3 món đó là gỏi cuốn, cơm tấm và bánh mỳ… Dù mang tiếng Sài Gòn nhưng xuất xứ của chúng đều không phải ở Sài Gòn.
Bánh mỳ Sài Gòn
Bánh mỳ dĩ nhiên là có nguồn gốc xuất thân nơi trời Tây, được mấy ông mắt xanh mũi lõ mang sang Việt Nam cách đây vài thế kỷ. Tuy nhiên, với với một đất nước của mấy ngàn năm văn minh lúa nước thì việc bánh mỳ chen chân vào bàn ăn của người Việt là một điều khó khăn.
Nhưng riêng với Sài Gòn, cái thứ bột mỳ đến từ trời Tây được người đầu bếp khéo léo sáng tạo, chế biến khá cầu kỳ để trở thành món đặc sản. Cách làm bánh mì kiểu Pháp được người Hoa tiếp thu, sản xuất bán ra thị trường và trong số khách hàng mua bánh mỳ thời kỳ đó có cả người Việt: Bồi bàn, thông ngôn, thầy ký, có lẽ là những người nếm bánh mỳ đầu tiên.
Trong khi người Tây ăn bánh mỳ kèm với pho mai, với trứng, thịt nguội, bơ, mứt hay là dùng bánh mỳ ăn kèm với súp, kẹp bít tết…thì người Sài Gòn biến hoá theo kiểu Việt như làm bánh mỳ kẹp với bì, chả cá, heo quay hay theo phong cách Tàu thì bánh mỳ kẹp xíu mại, phá lấu hay theo phong cách Ấn độ thì là bánh mỳ cà ri… Nhưng chỉ kẹp thịt thì ăn mau ngán nên người đầu bếp đã cho thêm rau thơm, cà chua hay dưa leo, củ cải ngâm chua rồi rưới thêm chút nước xốt, rắc chút muốn tiêu cho đậm đà… Dần dần món bánh ăn vặt đã trở thành món ăn chính, một ổ bánh mỳ kẹp thịt có thể thay thế cho cả bữa ăn của người Sài Gòn.
Nhưng món bánh mỳ Sài Gòn được thế giới biết tới có lẽ từ chính những du khách đến Việt Nam đã quảng bá đi khắp thế giới. Oxford đưa hẳn từ “Banh my” vào trong từ điển của mình, bên cạnh 2 từ khác là “Ao dai” và “Pho”.
Cơm tấm Sài Gòn
Cơm tấm được nấu bằng gạo tấm có nguồn xuất xứ từ mạn Lục tỉnh nhưng lại phát triển ở Sài Gòn nên người ta thường gọi là cơm tấm Sài Gòn. Theo nhà văn Sơn Nam thì cơm tấm ban đầu chỉ là món ăn dành cho người nghèo, đó là những người phu khuân vác làm việc ở các bến tàu nơi có những nhà máy chà gạo. Sau khi gạo được chà bóng và đóng bao đưa lên tàu giao cho thương lái, trấu dùng để đốt lò còn cám được bán rẻ làm thức ăn gia súc. Tuy nhiên, trong cám vẫn còn lấm tấm những đầu hạt gạo màu trắng gọi là tấm, và những người phu kỳ công rê lọc lại để nấu ăn, coi như đỡ được chút tiền mua gạo.
Cơm nấu từ gạo tấm rời rạc nhưng nếu biết nấu vẫn dẻo và rất ngon, thêm một chút mỡ hành chưng nước mắm rưới lên cũng dễ ăn. Ban đầu cơm tấm chỉ hiện diện những nơi có bến tàu và nhiều người nghèo như khu chợ Cầu Muối, Khánh Hội, Bình Đông, Xóm Củi… Tiếng lành đồn xa, món ăn vừa rẻ vừa ngon lại chắc bụng này đã có sức hút với người lao động và nhiều người chọn món cơm tấm làm bữa điểm tâm sáng.
Trước sự đại chúng của cơm tấm Sài Gòn đã xuất hiện vài quán cơm tấm kinh doanh theo phong cách sang trọng hơn, cầu kỳ hơn. Sau đó, nhiều phong cách lạ của cơm tấm đã ra đời như Tây hoá thì là cơm tấm sườn nướng, cơm tấm lagu hay là cơm tấm ốpla, Tàu hoá thì là cơm tấm xíu mại, cơm tấm heo quay, lạp xưởng…
Từ món quà chỉ dành ăn sáng, dần dần cơm tấm đã hiện diện trên các quầy hàng cả trưa, chiều tối thậm chí dành cho cả ăn khuya. Nhiều nhà hàng cao cấp đã đưa cơm tấm vào menu với giá cao ngất, đắt không kém gì những món chỉ dành cho những người xài sang như Phở Hoà, hủ tíu Nam Vang hay bún Ta… Sự vinh danh của cơm tấm còn thể hiện ở Tấm bằng chứng nhận “Thức ăn mang giá trị ẩm thực khu vực” do Tổ chức kỷ lục châu Á trao tặng hay là Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá cơm tấm là 1 trong 3 món ăn vỉa hè đặc sắc và thú vị nhất dành cho du khách.
Gỏi cuốn
Gỏi cuốn còn gọi là bánh tráng cuốn hay là bánh đa cuốn cũng là món ăn quen thuộc với người dân Sài Gòn, quen thuộc tới mức người ta ít để ý đến nó và cũng ít người coi gỏi cuốn là đặc sản.
Người ta bảo gỏi cuốn Sài Gòn có tiếng nhưng có điều gỏi cuốn cũng không xuất xứ từ Sài Gòn. Theo suy luận thì gỏi cuốn đến từ miền Trung. Từ bánh tráng, những người dân miền Trung sáng tạo ra món gỏi cuốn để rồi dần dần trở thành món ăn có mặt ở khắp mọi miền đất nước.
Gỏi cuốn bao gồm nhiều thành phần, trong đó có 2 thứ không thể thiếu là bánh tráng và rau. Đơn giản chỉ là bánh tráng khô loại nhỏ, nhưng rau thì bao gồm hàng chục loại rau thơm, rồi xà lách, cải cay, thậm chí nhiều vùng còn có thêm cả nhiều loại rau mọc ở rừng, ven bờ ruộng. Cũng không thể thiếu là dưa chuột thái dài và mỏng, rồi thì nguyên cụm hẹ cắt ngang thân, rồi cà rốt củ cải ngâm dấm, củ hành tươi chẻ dọc. Kèm bên luôn phải là một đĩa bún tươi trắng tinh được cắt ngắn. Và đương nhiên là một bát nước chấm. Chỉ riêng làm nước chấm cho gỏi cuốn cũng là một sự đa dạng kì công.
Từ một đĩa trứng rán thái mỏng cho tới miếng thịt heo ba chỉ luộc là có thể có món gỏi cuốn ngon lành. Cao cấp hơn một chút là con cá lóc nướng hay là cá diêu hồng hấp. Và với du khách khi đến Sài Gòn đều có thể thưởng thức món gỏi cuốn rau rừng của vùng Trảng Bàng- Củ Chi.
Như nhiều món ăn đặc sản khác của Việt Nam, gỏi cuốn đã vượt biên giới để có mặt trong nhiều nhà hàng Việt Nam khắp thế giới, góp phần giới thiệu ẩm thực Việt. Trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới do khán giả của CNN bình chọn, gỏi cuốn vinh dự có mặt cùng với phở Việt Nam.