1. “Mục tiêu của tôi là phải làm chức vụ cao nhất”
Nếu ai cũng có mục tiêu phải “ngồi chót vót” trong những vị trí cao nhất thì công sở chẳng khác gì “chiến trường”, nơi chỉ mải mê đấu đá, tranh giành mà quên đi những kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn. Đến khi nhìn lại, họ sẽ thấy mình bị tụt hậu, bị rối bời trong tham vọng của mình.
Hơn thế, với những anh chàng “không biết lượng sức” mà cứ một mực đặt ra mục tiêu rồi thực hiện nó một cách không khoa học, không kế hoạch sẽ vấp phải hàng loạt khó khăn, rồi tự cảm thấy kém cỏi, thất bại và đánh mất sự tự tin. Một khi đã quá nặng nề trong suy nghĩ, anh ta chẳng thể tập trung mà làm việc, do đó, tụt hậu hoặc nguy cơ bị sa thải là điều khó tránh.
2. Là nhân viên giỏi thì tất nhiên sẽ là lãnh đạo tài ba
Những vận động viên xuất sắc chưa chắc đã là huấn luyện viên giỏi. Một số kỹ sư, nhân viên bán hàng có kỹ năng tốt, sau khi được thăng cấp làm quản lý hoặc lãnh đạo lại tỏ ra yếu kém. Nguyên nhân là do mỗi người có năng lực quản lý, lãnh đạo khác nhau, người làm quản lý cần có những điều kiện khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng sáng tạo, đưa ra quyết định đúng đắn, khả năng điều khiển, dẫn dắt, năng lực tổ chức…Do đó, làm tốt ở vị trí này không đồng nghĩa với việc bạn cũng sẽ làm giỏi ở những vị trí khác.
3. Mấu chốt của thành công là vận may
Có nhiều trường hợp thực tế khiến không ít người tin vào vận may, cho rằng những người có được công việc tốt, nhàn hạ, lương cao chỉ là do may rủi, chứ không phải là năng lực thực tế. Đó chỉ là cái nhìn chủ quan thiển cận và nông cạn. Họ chỉ nhìn bề mặt của sự việc mà vội vàng đánh giá tổng thể. Những ai có lối suy nghĩ lệch lạc này sẽ chẳng thể thành công trong sự nghiệp của mình dù chỉ một lần duy nhất trong cuộc đời.
4. Chỉ có làm thêm giờ mới hiệu quả, và được khen ngợi
Có người cho rằng thời gian làm việc càng dài càng thể hiện mình chăm chỉ, có tinh thần trách nhiệm với công việc. Thực ra, hiệu quả công việc mới là mục tiêu đánh giá cuối cùng. Bận rộn cả ngày nhưng lại không cho một kết quả tốt thì không phải là người thực sự có năng lực. Do đó, đâu phải cứ hục mạng làm thêm giờ là được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao.
5. Thăng chức nhanh hay chậm chủ yếu do cấp trên
Sếp quyết định sự thăng tiến của bạn, nói như vậy cũng đúng. Nhưng điều để làm “đòn bẩy” cho quyết định đó của sếp lại chính là bản thân bạn. Phải có năng lực, có đủ phẩm chất để được ngồi vào vị trí tốt thì bạn mới được sếp cất nhắc. Đừng nghĩ lệch lạc rằng sẽ “đi đường tắt” để nhanh chóng được thăng tiến. Chính điều đó sẽ hủy hoại sự nghiệp, những gì bạn đang có.
6. Ôm đồm nhiều việc dù lớn hay nhỏ
Bất kể là việc lớn hay nhỏ bạn đều ôm đồm làm hết để chứng tỏ sự nhiệt thành trong công việc và năng lực của mình. Nhưng kết quả lại phản ánh ngược lại. Vì phải dành quá nhiều thời gian làm việc lặt vặt, không có thời gian hoặc không thể dồn tâm trí để làm việc chính của mình, cuối cùng “tham thì thâm”, không việc nào được hoàn chỉnh. Trong mắt đồng nghiệp, bạn chỉ là kẻ sai vặt, trong mắt sếp, bạn là kẻ không biết lượng sức mình, kém năng lực.
N.H
Theo Xinli