Những dấu lặng miền sơn cước - Kỳ 3: Những hệ lụy buồn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng gia tăng nhưng không được báo cáo đầy đủ lên chính quyền địa phương, kéo theo nhiều hệ luỵ đáng buồn.

Điệp khúc: Yêu – đẻ - bỏ

Dưới cơn mưa chiều lạnh lẽo, ngồi nép mình trong căn nhà gỗ đơn sơ của bà KaSá KThị Diệu (54 tuổi) ở thôn Bockabang (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi lắng nghe câu chuyện buồn về đứa con gái đã lấy chồng sớm của bà. Bế trên tay hai đứa cháu, bà KThị Diệu trải lòng: “Chúng nó quen biết khi đi làm xa, yêu nhau, dắt về nhà rồi lấy, cha mẹ cấm cản nhưng có nghe lời ai đâu!”.

Được biết, con gái bà là KaSá En… (SN 2000). Từ năm lớp 9, Endry đã bỏ học đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tại đây, em tình cờ quen biết bạn trai tên My Z… (SN 1999). Hai người thành vợ chồng khi En… mới 16 tuổi.

Những dấu lặng miền sơn cước - Kỳ 3: Những hệ lụy buồn ảnh 1

Mang đến sự đủ đầy và nụ cười hạnh phúc cho các em đang là nỗ lực của cả hệ thống chính trị

Năm nay vừa tròn 23 tuổi nhưng En… đã làm vợ hơn 6 năm và là mẹ của 2 đứa con gái. Chuyện tình yêu không giống màu hồng trong tưởng tượng khi đôi vợ chồng trẻ bắt đầu chìm trong guồng quay mưu sinh. Sau khi đẻ đứa con gái thứ 2, cuộc hôn nhân của En… tan vỡ, chồng bỏ đi biệt tích, để lại gánh nặng lên vai En… cùng những đứa con thơ bơ vơ.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương cho biết, để giảm thiểu những hệ lụy đáng tiếc cũng như nâng cao nhận thức về vấn đề kết hôn và sinh con, Đoàn xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chủ động đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động trong chị em phụ nữ, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín tại các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, cán bộ chính quyền và đoàn thể cấp thôn; lắp đặt các pano, phát trên loa, đài những hậu quả, hệ lụy của tình trạng này gây ra, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình.

Không thể dựa dẫm vào bà ngoại, En… đi làm thuê bất kể ngày đêm. Có những tháng liên tục tăng ca cô cũng chỉ kiếm được 5 triệu đồng, sau đó gửi hết tiền về cho bà trang trải học phí, tiền sữa, tiền ăn... nuôi các cháu. Bà KThị Diệu rất mực thương con, nhưng đành bất lực vì tuổi già sức yếu, chỉ phụ được vài việc đồng áng, trông nom con cháu trong nhà.

Câu chuyện của em M’N (SN 2004, trú tại xã Ka Đô) cũng buồn không kém. Năm 16 tuổi, em được một người con trai khác thôn làm quen qua mạng xã hội facebook. Sau 3 ngày nói chuyện, M’N gặp gỡ chàng trai ở ngoài đời và quyết định hẹn hò. Yêu chưa được bao lâu, M’N hỏi xin cha mẹ cho em cưới chồng. Do thấy con gái còn nhỏ, gia đình ra sức phản đối. Không nhận được sự đồng ý, M’N dọn đồ đạc bỏ nhà đi cùng bạn trai.

