Những món ngon 'không bị đụng hàng' ở Tây Nguyên

Gà nướng bản Đôn. Ảnh: Vĩnh Hy.
Gà nướng bản Đôn. Ảnh: Vĩnh Hy.
Cùng dạo một vòng các tỉnh Tây Nguyên để thưởng thức các món đặc sản hấp dẫn mang đậm hương vị độc đáo của núi rừng.

Bạn có thể gặp bánh tráng cuốn thịt heo ở Huế, Đà Nẵng, miền Nam... hay món cơm gà từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng có. Thế nhưng nhắc đến Gỏi lá thì chỉ có ở Kon Tum hay Phở khô là đặc sản của Gia Lai. 

Gà nướng bản Đôn - Đăk Lăk

Gà bản Đôn là gà thả vườn chính hiệu, ăn cỏ non, côn trùng, lúa rẫy nên thịt ngọt thơm săn chắc. Làm món gà nướng cần chọn những con khoảng chừng một kg, làm sạch, để nguyên con, ướp muối ớt, một ít mật ong rừng và càng nhiều nước sả càng ngon. Gà được kẹp vào thanh tre rồi đặt trên lửa than, quay đều đến khi lớp da vàng bóng tươm mỡ, tỏa mùi thơm khiến bụng dạ cồn cào.

Cách chế biến này không nêm nếm quá nhiều gia vị nên mùi vị của gà không bị lấn át, giữ lại nguyên vẹn vị ngon ngọt, thoảng nhẹ mùi thơm của sả và mật ong. Ăn đúng điệu là phải chấm với muối ớt hoặc muối sả, giã muối hạt với ớt rừng xanh. Loại ớt mọc hoang có vị giòn thơm đặc biệt đó sẽ đánh thức mọi giác quan để bạn tận hưởng trọn vẹn hương vị độc đáo của món đặc sản ngon tuyệt này.

Thịt nai - Đăk Lăk

Thịt nai của núi rừng Đắk Lắk có vị ngọt, ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Đặc sản nai 7 món gồm: nai nướng, nai lúc lắc, nai xào lăn, sườn nai rán, nai nhúng giấm, cháo bao tử và nai khô. Tuy nhiên ba món được ưa chuộng hơn hẳn là nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô. Trong số đó, nai khô dường như là món lưu giữ nhiều nhất hương vị đặc trưng.

Từng miếng thịt nai được dần đều bằng chày cho mềm và giúp thịt mau thấm, mau chín. Gia vị ngoài sả, gừng, tỏi, ớt, muối, không thể thiếu hạt mắc khén cay nồng. Thịt được ướp ba tiếng rồi treo trên bếp lửa để khói bếp xông chín, khi ăn đem nướng sơ lại. Miếng nai bên ngoài khô cứng nhưng bên trong vẫn giữ màu hồng nhạt. Xé tơi từng miếng nhỏ, chấm với muối tiêu rừng trộn lá é để vị hăng của lá é hòa quyện với vị mặn của muối làm miếng thịt nai cay nhẹ, dai ngon càng ngọt thơm đậm đà.

Cá lăng - Đăk Nông

Thuộc họ cá da trơn, thường sống ở nơi thác ghềnh chảy xiết, cá lăng trên sông Sêrêpốk được đánh giá là ngon nhất. Loại cá nước ngọt có vị ngọt, béo, thơm ngon này có thể chế biến thành rất nhiều món đặc sắc. Cá lăng nướng cuốn với bánh tráng, rau thơm, khế, chuối chát cùng nhiều loại rau rừng như lộc vừng, sung, mơ… ăn kèm chén nước mắm cay xè.

Cá lăng om chuối ướp kỹ với mẻ, ớt và một số gia vị, hương vị đan xen giữa vị chua, cay, béo rất lạ miệng. Đặc trưng nhất phải kể đến món lẩu cá lăng nấu lá giang. Lá giang khử mùi tanh của cá, hòa với vị ngọt của thịt cá trong nồi lẩu nóng hổi thơm lừng tạo nên sức hút lạ kỳ. Ngoài ra còn có các món chả cá lăng, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo...

Cơm lam - Đăk Nông

Đây là một món ăn đơn giản nhưng đòi hỏi sự chế biến rất tỉ mỉ. Chặt lấy gióng lưng chừng cây nứa khô còn non. Ngâm gạo nếp loại trắng, dẻo lẫn với lá thơm để qua đêm rồi vo sạch, trộn chút muối, cho vào ống lam. Khi gạo đã đầy hai phần ba ống, rót nước suối mát lạnh vào, tiếp đến nút miệng ống bằng lá dong hoặc lá chuối rồi đặt lên bếp lửa. Cơm chín, mùi thơm của gạo quyện lẫn mùi tre dậy lên ngào ngạt không gian. Chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài, cắt khúc, khi ăn bóc bỏ lớp nứa, kết hợp cùng thịt gà hay thịt heo rừng nướng, ngon nhất là chấm muối vừng. Hạt gạo bùi bùi, dẻo thơm của món cơm lam đậm đà vị ngon từ vùng đất bazan.

Bò một nắng chấm muối kiến vàng - Gia Lai

Những món ngon 'không bị đụng hàng' ở Tây Nguyên ảnh 1

Bò một nắng đậm đà hương vị khi chấm với muối trứng kiến vàng. Ảnh: Vĩnh Hy.

