> Cựu binh Mỹ về lại Phước Tượng, Tà Cơn
Các nhân viên VVA tưởng niệm chuyến trực thăng bị tai nạn ở Quảng Bình. Ảnh: Xuân Ba. |
Điều day dứt đeo bám lấy cả chủ nhà và khách là hầu hết điểm khai quật cất bốc mộ liệt sĩ do VVA cung cấp, các liệt sĩ đều vô danh.
Chẳng hạn tháng 10 năm 2007, VVA trao cho Cục chính sách Bộ Quốc phòng 5 tập hồ sơ tài liệu kèm sơ đồ liên quan 164 trường hợp bộ đội ta hy sinh, trong đó có một ngôi mộ tập thể của 158 bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 64 sư 320A Quân đoàn 3 hy sinh ngày 27-1-1968 khi tiến đánh các căn cứ trên mặt trận Đường 9. Ngay từ sau giải phóng và nhiều năm sau đó, Quân đoàn 3 và Bộ CHQS Quảng Trị, Ban chỉ huy Huyện đội Cam Lộ đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy.
Trên thực tế, điều may mắn ấy lại nảy sinh bao băn khoăn. Nhiều vấn đề cấp bách đặt ra khi khai quật ngôi mộ tập thể tại thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ hồi tháng 8 năm 2010.
Quang cảnh buổi khai quật ngôi mộ tập thể ở Cam Lộ, Quảng Trị. |
Theo tài liệu của VVA, khu mộ tập thể này có 158 bộ đội ta. Nhưng theo tài liệu chính thức của Trung đoàn 64, trong trận đánh ngày 27-1-1968, phía ta chỉ hy sinh 97 đồng chí. Còn thực tế tại khu mộ khai quật, do thi thể các hài cốt bị vùi lấp trong đất lâu ngày hầu hết đã phân hủy chỉ còn một số xương tay, xương chân nên không thể xác định được số lượng hài cốt. Bộ phận khai quật đành cho vào 74 chiếc tiểu sành để an táng chung.
Trong số di vật tìm được tại khu mộ tập thể này có khá nhiều di vật mà bộ đội đặc công thường sử dụng như tấm lót ni lông vành mũ mềm. Không tìm thấy giày dép (khi tác chiến bộ đội đặc công ít khi sử dụng). Lại có cả một chiếc đồng hồ Đức là thứ mà các mũi trưởng đặc công sử dụng khi chiến đấu!
Từ những lý do trên, nhiều ý kiến cho rằng tìm được đồng đội anh em mình hy sinh là quý nhưng chưa thể khẳng định được ngôi mộ tập thể ở Cam Lộ là các liệt sĩ thuộc trung đoàn 64 hay của một đơn vị đặc công nào đó. Cũng có thể xảy ra trường hợp địch gom xác anh em mình ở nơi khác về chôn chung?
Vậy nên Bộ CHQS Quảng Trị đã kêu gọi các CCB từng chiến đấu trên địa bàn Cam Lộ và tất cả những ai có thông tin về ngôi mộ tập thể này tham gia làm rõ danh tính phiên hiệu đơn vị của các liệt sĩ. Và ai dám chắc, ngôi mộ tập thể trên đỉnh đèo Phước Tượng an táng 27 chiến sĩ đặc công mà người của VVA cùng Dan Tucker vừa chỉ chỗ (tháng 3-2011) cất bốc lên nay mai các LS ấy đều có danh tính lẫn phiên hiệu?
Đành mong manh phập phồng hy vọng, trong số LS đó may ra còn sót lại chút kỷ vật minh chứng họ là quân của đơn vị 71A và 71B đặc công thuộc Trung đoàn 4, Quân khu Bình Trị Thiên (bởi Dan Tucker khi mai táng đã cấm không cho lính Mỹ lục lọi lấy đi di vật liệt sĩ?).
Rồi cũng có những trục trặc này khác từng đem cảm giác day dứt pha chút tiếc xót. Đó là tháng 10-2008, VVA sang Việt Nam trao cho Bộ QP 5 bộ hồ sơ, sơ đồ liên quan 101 trường hợp bộ đội ta hy sinh trong chiến đấu, trong đó có một tập thể các sĩ quan ta hy sinh ở sân bay Tà Cơn, Khe Sanh, Quảng Trị.
