> Xăng sắp tăng thêm 1.300 đồng/lít?
Tuy nhiên“điểm mờ“ về thông tin giá xăng dầu, nghi ngờ về lượng nhập hàng thực tế của các DN vẫn đang là dấu hỏi.
Không tăng giá dùng thuế và Quỹ
Ngày 11-9, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định không tăng, giữ ổn định giá bán lẻ tất cả các chủng loại xăng, dầu như hiện hành đồng thời sử dụng các công cụ tài chính để giữ ổn định giá xăng, dầu trong nước .
Cụ thể giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu 2%, với mặt hàng dầu diezel từ 10% xuống 8% và giảm thuế nhập khẩu mặt hàng dầu madút, dầu hỏa từ 12% xuống 10%. Riêng thuế nhập khẩu xăng giữ nguyên ở
mức 12%.
Các DN kinh doanh xăng dầu được sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng là 500 đồng/lít, dầu diezel, dầu hỏa, dầu madút thêm 200 đồng/lít,kg, lên 500 đồng/lít. Cùng đó, tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít cho các DN.
Trở lại câu chuyện giá xăng dầu, mới thấy đến nay không có một số liệu chính thức nào từ các DN hoặc cơ quan quan lý đưa ra chứng minh để người dân biết, có sự đồng cảm với DN trong việc trong vòng 10 ngày, 30 ngày qua, tính từ thời điểm đề xuất tăng giá và được liên bộ cho điều chỉnh giá, DN đã nhập về bao nhiêu lô hàng, số lượng từng lô hàng là bao nhiêu, giá thế nào?
Báo cáo tháng 5 của Bộ Công Thương nêu rõ, mặt hàng nhập khẩu giảm lớn nhất về giá trị tuyệt đối là xăng dầu (giảm 1,192 triệu tấn và giảm 609 triệu USD so với cùng kỳ).
Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, hàng tồn kho nhiều, giá dầu thô trên thế giới biến động khó lường nên các doanh nghiệp thận trọng và chỉ nhập khẩu, dự trữ theo quy định. Một số mặt hàng khác cũng có lượng nhập khẩu giảm như dầu thô, khí đốt hóa lỏng, phân bón, ô tô nguyên chiếc các loại,...
Những điểm mờ
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia kinh tế khẳng định: “Còn những điểm chưa minh bạch về thông tin thị trường xăng dầu. Ngay như cách tính giá bình quân 30 ngày cũng cần xem xét.
Thực tế DN không nhập hàng liên tục trong cả 30 ngày mà chỉ nhập trong một thời điểm nào đó với số lượng nhất định, mức giá nhập và cả thời điểm tính thuế xuất nhập khẩu của từng mặt hàng cũng khác nhau.
Vì vậy, nếu tính chung giá bình quân của 30 ngày thì DN nào chỉ nhập một vài lần trong quãng thời gian đó sẽ được hưởng lợi nếu giá thế giới liên tục tăng cao.
“Điều cần làm rõ trong lĩnh vực xăng dầu hiện nay là hạch toán mức giá xăng dầu thực nhập của từng DN là bao nhiêu chứ không nên tính chung theo mức giá công bố trên sàn giao dịch Singapore. Toàn bộ chu trình tính giá thực nhập của DN vẫn đang mù mờ nên có câu chuyện DN kêu lỗ hay lãi cũng đều được cả" - chuyên gia này nói.
Cụ thể hơn, ông phân tích: Các chi phí quản lý hoạt động của DN xăng dầu hiện chưa rõ ràng và không ai nắm rõ trong đó yếu tố nào tính vào giá xăng dầu thông qua chi phí định mức.
Việc rót vốn, lợi nhuận thu được từ lĩnh vực kinh doanh chính sang lĩnh vực kinh doanh khác sẽ ảnh hưởng thế nào đến chi phí, giá thành xăng dầu thì người dân không ai đánh giá được hoặc không được biết. Đơn cử như Petrolimex hiện còn đầu tư vào các lĩnh vực như ngân hàng, kinh doanh khác.
Cuối cùng, chuyên gia kết luận: "Cùng với việc được trao quyền định giá xăng dầu, về nguyên tắc DN xăng dầu đầu mối phải có trách nhiệm minh bạch thông tin, giá cả hàng nhập của mình để người dân có thể theo dõi và so sánh tính hiệu quả của từng doanh nghiệp. Chừng nào chu trình trên chưa minh bạch, mù mờ thì khó nói được điều gì".
Đánh giá tác động giá xăng dầu đến ngư dân Ngày 11-9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng Cục trưởng Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết, đang cho khảo sát, đánh giá tác động xăng dầu tăng giá với ngư dân. Cụ thể: Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các đơn vị đi khảo sát, nắm tình hình, cùng với địa phương, bà con ngư dân khắc phục khó khăn trước mắt. Nếu giá dầu tăng cao, khiến việc ra khơi của ngư dân quá khó, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách với Chính phủ để hỗ trợ, trên cơ sở phù hợp với tình hình, đặc thù của ngành khai thác cũng như khả năng Chính phủ. |