1. Cháo Tiều
Ở Sài Gòn, cháo Tiều không có nhiều, chủ yếu tập trung ở khu vực quận 11, quận 6 nên cũng ít người biết đến. Tuy nhiên, với những ai đã được một lần ăn thử thì khó quên được hương vị thơm ngon của món cháo bình dị này. Món ăn có đủ các thành phần như món cháo lòng của người Việt nhưng tất cả không được luộc chín trước mà lại để riêng, khi có người ăn, chủ quán mới luộc chín nên khi ăn vừa nóng, vừa dai mềm và có vị ngọt nhẹ của thịt. Thành phần món ăn còn có nấm rơm, mực tươi, vừa làm phong phú vừa đem lại vị ngọt tự nhiên cho món ăn. Ngoài ra, cháo còn được cho thêm nhiều hành lá, tiêu và gừng thái sợi. Tất cả hòa quyện vào nhau đem lại hương vị cay nồng ấm bụng cho người ăn trong những ngày mưa.
Địa chỉ gợi ý: 51/33 Cao Thắng, phường 3, quận 3, TP HCM. Quán bán từ 15h30 đến 21h30 hằng ngày.
2. Sủi cảo
Trong ẩm thực Trung Hoa, sủi cảo là một món ăn truyền thống, gồm ba thành phần chính là sủi cảo, cải ngọt và nước dùng. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, nó được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác như: mực, cá viên, da heo, tôm... vừa hấp dẫn vừa phù hợp với khẩu vị của người Việt. Phần nhân của sủi cảo thường làm từ tôm tươi nên khi ăn có vị ngọt thanh mà không béo. Bên cạnh đó, còn có da heo, cá viên, mực, cải ngọt.. cùng nước dùng trong vắt nhưng lại có vị ngọt thanh tự nhiên rất vừa miệng.
Địa chỉ gợi ý: Bạn có thể ghé đến phố sủi cảo Hà Tôn Quyền, quận 11 để thưởng thức món ăn đầy hấp dẫn này.
3. Hủ tiếu cá
Món ăn hấp dẫn với sợi hủ tiếu mềm như bánh phở, thịt cá lóc trắng tinh hòa với vị thanh ngọt của nước dùng. Nước dùng chính là thành phần đặc biệt nhất làm nên thương hiệu cho món ăn, được nấu từ xương lợn, phải là xương ống có tủy để khi hầm nước có vị ngọt đậm đà và cũng sẽ trong hơn. Gia vị nêm nước lèo ngoài những loại phổ biến còn có một gia vị đặc biệt là tăng xại (hay còn gọi là cải nặm).
Địa chỉ gợi ý: Ở Sài Gòn, hủ tiếu cá không được bán phổ biến, thực khách thường ghé đến quán Nam Lợi ở đường Tôn Thất Đạm, quận 1 để thưởng thức món ăn này.
4. Hủ tiếu sa tế
Cái tạo nên hương vị cho món ăn chính là nước dùng khi nó không hề giống bất kỳ một loại nước dùng nào. Được pha chế từ gần 20 loại hương liệu, từ nước lèo bằng xương bò được pha sa tế cùng hỗn hợp tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng rang giã nhuyễn, mè rang… xào với dầu mè. Chính cách chế biến này tạo nên nước dùng vừa sánh, vừa đậm đà lại thoang thoảng hương thơm quyến rũ. Ngoài thành phần là nước dùng, nguyên liệu để ăn kèm hủ tiếu sa tế rất phong phú như: thịt bò tái, lòng bò, gân bò hay bò viên...
Địa chỉ gợi ý: Tiệm Quốc Ký - 52 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Bát hủ tiếu ở đây có giá 60.000 đồng. Quán mở cửa từ 6h đến 22h hằng ngày.
5. Hủ tiếu bò viên
Không cầu kỳ như hủ tiếu sa tế cũng không tỉ mỉ như hủ tiếu cá, hủ tiếu bò viên là món bình dân rất được người Sài Gòn ưa thích. Món ăn với thành phần đơn giản là sợi hủ tiếu và bò viên. Bát hủ tiếu nóng hổi với sợi hủ tiếu dai, mềm được chần sơ qua nước sôi, bên trên là bò viên, gân bò, một ít hành lá thái nhỏ, thêm một thìa tóp mỡ là đủ hấp dẫn người ăn.
Địa chỉ gợi ý: 146A Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, TP HCM. Quán mở cửa từ 14h cho đến khi hết hàng, thường vào khoảng 20h. Bát hủ tiếu có giá 30.000 đồng.
6. Mì vịt tiềm
Món ăn này của người Hoa không chỉ giữ nguyên bản với nơi xuất xứ, mà được chế biến cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Nước dùng ngọt mà không béo, thịt vịt giòn, mềm mà không tanh. Ngoài ra, món ăn còn hấp dẫn với những sợi mì tươi được làm từ trứng, màu vàng rất bắt mắt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được sợi mì mềm, dai rất ngon miệng, bên cạnh đó là những cọng cải ngọt giòn giòn.
Địa chỉ gợi ý: 227 Phan Đình Phùng (đoạn giao nhau với đường Nguyễn Trọng Tuyển), phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM. Quán bán từ 15h đến khuya.
