Những kỷ niệm gửi lại nơi biên ải

TP - Mỗi lần chuẩn bị đi công tác vùng biên giới, tôi thường gom nhặt những cuốn truyện tranh, sách báo hoặc những món đồ chơi cũ mà cậu con trai 7 tuổi đã đọc qua, chất đống trên giá sách, vứt lăn lóc khắp phòng làm quà dành cho các em nhỏ. Dù sách, truyện cũ, nhưng đó là những món quà ý nghĩa với trẻ em nơi miền biên ải xa xôi.
Những kỷ niệm gửi lại nơi biên ải ảnh 1

Tác giả và các em nhỏ vùng biên giới thích thú với những cuốn truyện tranh lần đầu biết đến. Ảnh: Nguyễn Thành

“Thư viện” cho trẻ em vùng biên

Đầu tháng 11 vừa qua, hay tin tôi chuẩn bị lên vùng biên giới ở huyện Tây Giang (Quảng Nam), anh em văn phòng Ban đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng gom được khoảng 100 cuốn Hoa học trò, Thiên thần nhỏ cùng các ấn phẩm, báo cũ. Tôi cũng nhặt lấy 20 tập của bộ truyện tranh “Lớp học mật ngữ” đang “hot” mà cậu con trai đã đọc xong.

Thấy cảnh phóng viên lềnh kềnh với ba lô, máy ảnh trên vai, tay xách 2 thùng đồ nặng trĩu, ông Bling Mia, Bí thư huyện Tây Giang hỏi: “Em mang gì nặng thế?”- “Sách truyện cũ dành cho các em nhỏ anh ạ”- “Tốt quá !”, ông Mia vỗ vai. Cùng với quà của lãnh đạo huyện, tất cả được chất lên xe Bí thư huyện để mang lên vùng biên kịp tham dự lễ Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mất hơn 4 giờ đồng hồ di chuyển đường núi vòng vo, đường sá gập ghềnh, chúng tôi mới có mặt ở thôn Glao, xã Ga Ry (huyện Tây Giang) nơi tiếp giáp với nước bạn Lào. Dân làng đang chuẩn bị tổ chức chương trình lễ mừng ngày Đại đoàn kết trong không khí vui tươi, rộn ràng. Thôn Glao với hơn 80 hộ dân an cư sạch đẹp quây quần giữa thung lũng, bao bọc là rừng nguyên sinh. Điện lưới và sóng điện thoại đã có nhưng do xa xôi, cách trở cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Nghe tiếng gọi, những đứa trẻ vây quanh chìa tay chờ phát sách, truyện. Tiếng reo cười thích thú khi lần đầu tiên các em được cầm trên tay một cuốn truyện tranh. Một bé gái lễ phép, níu tay: “Chú ơi, cháu cầm về nhà, để mai mang lên lớp khoe các bạn được không ạ?”. “Được con”. Cô bé reo lên vì vui thích, rồi cầm cuốn truyện tung tăng chạy về nhà.

Những kỷ niệm gửi lại nơi biên ải ảnh 2
Các em nhỏ và “thư viện” nơi nhà gươl, thôn Glao, xã Ga Ry cùng những cuốn sách, truyện, ấn phẩm của chuyên trang báo Tiền Phong. Ảnh: Bhling Ðôn

Số sách, truyện cùng ấn phẩm Hoa học trò, Thiên thần nhỏ tôi giao lại cho Bhling Đôn (29 tuổi). Đôn là người đầu tiên của Gary thi đậu đại học. Năm 2016, Đôn tốt nghiệp khoa Kinh tế phát triển - Đại học Đà Nẵng và làm nhân viên bán hàng cho một công ty tư nhân ở Đà Nẵng. Nhưng vì áp lực doanh số nên 2019 em về lại Quảng Nam nộp đơn thi công chức nhưng không đậu. Rồi dịch COVID-19 bùng phát, mọi thứ ngưng trệ, Đôn về lại làng đỡ đần bố mẹ và kèm cặp các em nhỏ học hành. Mới đây, chàng trai tiếp tục ứng tuyển vào một ngân hàng và đang chờ kết quả. “Sao em không xin về xã làm việc”. “Hết biên chế rồi anh ạ”, Đôn đáp.

Rồi Đôn bảo: “Trên này trẻ em thiếu sân chơi, thiếu sách truyện. Sách báo này em sẽ để ở nhà gươl và lập một thư viện nhỏ ở đó, để tất cả các em nhỏ lên đó cùng chia nhau đọc, cùng bảo quản”. Đôn xin số điện thoại, rồi nói: “Mai mốt về xuôi, anh xin thêm cho các em nữa nhé. Anh cứ gửi ở huyện, em sẽ chạy xe máy xuống lấy”.

