Những đóa hoa bất tử nơi Ngã ba Đồng Lộc

Di ảnh 10 nữ anh hùng Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh: Tư liệu)
Di ảnh 10 nữ anh hùng Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh: Tư liệu)
Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt nên gấm vóc Việt Nam, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Về nơi “tọa độ chết” năm xưa

Nhắc đến Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), chúng ta nghĩ ngay đến tấm gương anh dũng hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong khi họ mới mười tám, đôi mươi. Với tinh thần xả thân quên mình hiên ngang trước mưa bom, bão đạn, các chị chính là biểu tượng của truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Về Ngã ba Đồng Lộc vào những ngày cuối tháng 7, ấn tượng đầu tiên với du khách là màu xanh bạt ngàn trên đồi thông, những cánh đồng lúa đang thì con gái và vườn cây trái xum xuê. Đâu đó là tiếng cười, nói bi bô của trẻ thơ như xua tan cái nắng chói chang của miền Trung, khiến không gian yên bình đến lạ thường.

Trong khung cảnh ấy, khó có thể hình dung được 45 năm trước, nơi này lại được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “túi bom” mà đế quốc Mỹ thả xuống, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Thật không thể tin được chính trên mảnh đất này, trung bình mỗi mét vuông đất ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu tới 3 quả bom tấn. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống nơi này 48.600 quả bom các loại. Không thể tin được nhưng đó là sự thật mà Ngã Ba Đồng Lộc phải hứng chịu.

Trong những ngày gian khó đó, với tinh thần xả thân quên mình “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hơn 16.000 thanh niên xung phong cùng các lực lượng khác như bộ đội pháo binh, dân quân tự vệ, công an đã ngày đêm phá bom, mở đường cho xe tiến vào Nam. Sau mỗi lần bom địch đánh phá, hố bom lại nham nhở mặt đường, rất khó khăn cho xe qua lại.

Khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, nhiều đêm các anh, các chị thanh niên xung phong phải mặc áo trắng làm hàng rào, cọc tiêu dẫn lối cho xe qua an toàn. Mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong.

Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ trong bức thư gửi mẹ của chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng, Tiểu đội 4, Đại đội 552, thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh mà mỗi khi đọc lại, mỗi người không thể cầm được nước mắt: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. 

Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.

Trưa 24/7/1968 - cũng như mọi ngày, 10 cô gái thanh niên xung phong ra làm nhiệm vụ, sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - nơi 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom.

Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Càng khâm phục hơn khi đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra.

Thương xót người em, người đồng đội, nhà thơ Yến Thanh nghẹn ngào viết bài thơ: “Cúc ơi” trong lúc đồng đội tìm thi thể cô:

“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?...
….Gọi em,
Gào em
Khản cổ cả rồi
Cúc ơi!”

Những đóa hoa bất tử nơi Ngã ba Đồng Lộc ảnh 1 Cảnh trong phim "Ngã ba Đồng Lộc" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Những cái tên hóa thành bất tử

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức của cô Nguyễn Thị Xanh, em gái của nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Xuân thì chị Xuân của mình là người con gái xinh đẹp nhất. Chị còn nhớ chị Xuân da trắng, hay cười và tính tình rất hiền hậu.

Ngày chị hy sinh mới tròn 20 xuân xanh, cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Biết trước có thể xa gia đình bất cứ lúc nào, chị Xuân thường xuyên gửi thư về thăm hỏi cha mẹ và động viên em gái chăm sóc cha mẹ .

Mỗi lần nhớ lại những năm tháng hai chị em quấn quýt bên nhau, những giọt nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt của cô Xanh: “Nhà có hai chị em, nhưng chị nói để chị đi với các bạn lên đường nhập ngũ, em ở lại đừng đi mô cả, chăm sóc bố mẹ để chị lên đường cho yên tâm, khi mô chị chuyển ngành em muốn đi mô thì đi. Trong lúc làm ở gần đấy thì bố ốm, mẹ ốm chị cũng về được 1 lần, nếu không về được thì gửi đường sữa về cho bố. Nhưng chưa được 3 năm nghĩa vụ thì chị hy sinh. Ngày giỗ thì không nói nhưng ngày thường, tôi vẫn qua mộ thắp hương cho chị, chị thiêng lắm!”.