Món ăn này chính là đặc sản đỉnh cao của phố núi Gia Lai. Miếng bò ướp mắm muối, tiêu, sả, ớt hiểm rồi mang phơi nắng. Bạn nên nướng thịt trên bếp than hồng cho vừa tới, nếu quá lâu sẽ khiến thịt khô cứng mất ngon, sau đó xé sợi. Những sớ thịt đỏ hồng đó càng ngon hơn khi kết hợp cùng thứ muối lạ lùng của vùng Ayun Pa, muối kiến vàng. Kiến vàng trong rừng sâu rang sơ, giã với ớt thật cay, kèm vài loại lá rừng, muối hột. Thưởng thức chung với lá é càng thêm tròn vị với bò ngọt, kiến chua, muối mặn, lá é nồng. Thứ hương vị đó đã một lần thưởng thức thì không thể nào quên.

Phở khô - Gia Lai

Đặc sản này còn có tên là phở hai tô, vì bánh phở và nước súp được để trong hai tô riêng biệt. Bánh phở làm từ bột gạo, tròn mảnh tựa sợi hủ tiếu dai mềm, được trụng chín rồi rắc thịt heo băm nhuyễn và hành phi lên mặt. Tô nước lèo ngon ngọt kết hợp từ xương heo và bò, trong đó có vài miếng thịt bò, bò viên hoặc gà xé tùy khẩu vị mỗi người, điểm thêm màu xanh của hành ngò.

Phở khô ăn kèm với xà lách, húng quế, giá trụng. Bạn sẽ nêm nếm xì dầu, tương ớt, chanh, giấm cho vừa miệng, đặc biệt không thể thiếu tương đen. Phải trộn thật đều, thật thấm thì mới thưởng thức hết được hương vị của món ăn. Gắp một đũa phở, cảm nhận vị dai của phở, vị mặn của tương, vị giòn của rau giá rồi húp một muỗng nước lèo ngọt thanh, bạn sẽ khó lòng quên được món ăn đặc sắc này.

Gỏi lá - Kon Tum

Những món ngon 'không bị đụng hàng' ở Tây Nguyên ảnh 2

Nhất định phải thử món ngon này khi đến Kon Tum. Ảnh: Tuấn Linh

Đến Kon Tum nhất định phải ăn gỏi lá. Món ăn kết hợp đến 40-50 loại lá khác nhau như: lá cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, lá mơ, hành, rau húng, lá xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, quế, thuyền đất… Trong số đó luôn có mặt ba loại: mơ lông, đinh lăng và lá sung.

Cách ăn món này cũng cần đúng trình tự. Đầu tiên, bạn cuốn lá cải hoặc lá mơ, kèm thêm lá chua hoặc vài loại khác tùy ý, thành hình dạng như cái phễu nhỏ, sau đó cho vào thịt ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng, không thể thiếu tiêu nguyên hạt, hạt muối, hành, ớt xanh. Thứ nước chấm sền sệt hòa lẫn giữa bỗng rượu với trứng vịt là yếu tố làm tăng thêm nét độc đáo của món ăn. Bạn sẽ cảm nhận rất nhiều hương vị, chan chát, ngòn ngọt, chút chua và chút béo. Sau mỗi cuốn rau, nhấp một ngụm rượu rễ cây đinh lăng thì không gì sánh bằng.

Heo quay Măng Đen - Kon Tum

Heo ở vùng Măng Đen được nuôi bằng thức ăn tự nhiên nên thịt đặc biệt săn chắc, ít mỡ và rất bổ dưỡng. Sau khi làm sạch, tẩm ướp gia vị, người ta quay nguyên con trên lửa than. Đến khi da căng vàng, giòn rụm, bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm phưng phức lan tỏa khắp không gian. Miếng thịt heo mang đậm hương vị của núi rừng Măng Đen, là món đặc sản thu hút du khách khi đặt chân đến Kon Tum.

Các loại rau quả - Lâm Đồng

Lâm Đồng có Đà Lạt, thành phố nổi danh với các loại rau trái tươi ngon nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm. Các đặc sản được nhiều người yêu thích không thể không kể đến những trái dâu chín đỏ căng mọng, những trái hồng giòn rụm ăn hoài không ngán, chuối Laba ngọt thanh, thơm dẻo. Đặc biệt đến đây, du khách thường tìm mua atisô, một loại thực vật có nhiều công dụng chữa bệnh. Hầu như ai cũng thích atisô luộc chấm sốt chua, atisô tẩm bột chiên, nõn atisô luộc trộn kem tươi, nhất là món atisô hầm giò heo. Bên cạnh đó, các loại trái cây, rau củ sấy cũng ngày càng trở thành đặc sản của vùng đất Lâm Đồng.

Rượu cần của người Chu Ru - Lâm Đông

Những món ngon 'không bị đụng hàng' ở Tây Nguyên ảnh 3

Rượu cần Chu Ru. Ảnh: Chinhngoc.

Người Chu Ru tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng, lưu giữ những bản sắc riêng khá đặc biệt. Tuy sống trên cao nguyên nhưng họ lại giỏi về nghề trồng lúa. Từ lúa gạo, kết hợp với những loại cây rừng độc đáo, họ đã làm nên thứ rượu cần không nơi nào khác có được. Người Chu Ru luôn có rượu cần trong nhà, bí quyết làm rượu kỳ công cũng được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Rượu cần của người Chu Ru mang đậm nét văn hóa của dân tộc, vang danh là thứ men say nồng nàn nhưng ấm dịu. Đêm cao nguyên giá lạnh sẽ trở nên thi vị khi bạn được nhấp ngụm rượu đậm đà hương vị núi rừng bên bếp lửa tí tách.

Theo Theo Ngôi sao
MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
TP - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất. Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.