Những 'lính thợ' thầm lặng

Trong sản xuất kinh doanh điện, công nhân truyền tải là những “người lính” xông pha đầu tiên để hình thành mạng lưới phục vụ công tác kinh doanh, còn những kỹ sư Tổ rơle thuộc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT) được ví như “những người đấu nối cuối cùng” trước khi dòng điện chính thức lên lưới.

Nghề với những hy sinh thầm lặng         

“Đi ra đường, nhắc đến ngành điện mọi người thường nghĩ ngay đến những công nhân mặc áo màu cam. Nghề này của chúng em rất đặc thù, ngay với nghề truyền tải điện, với người trong ngành, ít người nắm rõ đặc thù công việc, có chăng mường tượng là mấy ông hay leo cột điện. Còn nói tới tổ rơ le chắc càng ít người biết đến. Nếu nói thợ thí nghiệm điện, chắc chỉ đoán là người mặc áo bờ lu, đeo kính ngồi phòng lab”, anh Trần Thanh Bình, Tổ phó Tổ rơle thuộc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia – EVNNPT) mỉm cười khi nói về đặc thù của nghề.

Những 'lính thợ' thầm lặng ảnh 1

Các kỹ sư của Tổ rơle trên công trường 

Những 'lính thợ' thầm lặng ảnh 2

Theo anh Bình, truyền tải điện là nghề đặc thù, được coi là vất vả nhất so với các mảng, nhóm sản xuất kinh doanh khác của ngành điện. Với áp lực sức ép về tiến độ, độ vất vả, những người “thợ rơ le” chắc khó có thể trụ với nghề, khó sống được với nhau nếu lãnh đạo đơn vị, vợ, chồng không có sự cảm thông, chia sẻ.

“Như ông này, là lãnh đạo mà lấy vợ chưa đầy 5 hôm, phải gửi vợ cho mẹ ở nhà để đi công tác một mạch 18 ngày mới về. Hay như bạn Võ Quỳnh Nga trong tổ, hôm trước ăn hỏi, hôm sau đi công tác dài ngày liền. Không thật sự yêu nghề, hy sinh vì nghề thì chắc chỉ một thời gian ngắn là bỏ việc”, anh Bình cười to và chỉ sang anh Nguyễn Thế Hùng, (39 tuổi), Tổ trưởng Tổ rơle nói.

Những 'lính thợ' thầm lặng ảnh 3

Võ Quỳnh Nga, cán bộ Tổ rơle có 6 năm thâm niên thí nghiệm điện cho hay, phải là những người yêu nghề thật sự mới có thể gắn bó với công việc vốn vất vả lại thường xuyên phải đi công tác dài ngày. “May mắn là từ khi sinh em bé, em được anh em trong tổ ưu ái ít phải đi công tác, nếu có đi cũng chỉ phải đi trong ngày và đi gần hơn anh em khác”.

Theo anh Hùng, nghề thí nghiệm điện, hay còn gọi thợ rơle, nói nôm na, có thể ví như những người “gác gôn” ở công đoạn cuối cùng trước khi dòng điện lên lưới quốc gia được thông suốt, không gặp sự cố. Còn trên mỗi tuyến đường dây, trạm điện, tương tự như cấu trúc của cơ thể người, hệ thống rơle cũng giống như hệ thống dây thần kinh giúp điều khiển toàn bộ vận động, cảm giác của các bộ phận trong cơ thể. Mỗi khi hệ thống rơle trên đường dây hay trạm biến áp “ốm đau, mệt mỏi” là cần phải xử lý ngay.

Còn nói đặc thù công việc thế nào thì khó mô tả. Nhưng gói gọn lại sẽ là những dấu mốc như: Đi công tác nhiều nhất; thời gian đi công tác bất kể ngày đêm, nhất là mỗi khi rơle trên lưới điện “xì xoẹt” hay kết cấu lưới thay đổi, phương thức  vận hành của đường dây, máy biến áp thay đổi là lập tức phải lên đường trong khi tiến độ công việc luôn cấp kề. Tháng có 30 ngày thì phải hơn 20 ngày cả 14 anh em trong tổ “lang thang” các tỉnh, các tuyến đường dây trải dài khắp các tỉnh thành phía Bắc để thí nghiệm, hiệu chỉnh các tuyến đường dây, trạm biến áp.