Những kỷ niệm đẹp

Tôi nhớ đến chàng trai Bnước Nam (22 tuổi) quê ở xã vùng biên giới La Dê, Nam Giang (Quảng Nam) mà tôi gặp trong chuyến công tác hồi tháng 5/2022. Nam là nhân vật được nhắc đến trong phóng sự “Người trẻ bảo vệ rừng già” - Tiền Phong ngày 26/5/2022.

Chàng trai Cơ Tu hiền lành chất phác, tình cảm đó tốt nghiệp CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam nhưng mãi không xin được việc làm. May mắn mắn Nam được BQL Vườn Quốc gia Sông Thanh tuyển dụng làm nhân viên bảo vệ rừng và gắn bó với công việc đóng quân âm thầm ngày đêm giữa rừng già nơi “thánh địa” phu vàng một thời để ngăn vàng tặc, giữ rừng, giữ tài nguyên.

Về lại thành phố, mấy hôm sau nhận được tin nhắn Zalo Ðôn gửi những hình ảnh các em nhỏ nơi biên ải xa xôi quây quần, say mê đọc sách, báo, truyện tranh bên trong nhà gươl của thôn. Nhìn những tấm hình lại thấy thương các em nhỏ vùng cao, ký ức tuổi thơ một thời lấm lem, quê nhà tự nhiên lại ùa về. Cảm xúc khó tả. “Em cảm ơn anh, cảm ơn báo Tiền Phong nhiều”, Ðôn lễ phép nhắn tin.

Sau chuyến công tác, tôi và Nam vẫn giữ liên lạc qua tin nhắn Zalo. Mỗi lần ra khỏi rừng, có sóng điện thoại, lại thấy Nam nhắn tin hỏi han, chia sẻ chuyện giữa rừng. Nam có đam mê đá bóng, cùng sở thích nên nói chuyện về môn thể thao vua này anh em rất say sưa. Nam là thành viên của đội bóng huyện Nam Giang tranh tài tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số Quảng Nam tổ chức tại huyện Đông Giang (7/2022).

Trước giải đấu một tuần, Nam lặn lội xuống Đà Nẵng để mua giày chuẩn bị đá giải. Giày chuyên dụng cho sân cỏ giá cao, không đủ tiền mua nên Nam ngậm ngùi mua lấy đôi giày vải rồi quay lên núi. Biết chuyện, tôi trách Nam sao xuống mà không gọi. Tôi hỏi cỡ giày và hứa sẽ có giày xịn xò cho em thi đấu giải.

Thông qua anh em đồng nghiệp mảng thể thao, tôi đã liên hệ được anh em đội bóng SHB Đà Nẵng để xin cho một đôi giày bóng đá chuyên nghiệp.

Những kỷ niệm gửi lại nơi biên ải ảnh 3
Cây đàn guitar phóng viên gửi tặng anh em bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Sông Thanh

Mấy ngày sau, đồng nghiệp báo tin, đội trưởng đội SHB đã tìm được một đôi giày còn mới nguyên, anh em mua về nhưng đi hơi chật. Kích cỡ đôi giày vừa đúng số giày Nam mang. Báo tin, chàng trai bảo vệ rừng vui mừng, rối rít cảm ơn. Mua kèm thêm mấy đôi tất, tôi gửi xe lên kịp cho Nam ngay trước giờ hội thi khai mạc. Giải đó đội của Nam không giành được giải cao, nhưng vui vì đã giúp chàng trai trẻ thỏa ước mơ nhỏ bé, bù đắp những gian khổ ngày đêm giữa rừng già trong khó khăn, thiếu thốn.

Thôn Giao với hơn 80 hộ dân an cư sạch đẹp quây quần giữa thung lũng, bao bọc là rừng nguyên sinh. Ðiện lưới và sóng điện thoại đã có nhưng do xa xôi, cách trở cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng trong chuyến công tác đó, tôi gửi tặng lại Nam và anh em trạm bảo vệ ở vùng lõi Vườn Quốc gia sông Thanh một cây đàn ghi ta làm kỷ niệm. Giữa rừng sâu, không ánh điện, không sóng điện thoại, cây đàn sẽ giữ nhịp những lời ca, tiếng hát, xua tan nỗi buồn, nỗi cô đơn khi màn đêm buông xuống, để anh em thêm gắn bó với nghề âm thầm mà cao cả: giữ rừng, giữ đất quê hương….

Bên cạnh niềm vui tin bài sau những chuyến đi là những câu chuyện ấm áp, những kỷ niệm mộc mạc ân tình thôi thúc chúng tôi vác ba lô lên đường.

Tin liên quan