'Những đứa con biệt động Sài Gòn' giờ vẫn lỗ

'Những đứa con biệt động Sài Gòn' giờ vẫn lỗ
TP - Theo đạo diễn Long Vân, ông sẽ làm tiếp phần 2 và 3 bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn nếu không tiếp tục bị lỗ.

Đạo diễn Long Vân:

'Những đứa con biệt động Sài Gòn' giờ vẫn lỗ

Giá không phải con biệt động
> Khúc mắc sau vai nữ chính

Thưa đạo diễn, được biết ông và ê kíp của mình đang chuẩn bị cho phần tiếp theo của bộ phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn”, ông có thể tiết lộ đôi chút?

Hiện nay, chúng tôi đang lên kế hoạch thực hiện phần 2 Những đứa con Biệt động Sài Gòn. Kịch bản đang được viết và dự định đến tháng 1- 2012 sẽ xong. Nếu như ở phần 1, nội dung xoay quanh những vụ án nổi cộm với những trùm xã hội đen như Năm Cam, Dung Hà, phần 2 sẽ là những chiến công mới của các chiến sỹ công an. Tôi chưa thể nói là nó liên quan tới những vụ án nào, nhưng có thể tiết lộ một chút. Phần 2 này sẽ là những người công an trong cuộc chiến với đường dây vận chuyển heroin từ nước ngoài về Việt Nam qua tuyến đường Hòa Bình - Hà Nội - TPHCM để rồi lại vận chuyển ra nước ngoài. Phần 2 sẽ kéo dài 36 tập và dự định làm trong một năm.

Những diễn viên trong phần 1 có theo tiếp trong phần 2 không, thưa đạo diễn?

Các nhân vật công an là tiếp nối, nhưng tiếp nối như thế nào thì chưa thể tiết lộ được. Tôi mong muốn dàn diễn viên phần 1 sẽ tiếp nối ở phần 2. Tuy nhiên đấy chỉ là mong muốn, còn có thể vì lý do khách quan nào đó mà họ không thể tham gia được thì cũng đành chịu.

Được biết, chi phí cho phần 1 khá tốn kém nhưng các đài truyền hình đều trả giá thấp hơn nhiều so với chi phí làm phim, đạo diễn có thể cho biết cụ thể hơn?

Ban đầu, đài truyền hình VN chỉ trả 200 triệu/tập, tức là quay trong 1-2 ngày thôi, nhưng tôi muốn phim có chất lượng cao nên phải quay 3 đến 3 ngày rưỡi và chi phí lên tới 290 triệu/tập. Vì thế, về sau, tôi đã nhận lời làm việc với Đài truyền hình Vĩnh Long vì họ đầu tư cho mình khoản tiền ban đầu khá lớn và ứng trước ½ số tiền. Cho đến nay, họ đã phát xong 39 tập phim, nhưng số tiền còn lại vẫn chưa thanh toán hết. Sau đó, một số đài truyền hình mua bản quyền phát lại, trong đó có VTV1, với số tiền khoảng 30 triệu đồng/ tập. Tính ra, số tiền đóng góp của anh em chưa thu được, nói gì đến tiền công. Cho nên, hiện nay nói phần 2 tiếp thì tiếp thôi, nhưng chúng tôi phải tính toán xem lỗ lãi thế nào, chứ làm vất vả mà không có tiền công thì phải nghĩ cách khác, hoặc phải nghỉ thôi.

Tiền nhuận bút kịch bản, cát-xê diễn viên thì sao?

Cái đó thì phải trả hết, sao có thể thiếu được. Chỉ có điều, mình là nhà sản xuất, mình phải bỏ tiền túi ra làm phim. Khi không thu được vốn về, coi như mình làm không công.

Bộ phim “Chiến hạm nổ tung” mà ông đang làm đạo diễn thì sao?

Đó lại là chuyện khác. Phim này mình đi làm thuê cho người ta (hãng phim Thiên Ngân- PV).

Phải chăng ông đang đi làm thuê để gom tiền làm phần tiếp theo “Những đứa con Biệt động Sài Gòn”?

Cũng có phần như thế.

Ông vốn nổi tiếng là đạo diễn khắt khe. Liệu sự khắt khe như ông đã từng làm với các bộ phim như “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Biệt động Sài Gòn”, “Người không mang họ”… có được áp dụng trong “Những đứa con biệt động Sài Gòn”?

Ngày xưa tôi làm bộ phim Giải phóng Sài Gòn mất 5 năm, còn bộ phim này chỉ trong 1 năm. Mình phải chấp nhận nhanh hơn, nhưng cái gì quan trọng thì phải đảm bảo.

Đạo diễn Long Vân (thứ 2 từ trái qua) đang chỉ đạo cảnh quay
Đạo diễn Long Vân (thứ 2 từ trái qua) đang chỉ đạo cảnh quay.

Đấy là tiến độ, còn sự khắt khe đối với diễn viên thì sao? Chẳng hạn, trước kia ông bắt diễn viên Tiến Hợi phải ăn gan lợn trong 3 tháng liền để có đôi mắt sáng quắc khi vào vai Bác Hồ hay nhốt diễn viên Thu Hà trong 7 ngày không cho ra ngoài chơi để cô có thể khóc thật trong đoạn phim gặp lại Nguyễn Ái Quốc…?

Phải thú thực là trong bộ phim Những đứa con Biệt động Sài Gòn, không có điều kiện để khắt khe. Thậm chí diễn viên thuộc lời hôm trước để hôm sau quay đã là cố gắng lắm rồi. Vì diễn viên bây giờ chạy sô, đa số họ cần tiền, mỗi giờ quay của họ chỉ được trả 300- 400 ngàn đồng, sao có thể bắt họ này nọ được. Nhiều khi họ chỉ nghe đạo diễn giải thích tâm lý nhân vật, còn phần lời, họ bảo thôi để về nhà cháu học.

Theo ông, ít nhất, diễn viên vào vai công an phải cần được chuẩn bị những gì?

Họ phải học võ thuật.

Ông tuổi đã cao (75 tuổi- PV) và nhiều thứ bệnh trong người, nhưng dường như đam mê làm phim của ông vẫn cháy bỏng?

Vâng, ở nhà mãi cũng chán. Nhưng cứ đi làm phim, rồi bộ phim được trình chiếu hay phát sóng, mọi người gọi điện hỏi thăm, chúc mừng. Tự nhiên mình thấy quên hết mọi mệt mỏi, bệnh tật dường như tan biến.

Chúc đạo diễn sức khỏe dồi dào để có thể thực hiện được các dự định của mình.

"Đam mê lớn nhất của người đạo diễn là làm được những bộ phim chất lượng, nhưng nếu cứ làm không công, thậm chí còn lỗ như thế này, cũng đành bỏ cuộc”.

Hà Thu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG