Những mũi tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội, Hải Dương và TPHCM
0:00 / 0:00
0:00
Nam miền Bắc
Nữ miền Bắc
Nữ miền Nam
Nam miền Nam
TPO - Chị Nguyệt Quyên, một trong những người đầu tiên được tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 chia sẻ: “Mình rất vui vì là người đầu tiên được tiêm. Mình và anh chị em ở bệnh viện không có gì lo lắng vì tăng cường sức đề kháng và phòng bệnh".
Sáng nay, 8/3, 100 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư được tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19. Đây là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Có mặt từ sớm tại khu vực tiêm chủng, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm tiêm chủng (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, hôm nay sẽ tiêm vắc xin cho 100 cán bộ nhân viên y tế BV. Dự kiến sáng tiêm 50 liều và chiều tiêm 50 liều. 320 nhân viên y tế còn lại của BV sẽ được tiêm trong đợt sau.
Theo bác sĩ Điền, những người được tiêm đầu tiên là những nhân viên trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, một số là nhân viên y tế của BV ở cơ sở Giải Phóng làm nhiệm vụ sàng lọc ban đầu những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở.
Để việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho cán bộ, nhân viên Y tế diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng chống dịch với đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết để theo dõi sát người được tiêm.
BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, hiện đơn vị này có Phòng Tiêm chủng phục vụ các loại vắc xin cập nhật nhất. Phòng Tiêm chủng vắc xin có hệ thống kho lạnh đảm bảo an toàn cho tất cả các loại vắc xin, kể cả các loại vắc xin đòi hỏi tiêu chuẩn âm sâu đến 70 độ C.
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư được phân bổ 450 liều vắc xin trong tổng số 117.600 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Số còn lại được phân bổ cho 14 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 20 cơ sở điều trị COVID-19 khác.
Các cán bộ, nhân viên y tế đều được tư vấn trước khi tiêm.
Vắc xin là một dị nguyên đưa vào cơ thể, đều có tác dụng phụ. Đầu tiên là đau ở nơi tiêm, có người áp xe điểm tiêm, nặng hơn là sốc phản vệ. Do đó, việc thăm khám, hỏi kỹ tiền sử bệnh tật (có dị ứng, sốc, bệnh nền, yếu tố nguy cơ...) rất quan trọng.
Cùng với BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, trong sáng nay tại Hải Dương cũng sẽ tiến hành những mũi tiêm đầu tiên vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19.
Thống kê quốc tế cho thấy cán bộ y tế chiếm 10% ca nhiễm, tại Việt Nam tỉ lệ này rất thấp, đến nay sau hơn 1 năm có dịch, nhân viên y tế vẫn an toàn, nhờ những kinh nghiệm trong những lần chống đại dịch trước như SARS 2003.
Việt Nam có nhiều biến chủng của virus nhưng trong đợt 3 này ít khiến bệnh trở nặng nếu nhiễm. Hiện thế giới có 4.000 biến chủng, vắc xin có theo kịp biến thể mới, biến thể.
Cận cảnh những mũi tiêm vắc xin cho y bác sỹ bệnh viện Nhiệt đới TW
Tới 9h30, đã có 2 điều dưỡng đầu tiên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 được tiêm vắc xin COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và qúa trình tiêm tại Bệnh viện, cho biết Bệnh viện đã có sự chuẩn bị rất tốt cho công tác tiêm chủng.
Ông cho biết, nhân viên y tế được tiêm trong hôm nay theo quy trình bình thường của tiêm chủng. Người tiêm được theo dõi tại chỗ 30 phút sau tiêm, rồi được đưa vào phòng theo dõi, đánh giá sau 24 giờ.
“Chúng tôi tiêm từng nhóm 5-10 người, sau đó rút kinh nghiệm xem xét có vấn đề gì xảy ra để có phương án phù hợp” – Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho hay theo kế hoạch, Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin AstraZeneca đợt đầu về 13 tỉnh/thành phố có bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, kế hoạch tiêm cho từng tỉnh/thành, do UBND từng địa phương quyết định.
Hiện nay Việt Nam vừa tiêm vừa theo dõi mong muốn có miễn dịch cộng đồng. Khi 2/3 dân số được tiêm thì có miễn dịch cộng đồng. Sau 2 mũi tiêm cơ bản (cách nhau 21 ngày) sẽ có miễn dịch trong cơ thể người tiêm.
Khu vực tiêm được bố trí theo đường một chiều để đảm bảo an toàn. Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Người bị ho, sốt, khó thở sẽ không tiến hành tiêm. Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và theo tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24h. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24h tại Bệnh viện.
Trước khi tiêm, các cán bộ y tế đo nhiệt độ
Mọi người đều giữ khoảnh cách tại khu vực tiêm
Chị Nguyệt Quyên, một trong những người đầu tiên tại BV Nhiệt đới T.Ư chia sẻ: “Mình rất vui vì là người đầu tiên được tiêm. Mình và anh chị em ở bệnh viện không có gì lo lắng vì tăng cường sức đề kháng và phòng bệnh. Chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đên lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tiêm vắc xin là giúp cho bản thân và cộng đồng, có nguy cơ tai biến nhưng về cơ bản giúp ích nhiều hơn nên không ngần ngại”.
Chị Quyên là nữ nhân viên y tế đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19.
Sáng 8/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì cùng đoàn công tác đã giám sát việc tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Dự kiến có khoảng 900 nhân viên y tế của bệnh viện sẽ được tiêm vắc xin trong đợt này.
Ảnh: Ngô Bình
Vắc xin được bảo quản lạnh ngay sau khi Bệnh viện tiếp nhận từ Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam.
Từ sáng sớm, Công ty CP Vắc xin Việt Nam (VNVC) đã vận chuyển vắc xin COVID-19 của Astra Zeneca đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để bảo quản và chuẩn bị tiêm cho nhân viên y tế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, những liều vắc xin đầu tiên sẽ được tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên tại 13 tỉnh, thành phố đang có dịch; một trong những nhóm đối tượng ưu tiên là người đang trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19;
Các y, bác sĩ cho biết họ rất vui mừng và hạnh phúc khi được là những người đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19.
Trong buổi sáng 8/3, có gần 100 nhân viên y tế thuộc khoa Nhiễm D và cấp cứu đã được tiêm vắc xin COVID-19.
TPO - Hiện có khoảng 60 trường đại học đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, phần lớn các trường nghỉ 2 tuần, có trường nghỉ nhiều lên tới 6 tuần.