Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ nguyên tắc bồi thường, cũng như trách nhiệm của các bên khi xảy ra các thiệt hại ngoài hợp đồng. Những phân tích, chia sẻ của Tiến sĩ Lê Giang, Giảng viên Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà nội đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
Trước tiên xin cảm ơn TS Lê Giang đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa bà theo quy định của pháp luật hiện hành, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần có những điều kiện nào?Bà có thể phân tích rõ hơn để độc giả có thể nắm được?
Trách nhiệm BTTH ngoài HĐ phát sinh khi có các điều kiện sau:
Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra: Thiệt hại xảy ra là tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì mục đích của việc áp dụng trách nhiệm là khôi phục tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại, do đó không có thiệt hại thì không đặt ra vấn đề bồi thường cho dù có đầy đủ các điều kiện khác. Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, pháp nhân.
Thứ hai, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật: Hành vi trái pháp luật là những hành vi đã bị pháp luật cấm do tính chất nguy hiểm của nó đối với xã hội. Hành vi gây thiệt hại có thể là hành vi trái pháp luật hình sự, dân sự, hành chính, kể cả những hành vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm quy tắc sinh hoạt trong từng cộng đồng dân cư …
Thứ ba, có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật: Mối quan hệ nhân quả này biểu hiện, hành vi trái pháp luật phải có trước và là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại xảy ra và thiệt hại phải xảy ra sau và chính là kết quả của việc thực hiện hành vi trái pháp luật trước đó.
Thứ tư, yếu tố lỗi của người gây thiệt hại: Trước đây theo quy định tại Điều 604, BLDS năm 2005, người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi. Hiện nay tại điều 584 BLDS năm 2015 không đề cập trực diện đến vấn đề lỗi. Tuy nhiên qua nghiên cứu các quy định chung về BTTH ngoài HĐ, các quy định về nguyên tắc bồi thường, năng lực bồi thường BLDS năm 2015 vẫn thể hiện lỗi là điều kiện cấu thành nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong một số trường hợp ngay cả khi người gây thiệt hại không có lỗi vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại như trường hợp bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi” (Điều 602 BLDS năm 2015).
Vậy trong trường hợp lỗi của bên gây ra thiệt hại chỉ là lỗi vô ý, thì bên gây ra thiệt hại có phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay không, thưa bà?
Trường hợp lỗi của bên gây ra thiệt hại chỉ là lỗi vô ý thì bên gây ra thiệt hại vẫn phải bồi thường nếu đã gây ra thiệt hại và hành vi gây thiệt hại của người đó được xác định là hành vi trái pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 584 BLDS năm 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Như vậy, về nguyên tắc chung, người gây thiệt hại được loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại nên với trường hợp dù lỗi của người gây thiệt hại là lỗi vô ý thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho hành vi gây ra thiệt hại của mình.
Tuy vậy, người gây thiệt ra thiệt hại có lỗi vô ý thì có thể được xem xét để giảm mức bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 585 BLDS năm 2015: “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”.
Thưa bà Giang, khi xác định mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên cần căn cứ vào những quy định nào để đưa ra mức bồi thường phù hợp ạ?
Theo quy định trong BLDS năm 2015, việc xác định thiệt hại để qua đó tính toán một mức bồi thường cụ thể được căn cứ theo loại thiệt hại. Cụ thể, việc xác định thiệt hại được căn cứ theo 04 trường hợp cụ thể bao gồm:
Một là, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 589 BLDS năm 2015): Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: (i) Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; (ii) Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; (iii) Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; (iv) Thiệt hại khác do luật quy định.
Hai là, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm(Điều 590 BLDS năm 2015): Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: (i) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; (ii) thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; (iii) chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; (iv) thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài các khoản trên, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Ba là, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm(Điều 591 BLDS năm 2015): Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: (i) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; (ii) chi phí hợp lý cho việc mai táng; (iii) tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; (iv) thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài các khoản trên, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Bốn là, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm(Điều 592 BLDS năm 2015): Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: (i) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; (ii) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; (iii) Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài các khoản trên, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Vâng, xin cảm ơn Bà!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!