Những kỷ vật hòa bình trở về từ nước Mỹ

Bà Nancy Hollander và bà Nguyễn Thị Bình xem lại một số kỷ vật xưa. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Bà Nancy Hollander và bà Nguyễn Thị Bình xem lại một số kỷ vật xưa. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - Kể thêm về 450 hiện vật từ nước Mỹ vừa được tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để kể một câu chuyện về những người phụ nữ đóng góp vào cuộc đấu tranh đòi hòa bình cho Việt Nam.  

Cơ duyên từ bức ảnh

Năm 1965 phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ có cuộc gặp phụ nữ hai miền Nam, Bắc Việt Nam tại Jakarta, Indonesia năm 1965. Nancy Hollaner lúc đó là thành viên trẻ nhất, mới 21 tuổi. Đây là cuộc gặp ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa hai nước, nêu bật quan điểm chung về hòa bình, yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Họ hẹn gặp lại nhau trong hòa bình, nhưng cho tới chiều 7/3/2019 người phụ nữ Mỹ mới có dịp tới Việt Nam trao tặng 450 kỷ vật.

Những kỷ vật hòa bình trở về từ nước Mỹ ảnh 1 Bức ảnh kỷ niệm giữa hai phái đoàn, bà Nancy đứng hàng đầu (thứ hai từ trái sang)

Cuộc tái ngộ lịch sử này do nhà thơ Lady Borton-người phụ nữ gắn bó nhiều năm với Việt Nam- kết nối. Năm 2018 nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tổ chức tại Hà Nội, bà Lady Borton đem tặng phái đoàn Mỹ cuốn Nguyễn Thị Bình - gia đình, bạn bè và đất nước do bà dịch sang tiếng Anh. Phái đoàn này sang Việt Nam gặp bà Nguyễn Thị Bình.

Thành viên phái đoàn có ông James W.Russell. Ông viết thư cảm ơn bà Lady, thông báo bạn ông là người xuất hiện trong bức ảnh chụp cùng bà Nguyễn Thị Bình ở Jakarta năm 1965. Đó là bà Nancy Hollander. Từ đầu mối ấy, hai phụ nữ Mỹ liên lạc với nhau để hỏi thăm về người bạn chung-Nguyễn Thị Bình.

Bà Nancy còn giữ khá nhiều tài liệu, hiện vật của phái đoàn Việt Nam sang hội nghị ở Indonesia năm xưa. Khi còn băn khoăn chưa biết tặng cho ai, Lady Borton khuyên nên tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bà Borton trở thành “người vận chuyển” số tài liệu này, tham gia quá trình lập danh mục và xác minh nội dung lịch sử của tài liệu.

“Tôi vẫn luôn tin ngày nào đó đem số hiện vật này trở về Việt Nam. Tôi muốn trao gửi kỷ vật để những người trẻ, du khách quốc tế tới tham quan hiểu rõ phụ nữ Việt Nam trải qua giai đoạn lịch sử ấy ra sao, cũng như sự đóng góp vào tiến trình hòa bình giữa hai nước”, bà Nancy Hollander nói.

Câu chuyện hòa bình

Cuộc gặp diễn ra từ 13-18/7/1965 tại Jakarta, Indonesia. Phái đoàn Mỹ chính là Tổ chức phụ nữ đấu tranh vì hòa bình gồm 10 thành viên, đủ thành phần từ nội trợ, giáo viên, công nhân da màu cho tới nhân viên tổ chức chính trị. Bà Nancy Hollander là sinh viên. Đoàn Việt Nam gồm tám thành viên, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình lúc ấy là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng Việt Nam.

Hội ngộ tại Hà Nội, hai phụ nữ sau cái bắt tay và cái ôm siết chặt, bước về phía chiếc bàn bày kỷ vật, bà Nguyễn Thị Bình liền cầm ngay Bản Tuyên bố chung có chữ ký của từng thành viên hai phái đoàn. Bà Nancy chỉ vào trang giấy ố vàng nói: “Đây là chữ ký của bà”, bà Bình xác nhận và cảm ơn người lưu giữ.