10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng, những cô gái bất tử bên dòng sông La đã hóa vào đất đá, tạo thành hoa lá tạo dệt nên màu xanh hòa bình của dân tộc. Tên của các chị đã hóa thành tên chung: 10 Cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, đại diện cho hàng trăm, hàng nghìn người từ mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trên vùng đất này.

Những giọt máu trong trắng của các chị đã thấm sâu vào đất mẹ, góp phần dựng lên biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Các chị thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau noi theo, để sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các chị.

Chị Đặng Thị Thùy, cháu dâu liệt sĩ Võ Thị Tần tự hào kể: “Về làm dâu trong gia đình, ngoài bố mẹ, tôi được chồng kể nhiều về sự hy sinh của o (cô – PV) Tần. Là phụ nữ, tôi thấy sự hy sinh của o rất vĩ đại, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, dân tộc. Tôi may mắn sống trong hòa bình, có gia đình trọn vẹn, không như o - giữ mãi tuổi thanh xuân, rất thiệt thòi. Tôi cảm phục và hứa làm những việc xứng đáng với sự hy sinh cao cả của o”.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 45 năm mà mới như ngày hôm qua. Ngày lại ngày, những đoàn người từ mọi miền Tổ quốc nối tiếp nhau đến viếng các chị và đồng đội của họ tại Ngã ba Đồng Lộc. Giữa dòng người ấy có cả những người đã từng vào sinh ra tử trên mảnh đất này. Mỗi lần về thăm lại chiến tuyến năm xưa lòng không khỏi nghẹn ngào, xúc động, thắp nén tâm nhang thể hiện niềm tiếc nhớ vô hạn đối với đồng chí, đồng đội của mình.

Bà Lương Thị Tuệ, cựu thanh niên xung phong từng làm nhiệm vụ phá bom, mở đường tại Ngã ba Đồng Lộc một thời xúc động nói: “Mỗi lần đến đây tôi thực sự xúc động, vì mình đã có gia đình, có con, được sống trong hòa bình; trong khi đồng đội đã ngã xuống khi đang ở độ tuổi xuân xanh”.

Nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã chiến đấu nay đã trở thành khu du tích lịch sử, với nhiều công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng như: Khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc… Phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong nằm ở lưng chừng đồi, cây cối đâm chồi, nảy lộc, làm mát những trái tim của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong đang nằm lại Ngã ba Đồng Lộc.

Tại khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc những ngày cuối tháng 7, chúng tôi cũng được gặp những thanh niên sống trong thời bình, khoác trên mình màu xanh áo lính, với chiếc mũ tai bèo đang trân trọng giữ gìn, bảo quản từng kỷ vật mà các anh chị đã để lại và say sưa giới thiệu cho du khách về chiến công huyền thoại một thời hoa lửa.

Anh Nguyễn Vĩnh Lưu, cán bộ Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, tự hào nói: “Tôi làm ở đây được 5 năm. Có nhiều công việc lựa chọn, nhưng muốn được làm việc ở đây, được làm điều mình muốn là giới thiệu cho mọi người đến tham quan sự hy sinh to lớn của các cô, các liệt sĩ”.

Xúc động, tự hào và không thể cầm được nước mắt khi tạm biệt Ngã ba Đồng Lộc, tạm biệt những đóa hoa bất tử. Thắp nén hương thơm và xin gửi lại các chị những chiếc gương soi, lược ngà và những chùm bồ kết mà ngày nào các chị vẫn dùng…

Chân bước đi mà lòng chẳng muốn rời. Hình ảnh của o Tần, o Cúc, chị Hợi, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hạ, chị Hường hay o Rạng, o Xuân o Xanh như vẫn còn đây, trẻ trung, tươi tắn nhưng hiên ngang khí phách lạ thường bên dòng sông La huyền thoại.

Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để dệt nên gấm vóc Việt Nam, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, là những bông hoa đẹp nhất trong các loài hoa… Tổ quốc sẽ mãi gọi các chị là những Đóa hoa bất tử.

Theo Theo VOV giao thông
MỚI - NÓNG