Ông kể: “Có hôm một kỹ thuật viên ở khoa xét nghiệm của Bệnh viện Từ Dũ gọi điện bảo có sản phụ cần máu Rh-, tôi đang ngủ cũng vùng dậy chạy xe máy tới bệnh viện”.
Theo ông, các bác sĩ bảo người có nhóm máu hiếm như ông chỉ chiếm 0,04% dân số Việt Nam, “vì vậy khi người bệnh cần thì mình không thể ngó lơ được”.
Ông Minh dặn các con phải thường xuyên hiến máu cứu người. Con ông, anh Bùi Minh Huy, năm nay 35 tuổi, cũng đã 40 lần cho đi dòng máu hiếm. Anh con trai út là Bùi Minh Hoàng, 25 tuổi cũng theo cha 8 lần tình nguyện cho máu.
Thấy em trai hăng hái hiến máu bất kể thời gian, người chị của anh Minh cũng đưa con gái theo anh đi hiến máu. Đến nay, hai mẹ con đã hơn 30 lần cho máu.
Ông Minh còn vận động gần 100 đồng nghiệp thời còn làm ở Phân xưởng 218 thuộc Công ty Xi măng Hà Tiên 1 tại Bình Dương đi hiến máu.
Ông Minh được những người ở Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM gọi là “người kỷ lục” cho máu hiếm. Còn ông Hoàng Quốc Bảo, 50 tuổi ở quận Tân Bình lại được gọi là người lập kỷ lục hiến máu tình nguyện với 65 lần.
Ông Bảo chia sẻ: “Khi điện thoại reo cần nguồn máu, tôi hiểu rằng sinh mệnh của người bệnh đang bấp bênh, mình không đi hiến máu họ sẽ khó sống nổi. Vậy là lên đường ngay”, ông Bảo nói. Năm năm nay bà Trần Thị Hoa, vợ ông cũng tham gia hiến máu cùng chồng.
Bác sĩ Phan Văn Quân - Phó Giám đốc Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM , đồng thời là chủ nhiệm CLB Máu hiếm cho biết.
“Mặc dù những người hiến máu gia cảnh còn khó khăn nhưng bù lại họ có trái tim giàu tình yêu thương. Họ là những người chạy xe ôm, công nhân lao động nhưng khi kêu gọi hiến máu thì rất hăng hái”- bác sĩ Quân nói.