Bản tuyên bố chung này có đoạn ghi: “Người dân Mỹ không nên lờ đi cuộc chiến tàn ác đang hàng ngày lấy đi mạng sống của những người dân Việt Nam, cũng như những người đàn ông Mỹ. Những bà mẹ Mỹ sinh thành và nuôi dưỡng con trai mình không phải để họ giết người vô tội và hi sinh cho những mục đích phi lý ấy”.

Những phụ nữ có mặt trong cuộc gặp năm đó đã kêu gọi phụ nữ Mỹ đứng lên ngăn chặn cuộc chiến ở Việt Nam, thực thi hiệp định Genève. “Là phụ nữ, chúng ta không thể ngơi nghỉ cho đến khi trẻ em Việt Nam và trẻ em Mỹ có thể tự do lớn lên trong hòa bình và an toàn”, trích trong bản tuyên bố chung năm 1965.

Khoảng 450 hiện vật, tài liệu gồm thư từ, báo cáo, sổ, sách báo, tạp chí ghi lại cuộc gặp lịch sử, sự giao lưu sau đó giữa hai bên. Tổ chức phụ nữ đấu tranh vì hòa bình quyên góp tiền để trang trải chi phí cho chuyến đi. Điều này được nhắc tới trong lá thư của bà Frances-thành viên phái đoàn Mỹ- gửi Nancy Hollander. Phụ nữ Việt Nam chuẩn bị bản sao Hiệp định Genève, thông tin về Việt Nam và một số ấn phẩm báo chí. Trong cuộc gặp tại Indonesia, đại biểu phụ nữ Mỹ hiểu rõ hơn chiến tranh Việt Nam và thêm căn cứ để thuyết phục người Mỹ đứng lên đòi hòa bình cho Việt Nam.

“Tôi ấn tượng với bà Bình và những gì bà nói về những gì diễn ra ở Việt Nam trong thời điểm lịch sử đó. Tôi lưu giữ tất cả kỷ vật sau khi trở về từ Indonesia. Vì chúng tôi còn giữ liên lạc, trao đổi sau đó nên tài liệu cứ nhiều thêm. Cho đến nay chúng ta là hai người còn sống cuối cùng trong phái đoàn năm đó”, bà Nancy nói.

Trong số hiện vật trở về dịp này còn có bộ áo dài trắng bà Bình mặc trong cuộc gặp mặt, chiếc khăn bà mang sang Indonesia. Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam kể, cách đây hơn 30 năm vào Nam sưu tầm hiện vật về cuộc chiến tranh chống Mỹ, nghe các bà các mẹ kể nhiều về chiếc khăn phụ nữ Nam bộ dùng trong các cuộc đấu tranh, tuy nhiên không giữ lại được. Chiếc khăn trở về từ Mỹ bỗng trở thành hiện vật kể chuyện vô cùng đáng quý.

Một cuộc trưng bày về sự đóng góp của phụ nữ thế giới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sẽ diễn ra năm sau, đúng dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, 45 năm thống nhất đất nước. Những hiện vật do bà Nancy trao tặng sẽ kể lại câu chuyện về những người phụ nữ đấu tranh cho hòa bình năm xưa.

Nancy Hollander trở thành nữ luật sư hình sự người Mỹ nổi tiếng thế giới, tham gia nhiều hoạt động và tổ chức vì hòa bình. Ngoài thực hành luật, bà còn giảng dạy tại nhiều ngôi trường danh tiếng ở Áo, Pháp, Mỹ, Hà Lan. Nancy viết sách về các chủ đề như bảo mật bằng chứng cho các vụ án quốc tế. Bà từng là cố vấn cho Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam. Từ năm 2007, bà nằm trong Top 100 luật sư bào chữa hình sự của Mỹ.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.