Những mô hình chăn nuôi hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
TP - Được Huyện Đoàn hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Diễm Quỳnh vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để mở rộng mô hình nuôi heo rừng lai bán hoang dã. Bước đầu, mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị.

Sau khi tìm hiểu, thấy mô hình nuôi heo rừng lai bán hoang dã dễ thực hiện, cho thu nhập khá, chị Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã tận dụng lại chuồng trại cũ và nuôi thử nghiệm 4 con heo rừng lai.

Chị Quỳnh cho biết, lần đầu nuôi thử nghiệm, đàn heo phát triển tốt. Chị muốn mở rộng quy mô tăng thêm nguồn thu nhập. Năm 2022, được sự hỗ trợ của Huyện Đoàn Krông Bông, gia đình chị vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống, tăng số lượng đàn.

Những mô hình chăn nuôi hiệu quả ảnh 1

Chị Quỳnh có thu nhập ổn định từ mô hình nuôi heo rừng lai bán hoang dã

Hiện gia đình chị đang nuôi trên 20 con heo rừng lai, trong đó có hai con heo nái. Loài này mắn đẻ, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa khoảng 8 con. Với giá heo giống 1,2 triệu đồng/cặp, gia đình chị có thêm thu nhập từ việc chăn nuôi khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Theo chị Diễm Quỳnh, so với các loại vật nuôi khác, nuôi heo rừng lai khỏe hơn rất nhiều, ít bệnh tật, ít công chăm sóc. Chị tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên để nuôi heo, từ đó thu lợi nhuận cao hơn so với các loại vật nuôi khác.

Theo chị Quỳnh, thời điểm này, người tiêu dùng đang hướng tới lựa chọn các loại thực phẩm sạch nên thị trường tiêu thụ heo rừng rất lớn. Nuôi heo rừng lai theo hình thức bán hoang dã thuận lợi. Ngoài thức ăn tinh là cám gạo, có thể tận dụng tối đa các nguồn thức ăn từ tự nhiên sẵn có như các loại rau củ quả, bắp khô và các phụ phẩm trong gia đình… nên tiết kiệm được chi phí đầu tư so với nuôi heo thường mà lại không mất nhiều thời gian chăm sóc.

Cùng với mô hình nuôi heo lai bán hoang dã, mô hình chăn nuôi bò sinh sản của đoàn viên Hồ Văn Thông (xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm thường xuyên, ổn định.

Anh Thông chia sẻ, sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về, anh tham gia các phong trào đoàn tại địa phương. Anh luôn tìm tòi, học hỏi các mô hình để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2020, thông qua hỗ trợ kết nối của Đoàn xã Quảng Tiến, anh Thông được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn do Tỉnh Đoàn Đắk Lắk phân bổ để đầu tư giống bò mới.

Anh Thông cho biết, năm 2018, anh là thành viên của tổ hợp tác nông sản sạch Quảng Tiến với mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Sau khi được sự hỗ trợ của các tổ chức cơ sở đoàn, từ mô hình sẵn có của gia đình, hiện nay đàn bò của gia đình anh phát triển mạnh, cải thiện đáng kể đời sống gia đình.

Năm 2020-2021, anh Hồ Văn Thông được Huyện Đoàn Cư Mgar và Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi.

MỚI - NÓNG