Vui như được… hiến máu
Ông Lê Văn Phùng, thành viên Hội đồng gia tộc họ Lê ở Tiên Lục cười sảng khoái khi chúng tôi hỏi về việc hiến máu. “Vừa mới đây thôi, gia tộc đứng ra tổ chức một bữa gọi là liên hoan. Tôi mời hết tất thẩy những người đã tham gia hiến máu trong họ đến cũng được gần chục mâm (mỗi mâm 6 người – PV), cả nam cả nữ. Vui lắm!”.
Không chỉ như thế, việc hiến máu còn là một trong những phần quan trọng trong báo cáo về những việc mà họ làm được trong năm. Cứ vào ngày giỗ họ, ông trưởng tộc đứng lên trước toàn họ dõng dạc đọc báo cáo về những công việc tiêu biểu của cả dòng họ thì bao giờ cũng có một phần nói về… hiến máu. Không nêu cụ thể là bao nhiêu người đi hiến máu, hiến được bao nhiêu đơn vị máu nhưng luôn có lời động viên những người tích cực nhất, hiến được nhiều lần nhất. Những ánh mắt của cả họ dồn về những con người ấy cùng những câu chúc mừng như một phần thưởng vô giá mà những người hiến máu nhận được. Linh thiêng và trang trọng!
Gia tộc họ Lê có hơn 200 năm định cư ở Tiên Lục, đây cũng là một trong những dòng họ lớn nhất của xã với khoảng gần 300 hộ gia đình sống rải rác ở khắp các làng trong xã. Có gia đình trong họ đã ở đây đến đời thứ 11. Phong trào hiến máu tình nguyện tuy chỉ mới bắt đầu được 8 năm trong dòng họ nhưng đã mang lại những hiệu ứng không ngờ. Ông Phùng nhớ lại thời điểm ban đầu khi mọi người còn chưa hiểu gì về hiến máu và thường cho rằng, mất một giọt máu là phải ăn… mấy bát cơm mới bù lại được. Ông tìm hiểu qua báo chí thì thấy rằng hiến máu không những không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể giúp được nhiều người trong lúc hoạn nạn. Vậy là ông tham gia ngay khi Hội chữ Thập đỏ của xã phát động. Cũng từ đó, ông tích cực vận động mọi người cùng tham gia hiến máu. Bắt đầu từ chính những người trong gia đình ông, cả một người con trai và hai cô con gái của ông cũng nhiệt tình hưởng ứng. Câu chuyện hiến máu đã trở thành đề tài thường xuyên trong nhà ông và lan dần sang các gia đình khác trong dòng họ. “Sống ở trên đời chẳng ai có thể khẳng định mình sẽ không bao giờ gặp phải hoạn nạn. Đặc biệt, đối với những người tai nạn, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết thì những giọt máu tuy nhỏ nhưng lại có giá trị cứu mạng sống cho người bệnh”, ông Phùng chia sẻ.
Hiến máu để… khẳng định sức khỏe
Trưởng công an xã Tiên Lục Nguyễn Đình Lâm vẫn nhớ như in những năm 2008 khi đang tập huấn công an xã ở thành phố Bắc Giang thì có đợt hiến máu tình nguyện, ban đầu ông cũng hơi nghi ngại. Nhưng sau đó được giải thích, ông tham gia ngay. Thật lạ, sau đó ông như cảm thấy… khỏe hơn, người khoan khoái hơn và đặc biệt là niềm vui, niềm hạnh phúc khi nghĩ tới những giọt máu của mình sẽ được mang đi để cứu sống những người khác đang trong lúc nguy cấp. Khi trở về với công việc cũ, ông cứ đều đặn mỗi năm hai lần tham gia vào các đợt hiến máu tình nguyện được tổ chức tại địa phương. Đến năm nay, đã có 17 lần những giọt máu của ông được truyền đi để góp phần mang đến cuộc sống cho những bệnh nhân thiếu máu.
