Những điểm đón trung thu hấp dẫn

Trẻ em trải nghiệm rằm trung thu tại sân Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Bảo Hân.
Trẻ em trải nghiệm rằm trung thu tại sân Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Bảo Hân.
TP - Trung thu ở Hoàng thành Thăng Long đầy đủ cả xem lẫn trải nghiệm vui chơi. BTC giới thiệu chùm ảnh Tết trung thu trong bộ tranh khắc của Henri Oger, phục dựng một số đồ chơi trung thu cổ nhờ tư liệu ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Al Kant. Nhà nghiên cứu dân gian, nghệ nhân có mặt để trò chuyện với các bé về tết Trung thu.

Trung thu ở Hoàng thành từ 28/9 tới 4/10, đêm bế mạc dành cho trẻ phá cỗ ngay sân Đoan Môn. Khu vực này cũng diễn ra múa rối nước, rối cạn, múa sư tử. BTC bố trí khu trải nghiệm và tương tác làm đồ chơi trung thu dân gian do các nghệ nhân nổi tiếng hướng dẫn, có sự giúp sức của 180 tình nguyện viên.

Thu Vọng nguyệt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám từ 17-22h các tối 29/9 đến 1/10. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam kết hợp họa sỹ Lê Thiết Cương, nhạc sỹ Quốc Trung làm nên chương trình nghệ thuật quy tụ nhiều nghệ sỹ, ca sỹ, nhà thiết kế. Các nghệ sỹ sắp đặt hàng đầu tham gia màn trình diễn “Dòng sông ánh sáng” kết hợp với sưu tập áo dài truyền thống của một số nhà thiết kế.

Các em nhỏ trải nghiệm các trò chơi truyền thống, tương tác với nghệ nhân làm đèn ông sao, kéo quân, làm mặt nạ giấy bồi, nặn tò he. Một số nghệ nhân trình diễn nghệ thuật cắt tỉa, sắp đặt rau củ quả, bày cỗ trung thu, làm bánh truyền thống, đùm cốm lá sen. Nghệ nhân ẩm thực của nhiều làng nghề cũng khoe tay nghề dịp này. BTC mời một số nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử nói chuyện về tết trung thu xưa.

Sắc màu văn hoá Đồng Tháp là chủ đề tại Bảo tàng Dân tộc học 30/9 và 1/10. Khách đến tìm hiểu nét văn hoá của con người vùng sông nước như xem trình diễn hò Đồng Tháp, dệt choàng Hồng Ngự, hướng dẫn làm đèn trung thu từ lon sữa bò, tết lá dừa. Ẩm thực đất sen có: gỏi ngó sen, chả giò sen, cơm trộn sen, cơm vắt huyết rồng. Bảo tàng vẫn duy trì một số hoạt động như múa lân sư, hướng dẫn làm bánh dẻo, cốm Vòng, cắt tỉa hoa quả, làm đồ chơi dân gian, các trò chơi dân gian truyền thống.

Quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình có Liên hoan du lịch-hội chợ triển lãm thương mại nghề truyền thống từ 1-10/10, hơn 200 gian hàng. Hoạt động đáng chú ý là không gian tái hiện làm cốm, làm bún, nghi lễ rước cốm, liên hoan văn hoá dân gian, trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ Đêm hội trăng rằm đúng đêm rằm.

Các nhà hát cũng sáng đèn đều đặn dịp này với các vở diễn lấy cảm hứng dân gian. Nhà hát kịch Việt Nam diễn Ăn quả trả vàng không chỉ ở riêng rạp của nhà hát, còn tới Thanh Xuân, Từ Liêm, Long Biên thậm chí trường Mầm non Đống Đa phục vụ. Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt vở mới Hai viên ngọc thần lấy cảm hứng từ truyện Dã tràng do NSND Tuấn Hải dàn dựng. Nhà hát Tuổi trẻ dựng vở Dạ tiệc đêm rằm, kịch thiếu nhi kể về hành trình các em nhỏ giúp Bụt đi tới sáu hành tinh khác nhau, nhóm bạn vượt qua thử thách để tìm chìa khoá trao cho Hằng Nga mở cánh cửa mặt trăng chiếu sáng đêm rằm.  

Lễ hội thành Tuyên 2017 quy mô lớn hơn thường lệ, do tổ chức Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất, từ 29/9 đến 4/10. Sự kiện được mong chờ nhất là lễ diễu hành của 70 xe mô hình trung thu đêm 30/9. Những cỗ xe trung thu khổng lồ với nhiều tạo hình từ tích dân gian, địa danh lịch sử theo lộ trình từ Quảng trường Nguyễn Tất Thành qua các tuyến phố chính của thành phố Tuyên Quang. 

MỚI - NÓNG