ cười ẩn dưới khẩu trang nhưng dường như họ đã truyền cho nhau sức mạnh tinh thần đặc biệt để đi qua những ngày tháng mà sau này họ gọi là áp lực kinh khủng… Khối lượng công việc bộn bề nhưng những con người ấy đã đồng lòng, nương vào nhau, trở thành đồng đội trên cùng chiến tuyến để sát cánh vượt qua mọi khó khăn.

Những câu chuyện tôi được biết, những tiếng cười tôi được nghe từ phòng bệnh cho tôi hiểu vì sao những chiến binh ấy lại mạnh mẽ đến vậy trong cuộc chiến này. Dẫu khó khăn chất chồng, họ vẫn kiên trì bám trụ, miệt mài làm việc bởi từng khoảnh khắc giữ lại cho đời những phận người mãi là món quà trân quý nhất mà họ nhận được từ cuộc đời…

Năm tháng trôi qua, từ bỡ ngỡ ban đầu đến thấu hiểu và chia sẻ, con đường gắn với nghề viết đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ những thiên thần áo trắng, những kiếp người bệnh tật, khổ đau. Tất cả họ, dù ở đâu trong cõi đời này cũng đều mang một sứ mệnh riêng có. Và tôi - người mang trọng trách ghi chép lại cuộc sống này một cách chân thực nhất xin được gửi lời tri ân đến họ, những nhân vật xuyên suốt đời làm báo đã giúp tôi thấu hiểu và thêm một lần xác tín rằng, nghề báo mãi mãi là sự lựa chọn đúng đắn nhất của mình, là hành trình để tình yêu thương lớn dần lên…

Và tôi hiểu, điều gì đã níu tôi lại trong những khoảnh khắc mệt mỏi với nghề vốn dĩ là lẽ tất nhiên mang tính quy luật của đời sống và nghề nghiệp. Không gì khác, tên gọi của nó là món quà tình thương tôi được nhận. Chính những nhân vật, hình ảnh, lớp lớp sự kiện, tin tức, tâm trạng có lời lẫn không lời, chính là nguồn mạch nuôi sống, gửi yêu thương thầm lặng, để tôi nhận ra được chính tôi và tiếp tục xốc ba lô lên đường. Lời tạ ơn đời sống, nghề nghiệp, nếu không được phép thốt lên, dẫu trong im lặng, khác gì cái vẫy tay phụ rẫy bạc lòng…

Thật khó biện giải, nhưng dù vui hay buồn, dù đáng nhớ hay đáng quên, tất cả vẫn in lại một màu sắc nào đó trong cuộc đời mỗi chúng ta, để lúc nào đó ta tĩnh lặng mà ngẫm nghĩ, rằng cuộc đời này đúng như lời Đức Phật dạy, vốn chỉ là phù du, hạnh phúc đến rồi đi như cơn gió thoảng qua, điều còn lưu lại nơi trần thế mãi là tình yêu thương bao la, hơi ấm của tình người.

MỚI - NÓNG