Nhưng ông Lâm chỉ là người thứ hai trong dòng họ Nguyễn Đình tham gia hiến máu. Người đầu tiên tham gia hiến máu là ông Nguyễn Đình Phúc, hiện là giáo viên dạy tiếng Anh ở trường Tiên Lục và đã tham gia hiến máu từ những năm 2005.
Vì sao người dân ở một vùng quê heo hút này, cuộc sống cũng không có gì dư dả, kinh tế phụ thuộc chính vào làm nông nghiệp nhưng lại sẵn sàng hi sinh những giọt máu quý giá của mình cho đồng loại? Mang băn khoăn này hỏi anh Lâm thì anh chỉ cười: “Người dân trong dòng họ tôi đi hiến máu không phải vì tiền đâu mà trước hết là ủng hộ phong trào, thứ hai là để kiểm tra và chứng tỏ sức khỏe của mình còn rất tốt. Bên cạnh đó, cuối năm họp họ, những người hiến máu sẽ được tuyên dương trước toàn họ. Đây chính là những động viên lớn cho những người hiến máu trong dòng họ và lan tỏa tinh thần tình nguyện hiến máu của những người còn lại”, ông Lâm cho biết.
Chia sẻ những yêu thương, gắn kết dòng họ
Ông Lê Văn Phùng cho biết, cách thức tuyên truyền trong dòng họ về hiến máu cũng rất đơn giản. Trong những buổi họp họ, những đám cưới, đám giỗ, lên nhà mới… của các thành viên trong họ thì bản thân những người đã hiến máu lại trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực cho phong trào này. Họ thường nói về hiến máu như là một việc “được” ở nhiều thứ: được kiểm tra sức khỏe, được biết sức khỏe tốt hay xấu, được phong trào, được gắn kết dòng họ, gắn kết công việc, có nhiều lợi ích thiết thực với người đi hiến máu.
Theo anh Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hội chữ Thập Đỏ xã Tiên Lục, cả xã có đến 4 dòng họ hiến máu. Những dòng họ này dường như đang có một cuộc “chạy đua ngầm” với nhau rất đáng trân trọng theo tinh thần: Dòng họ nào có càng nhiều người đi hiến máu thì dễ chứng tỏ nhất là dòng họ đó có nhiều người khỏe mạnh, ít bệnh tật. Một điều dễ nhận thấy từ những người dân chân chất trong xã Tiên Lục là họ tự giác tham gia một cách vô tư nhất. Mỗi lần đi hiến máu, dòng họ Lê bỏ tiền ra thuê xe cho các thành viên đi lại. Còn anh Nguyễn Đình Lâm thì dùng ngay chiếc xe nhà mình để chuyên chở người hiến máu. Được một chút tiền hỗ trợ người hiến máu, họ lại đóng góp để cùng nhau ăn một bữa cơm vui vẻ, đầm ấm. Ngoài câu chuyện về công việc, con cái, gia đình… thì câu chuyện hiến máu luôn trở thành đề tài được quan tâm nhất. Cũng từ đó lan tỏa mãi những tấm lòng nhiệt huyết để thắp lên ngọn lửa của tình người cao đẹp.
Chủ nhật đỏ 2018, những con số
Tính đến hết ngày 14/1 có 19 tỉnh thành trên 31 tỉnh thành tham dự đã tổ chức Chủ Nhật Đỏ. Có 30 trên 60 điểm đăng ký đã tổ chức hiến máu. Tổng số lượng máu tiếp nhận được là 23.392 đơn vị máu, đạt 67% so với dự kiến đề ra của Chủ Nhật Đỏ năm 2018 là 35.000 đơn vị máu.
Thống kê của Hội chữ Thập đỏ xã Tiên Lục, hiện nay có 4 dòng họ tham gia tích cực phong trào hiến máu tình nguyện và đã được Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Bắc Giang tôn vinh là các dòng họ: Lê, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình và Trần Văn. Các dòng họ này đều đạt từ 55 đơn vị máu trở lên. Phong trào hiến máu ở Tiên Lục được đánh giá khá hiệu quả, đứng ở top đầu của tỉnh với trung bình mỗi năm đạt khoảng 140-150 đơn vị máu, riêng năm 2017, toàn xã đạt 203 đơn vị máu.