Những đứa con của lính vùng biên

Sỹ quan biên phòng Hà Tiên giúp Lập, Nghiệp học bài. Ảnh: T.Đ
Sỹ quan biên phòng Hà Tiên giúp Lập, Nghiệp học bài. Ảnh: T.Đ
TP - Trong chuyến công tác cùng đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tại Đồn biên phòng cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang) cuối tháng 2, chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về bộ đội góp tiền nuôi dạy trẻ mồ côi.

Đại úy Danh Kim Huôl, chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Hà Tiên, nhớ lại lần cách đây hai năm, anh cùng đồng đội đi tuần, tình cờ phát hiện hai đứa trẻ chừng 9-10 tuổi, ốm nhách, xanh xao như tàu lá, ăn mặc bẩn thỉu, rách rưới, đi lang thang khu vực chợ biên giới. 

Để ý, anh Huôl thấy chúng cứ vạ vật cả ngày ở chợ, ai thuê gì thì làm đó, cho gì ăn nấy, lúc mỏi mệt thì ngả lưng ngủ ở bất cứ đâu, thường là sạp chợ, lùm cây, trảng cỏ ở khu vực biên giới rộng mênh mông.

Tìm hiểu kỹ hơn, những chiến sĩ biên phòng biết hai đứa trẻ là anh em ruột. Đứa lớn tên là Nguyễn Văn Lập, sinh năm 2000, đứa nhỏ tên là Nguyễn Văn Nghiệp, sinh năm 2011 có hoàn cảnh khá thương tâm. Cha là ngư phủ chết đuối do ngã xuống biển, mẹ bỏ đi biệt tăm, hai anh em Lập và Nghiệp ở với bà nội xấp xỉ tám mươi tuổi lại bị bệnh tim. 

Bà sống bằng nghề rửa bát mướn cho mấy quán xá nhỏ khu vực đường biên, thu nhập cũng chẳng bao nhiêu. Số tiền ít ỏi ấy lại phải dành đi khám, chữa bệnh. Ba bà cháu sống trong cái chòi lá cất tạm trên miếng đất mướn của bà con lối xóm.

Sau thấy tình cảnh đáng thương của ba bà cháu nên hàng xóm cũng miễn cho tiền thuê. Bữa ăn hàng ngày khi đói khi no nên dù đang ở tuổi dậy thì nhưng cả hai đứa quắt queo như những đứa trẻ lên tám, chín.

Thấy cảnh đáng thương, đại úy Huôl báo cáo chỉ huy đồn, cấp trên để tìm phương án giúp đỡ. Ban chỉ huy đồn họp bàn, trao đổi với cán bộ chiến sĩ, quyết định nhận nuôi hai cháu Lập và Nghiệp ăn học tới năm 18 tuổi. 

Ngoài vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp bằng tiền lương, Đồn còn kêu gọi lòng hảo tâm của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Đại úy Huôl kể: Khi bộ đội biên phòng xuống thăm, tặng mỗi em 300.000 đồng/tháng và 10 kg gạo để bà nội nuôi cháu, bà cụ cảm động, khóc: “Tụi nhỏ lớn mau quá, tui nuôi không nổi nữa, mong các chú giúp tui nuôi và dạy dỗ chúng nên người”.

Sau khi xin ý kiến lãnh đạo bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, làm việc với địa phương và được chấp nhận, những người lính vùng biên Hà Tiên đưa Lập, Nghiệp về sống chung đời lính tại đồn biên phòng.

Lớn lên trong doanh trại

Không chỉ mình anh em Lập, Nghiệp, cũng năm 2011, những người lính áo xanh Đồn biên phòng cửa khẩu Hà Tiên còn góp tiền, gạo nuôi em Nguyễn Trường Duy có cha mẹ đều chết vì nhiễm HIV. Duy, Lập, Nghiệp đều ăn ngủ tại đồn để tiện cho bộ đội kèm cặp việc học hành. Việc sinh hoạt theo đúng giờ giấc, kỷ luật của quân đội giúp các em dần chín chắn, sống có kỷ luật, trách nhiệm. 

Nguyễn Trường Duy năm nay đã học tới lớp 9 và là học sinh giỏi của trường trung học cơ sở Mỹ Đức. Hiện Duy không còn sống chung với bộ đội ở đồn do phải về nhà để chăm sóc bà nội đã già yếu nhưng anh em vẫn mua xe đạp, đóng góp tiền, gạo nuôi ước mơ trở thành bác sĩ sau này của em.

Giờ chỉ còn lại hai anh em Lập, Nghiệp ở lại đồn. Mỗi em được bộ đội mua cho một chiếc xe đạp trị giá 2,5 triệu đồng để tự đi học. Anh em bộ đội cũng đóng góp và vận động thêm để xây cho bà cháu Lập, Nghiệp một căn nhà khang trang. Bà nội Lập, Nghiệp và hai bà cụ già nghèo, neo đơn, không nơi nương tựa mà đồn nhận phụng dưỡng cũng thường xuyên được đồn cử quân y xuống kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng tháng.

Nhắc tới những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn mà đồng đội đỡ đầu, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Hà Tiên không giấu niềm tự hào, nhất là khi anh em chứng kiến những ngày đầu mới về sống chung trong đơn vị, Lập, Nghiệp còn giữ nguyên lối sống của những đứa trẻ lang thang, bụi đời. 

Những chiến sĩ biên phòng phải kiên nhẫn rèn cặp hai anh em từng ly từng tý về lối sống, tình thương, trách nhiệm. Bên cạnh đó họ phải thay nhau rèn chữ, cập nhật kiến thức, vì cả hai đứa trẻ gần như đã bị mất căn bản. Giờ bộ đội vẫn phải kèm cặp việc học những lúc chúng gặp bài khó, còn lại hai anh em Lập, Nghiệp tự giác học. Nhờ vậy hai em đều khác xưa, tiến bộ từng ngày.

Là anh nên Lập chín chắn và mạnh dạn hơn. Lúc chia tay, Lập bảo: “Nếu không có mấy chú thì không biết chúng con ra sao nữa”.

Nguyễn Văn Lập học lớp 7, Nguyễn Văn Nghiệp học lớp 6, đều cho biết ước mơ sau này “con sẽ theo các chú làm bộ đội biên phòng”.

MỚI - NÓNG