Áp lực về thời gian thì triền miên, việc về cuối tuần thì liên tục vì cuối tuần thường là thời điểm các khu công nghiệp, trạm biến áp được giảm tải, có thể tách lưới để thí nghiệm định kỳ, hiệu chỉnh, xử lý khiếm khuyết. Công việc chủ yếu làm về đêm. “Bọn em thanh niên làm đã oải, chị em trong tổ còn vất vả hơn nhiều”, anh Hùng nói.

Những 'lính thợ' thầm lặng ảnh 4

Khi không phải đi công trường, các kỹ sư phải cắm cúi với hàng ki lô gam tài liệu nghiên cứu cũng như hồ sơ, giấy tờ liên quan đến thí nghiệm điện

Nghề đặc thù nên việc học và truyền nghề của anh em trong tổ rơle, theo anh Hùng, cũng hết sức đặc biệt: Không theo giáo trình, giáo án từng bước như trong trường học mà gặp tình huống nào là truyền nghề, cách xử lý trực tiếp tình huống đó. Những “chiêu” học mót được từ các kỹ sư ngoại trong các chuyến công tác cũng được anh em đúc kết và truyền tay chỉ việc cho nhau, không hề giấu diếm, giữ làm “độc chiêu riêng”.

 “Lưới điện Việt Nam ngày càng mở rộng, các trạm, tuyến đường dây mới đi vào vận hành càng nhiều, áp lực cho các thợ thí nghiệm điện càng lớn. Như trạm trọng điểm Phố Nối mới đây, chúng em chỉ có đúng 1 tuần để hoàn thành tiến độ, bắt buộc phải làm ngày làm đêm, nhiều khi quá đói, ngửng lên đã thấy là trời đêm mới chợt nhớ ra cả tối chưa ăn gì. Còn chuyện làm từ sáng đến 2-3 giờ chiều mới tạm dừng để ăn là chuyện bình thường”, anh Hùng kể và cho hay, khi thợ thí nghiệm chưa kết thúc công việc, chưa xác nhận mọi việc đã hoàn tất, toàn bộ tuyến đường dây, trạm biến áp chưa thể đi vào vận hành.

Nghề vất vả đặc thù, làm tốt thì chỉ sếp trực tiếp và rất ít người trong ngành điện biết, hầu hết đều nghĩ lắp trạm, kéo dây xong là xong nên các kỹ sư thí nghiệm điện cũng khá khiêm tốn khi nói những thành tựu mà mình làm được. Cũng vì sự đặc thù này, cách ứng xử trong công việc của anh em trong tổ  rơle cũng hết sức đặc biệt: Anh em trong tổ dù ít người nhưng mỗi khi gia đình có công việc là anh em, rồi cả sếp công ty cũng động viên, chia sẻ giúp đỡ.

Khi người trẻ làm chủ công nghệ

Với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới trong công tác vận hành cũng như xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại, để đạt được mục tiêu trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2020, những năm gần đây, lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tăng cường cử cán bộ trong các đơn vị ra nước ngoài để học tập và đào tạo nâng cao trình độ. Những khóa học nâng cao này giúp các kỹ sư Việt Nam tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực truyền tải điện.

Sau những khóa học nâng cao, đến nay các kỹ sư thuộc Tổ rơle thuộc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện đã tự tin làm chủ và trực tiếp tham gia nhiều dự án lớn (trước phải tự mày mò hoặc thuê chuyên gia nước ngoài hiệu chỉnh) như: trạm 500kV Quảng Ninh, 500kV Phố Nối, xử lý một loạt hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu/quản lý hệ thống ở khu vực miền Nam như Cà Mau, Duyên Hải, trạm 220kV Bình Chánh, trạm 220kV Tràng Bảng…

Khi được hỏi các anh cảm thấy thế nào khi nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã phải thừa nhận các kỹ sư trẻ thuộc Tổ rơle thuộc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện hiện là những chuyên gia hàng đầu Việt Nam, anh Hùng cho rằng, công việc mà anh em Tổ rơle đang làm chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi công việc của toàn ngành điện. Mỗi một công việc, mỗi công ty, mỗi dịch vụ trong ngành có sự đánh giá khác nhau. “Tự nhận xuất sắc nhất thì chúng em thấy…khó lắm”, anh Hùng cười và nói.

Dù không thừa nhận nhưng sự khiêm tốn, những công việc mà các kỹ sư trẻ thuộc tổ rơle đã, đang và sắp làm cho ngành điện, cho đất nước cũng đủ để xếp diện “trên xuất sắc” trong lòng bạn bè, gia đình và những người hiểu nghề, hiểu ngành điện.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.