7. Mì xào giòn
Mì xào giòn là món ăn có thành phần nguyên liệu rất phong phú, từ những sợi mì được chiên giòn, đến các loại rau như: cải thảo, cải ngọt, cà chua... các loại hải sản tôm, mực kết hợp với thịt lợn, tim, gan... cùng nước sốt sền sệt đã tạo nên một món ăn ngon miệng nhiều màu sắc. Một đĩa mì xào giòn vàng ươm, nóng hổi kết hợp với độ bóng mượt của dầu mỡ nhưng không cho cảm giác ngấy. Mặc dù sợi mì ngập trong nước sốt nhưng vẫn giữ được độ giòn, đĩa mì xào nhiều màu sắc trông thật hấp dẫn sẽ kích thích bao tử của bạn, Nhấm nháp từng sợi mì, bạn sẽ cảm nhận cái giòn tan của sợi mì, vị đậm đà của nước sốt cùng hương vị thơm ngon của những nguyên liệu ăn kèm.
Địa chỉ gợi ý: Quán mì xào giòn góc đường Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1, TP HCM. Quán bán từ 19h đến khoảng 2h sáng ngày hôm sau.
8. Phá lấu
Đây là món ăn vặt rất được giới học sinh, sinh viên và dân văn phòng ưa thích ở Sài Gòn. Món ăn được làm bằng bao tử và ruột non, phổi, gan, tim... tẩm ướp gia vị, chiên vàng và luộc lại cho mềm. Nước cốt dừa là nguyên liệu chính của nước phá lấu, làm nên vị ngọt và béo cho nồi nước hầm. Bí quyết của một nồi phá lấu ngon là ở khâu canh lửa và đổ thêm nước cho ruột non có độ mềm vừa ăn. Khi nào thấy nước dùng vừa sắc lại và hơi sệt là có thể dùng được. Khi ăn phá lấu, thực khách có thể ăn kèm thêm bánh mì.
Địa chỉ gợi ý: Khu phá lấu chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu, quận 1; Cô Oanh, 200/20 Xóm Chiếu, phường 14, quận 4; Quán phá lấu Ngon, 545 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận; Dì Liên, 102 Phan Văn Trị, quận 5; Phá lấu khu trường Gia Định, hẻm 195 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh; Phá lấu vỉa hè bên hông trường Marie Curie, đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3.
9. Bột chiên
Cũng như phá lấu, bột chiên là một trong những món ăn đường phố rất được ưa thích ở Sài Gòn. Món ăn khá đơn giản với bột chiên, trứng, đu đủ bào sợi và nước tương. Từng phần bột sau khi được chiên vàng thì cho trứng gà vào chiên cùng, thêm ít hành lá thái nhỏ để món ăn vừa thơm vừa đẹp mắt. Đĩa bột chiên bắt mắt, thơm phức với màu vàng của trứng, màu trắng đục của bột bên trong, bên trên là màu xanh của hành lá, màu trắng của đu đủ thái sợi... ăn kèm với nước tương làm tăng thêm hương vị đậm đà, thơm ngon.
Địa chỉ gợi ý: góc đường Phùng Khắc Khoan - Điện Biên Phủ, đối diện công viên Lê Văn Tám (quận 1), TP HCM để thưởng thức món ăn này. Xe bột chiên bắt đầu bán từ 16h đến khoảng 23h, mỗi đĩa bột chiên ở đây có giá 20.000 đồng.
10. Bánh hẹ
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp loại bánh này trên những chiếc xe gần giống như xe bột chiên khi đi qua các con đường, góc phố ở khu vực quận 5, quận 10. Chiếc bánh hẹ đơn giản được làm từ hai nguyên liệu chính là bột gạo và lá hẹ. Ngày nay, người ta còn cho vào thêm một ít tôm thịt để chiếc bánh thêm thơm ngon và đậm đà. Bột gạo được nhồi dẻo mềm, chia thành từng phần nhỏ, cán mỏng, cho phần nhân vào giữa, ép kín lại rồi đem hấp chín. Bánh sau khi hấp chín được chiên giòn vàng thơm ngon rất hấp dẫn.
Địa chỉ gợi ý: Bạn có thể ghé đến hàng bánh hẹ trong chợ hoa Hồ Thị Kỷ, đối diện cửa hàng hoa ở số 75 Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10, TP HCM. Quán bắt đầu bán từ 15h đến 19h hàng ngày. Mỗi chiếc bánh hẹ chỉ có giá 4.000 đồng.
11. Xôi cadé
Một món ăn bình dân nhưng không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực người Hoa là xôi cadé. Món ăn pha trộn giữa xôi, lòng đỏ trứng gà cùng hương sầu riêng thoang thoảng rất hấp dẫn người ăn. Thành phần chính là cadé, được pha trộn giữa các nguyên liệu như trứng, đường, nước cốt dừa, sầu riêng theo một công thức rất riêng để cho ra một hỗn hợp hơi sánh, có màu vàng cùng hương thơm thoang thoảng rất quyến rũ. Ngoài cadé còn có dừa nạo, đậu phụng giã nhuyễn là bạn đã có một gói xôi hấp dẫn, thơm ngon để thưởng thức.
Địa chỉ gợi ý: 451 Trần Phú, phường 7, quận 5. Quán bán từ 20h đến khuya. Mỗi phần xôi có giá khoảng 12.000 đồng.
12. Các món chè
Ngoài các món mặn, ẩm thực của người Hoa còn hấp dẫn với các món chè lạ với vị ngọt thanh ngon miệng và dễ chịu. Có thể kể ra đây một số món chè nổi tiếng như chè hột gà trà, quy phục linh, chè mè đen, đậu hủ hạnh nhân, chè hột gà củ năng...
Địa chỉ gợi ý: 138 Châu Văn Liêm, quận 5, TP HCM. Quán bán từ 14h đến 23h hằng ngày.
Ngoài ra, món ăn ngời Hoa ở Sài Gòn còn có nhiều món khác như cơm chiên Dương Châu, vịt quay Bắc Kinh; hủ tiếu Hồ; há cảo; mì chỉ cá... đều là những món ăn ngon miệng và được ưa thích.
Huấn Phan