Ông Bùi Văn Nghị và đại diện VVA . |
Người của VVA cung cấp cho các cơ quan chức năng bộ hồ sơ cùng địa điểm chôn cất 6 sĩ quan ta ở góc mút đường băng sân bay Tà Cơn. Bùi Văn Nghị may mắn có mặt trong chuyến đi Quảng Trị ấy cùng mấy nhân viên của tổ chức VVA.
May mắn hơn, nhân viên của VVA đồng thời cũng là một cựu binh Mỹ từng tham gia chôn cất đã xác định chính xác vị trí ngôi mộ tập thể 6 liệt sĩ ấy. Tưởng như vậy là việc cất bốc quy tập phần mộ của liệt sĩ đã gần như hoàn tất. Nhưng tiếc thay, đến thời điểm cất bốc, lại không có mặt của người chịu trách nhiệm từng dự buổi bàn giao vị trí mộ trên thực địa mà qua hồ sơ, chỉ xác định chung chung là cuối sân bay quân sự dã chiến Tà Cơn.
VVA đã lên tiếng đòi chính giới Mỹ có biện pháp khắc phục hậu quả, trợ giúp và chữa trị nạn nhân chiến tranh của cả Việt Nam và Mỹ. VVA cũng bày tỏ ủng hộ vụ kiện của Hội nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin của Việt Nam đối với các công ty hóa chất Mỹ, đồng thời gợi ý VN cần đề nghị Hoa Kỳ xem xét hỗ trợ nhân đạo giúp VN giải quyết cả 3 vấn đề Chất độc da cam, Bom mìn/vật nổ và Tìm kiếm MIA. |
Nhưng trong câu chuyện với ông Nghị, tôi cứ phảng phất ý nghĩ, hình như ở những nơi chôn cất liệt sĩ, dẫu nơi rậm rạp núi cao hay đồng bằng, dẫu có khuất lấp thế nào vẫn bất ngờ phát lộ ra điều chi đó bất thường mà thoạt đầu chả thể nhận ra?
Chả hạn như hàng thông chết khô trên đỉnh đèo Phước Tượng bên địa điểm khu mộ tập thể của 27 chiến sĩ đặc công mà gần quanh đó vẫn những gốc thông tươi tốt... Chừng như hồn cốt linh thiêng của 27 chiến sĩ đặc công mượn sắc màu cây cối để tố lên cái âm phần của mình bao năm khuất lấp?
Lần đưa đoàn của VVA về chiến trường B2 miền Đông Nam Bộ để xác định địa điểm một ngôi mộ tập thể chôn 350 liệt sĩ. Tại cánh đồng ven núi Bà Đen, không ai bảo ai người trong đoàn tất thảy đều có linh cảm ngôi mộ tập thể ấy ở chỗ kia! Chỗ kia là trên vệt phẳng lì của cánh đồng lúa tự dưng hõm và võng xuống một chút nếu không để ý thì khó nhận ra!
Tất nhiên người của VVA từng tham gia chôn cất liệt sĩ ta và có bản đồ sơ đồ trong tay chẳng thể dựa trên thứ linh cảm ấy nhưng sau khi quan sát thẩm định chán chê đã chỉ đúng vị trí hõm và võng xuống trên những thửa ruộng phẳng kỳ kia... Gần nửa thế kỷ lừ lừ trôi từ cái thời điểm bi tráng ấy, bao bận cày bừa cấy hái trên khoảng ruộng khoảnh đất ấy thế mà vẫn võng vẫn hõm xuống cái vị trí nơi anh em mình nằm xuống là một điều lạ nếu không nói là kỳ diệu?
Dân Việt mình chẳng hề lãng quên nỗi đau khủng khiếp từ chiến tranh nhưng có sứ mệnh truyền lại cho hậu thế Việt chớ lấy oán báo oán! Những bàn tay nhân ái đã chìa ra để hòa giải và hóa giải nỗi đau hơn 300 ngàn bộ đội mất tích. Việc làm nhiều năm qua của tổ chức VVA chưa thấm tháp gì nhưng là một nghĩa cử.
...Năm đã xa ấy, tôi được dâng hương lên ban thờ một gia đình ở Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị. Trên ban thờ ngự hai tấm hình. Đó là hai người con của một bà mẹ, một là liệt sĩ một là lính Việt Nam Cộng hòa chết trận. Cả hai đều không tìm thấy mộ!
Tiết thanh minh năm Mão