Sau nhiều ngày mất liên lạc, gia đình tìm kiếm M’N đủ mọi cách như trình báo công an, hỏi thăm bạn bè, tìm đến các địa điểm con có thể tới... Cuối cùng, nhờ vào việc đăng tải bài viết thông báo con mất tích trên mạng facebook, được sự giúp sức chia sẻ từ cộng đồng mạng, thông tin đến tai đôi tình nhân trẻ. Nhận thấy sự việc đã nghiêm trọng, bạn trai mới đưa M’N trở về nhà. Sau 1 tháng con kiên quyết muốn lấy chồng, cha mẹ cô cũng đành phải chiều lòng con gái. Hiện tại, M’N đang là mẹ của đứa con gái 1 tuổi, hai vợ chồng chủ yếu làm công việc nương rẫy kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dù mới chỉ bước qua tuổi 19, khác với bạn bè đồng trang lứa, khuôn mặt M’N lộ rõ vẻ cơ cực vất vả với nhiều nỗi lo toan.

Những dấu lặng miền sơn cước - Kỳ 3: Những hệ lụy buồn ảnh 2

Những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa bước đầu tiếp cận với môi trường giáo dục mầm non

Những con số chưa nói hết

Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, lần theo danh sách báo cáo của Phòng tư pháp huyện Đơn Dương, trong năm 2022 và quý I/2023 trên địa bàn huyện này có hơn 200 đứa trẻ đăng ký khai sinh nhưng đều không xác định được cha. Đặc biệt, xã Tu Tra có đến 44 đứa trẻ, trong đó nhiều trường hợp là sản phẩm của tình trạng tảo hôn, một số ít do hôn nhân cận huyết thống nhưng không được báo cáo lên thôn, chính quyền địa phương.

Theo ông K’Bril (SN 1988, dân tộc K’ho), trưởng thôn Kambutte (xã Tu Tra), địa phương hiện đang là thôn duy nhất không xảy ra trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cũng theo ông K’Bril, trong thời gian qua, ông quan sát và nhận thấy thôn Đa Hoa (xã Tu Tra) có hơn một nửa số dân trong thôn lấy nhau cận huyết thống. Tuy nhiên, những trường hợp này không được dòng tộc tiết lộ, che giấu chính quyền địa phương.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi liên lạc với ông Hawen (SN 1965), trưởng thôn Đa Hoa. Ông Hawen một mực khẳng định, thực tế tại địa bàn thôn vẫn xảy ra một số trường hợp đôi trai gái đám cưới khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Do họ đi làm xa, thôn không nắm hết được. Nhưng hôn nhân cận huyết thống, ông Hawen cho biết từ lâu đã không còn tái diễn trong thôn.

Bà Lê Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra nhìn nhận, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở thời điểm hiện tại đời sống bà con đã phát triển và có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, với một xã vùng sâu vùng xa như Tu Tra, những hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại. Ngay khi nắm được các trường hợp tảo hôn trên địa bàn, xã đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể xuống tận nơi làm việc với các dòng họ, dòng tộc các gia đình. Tuy nhiên, ngoài những gia đình chấp hành tốt theo tuyên truyền, vẫn còn một số trường hợp tảo hôn xảy ra không được người dân báo cáo lên chính quyền nên không thể nắm hết. Chẳng hạn, có trường hợp khi phát hiện các em đã mang thai, nếu để công an vào cuộc, vì tâm lý sợ hãi các em sẽ đi phá thai, đôi khi nhà nước vẫn xử lý các vi phạm theo phương diện tình cảm, không dứt khoát được.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương cho biết, hiện nay các mạng xã hội như Zalo, facebook, ứng dụng hẹn hò… rất phát triển. Đây là cơ hội cho các trẻ em gái trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và nắm bắt thông tin mới, áp dụng cho đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức đối với các em mới bước vào tuổi dậy thì, muốn khám phá, yêu đương trên mạng… Tuổi trẻ còn nhiều bồng bột, nghe lời ngon ngọt…dễ dính cạm bẫy, ảnh hưởng đến việc học tập và tương lai của các em.

Đáng nói, theo bà Hà, có một nghịch lý, công tác tuyên truyền liên tục được thực hiện, phổ biến rộng khắp trên địa bàn, đồng bào dân tộc thiểu số đa phần đã tiếp cận những kiến thức về độ tuổi được phép kết hôn, sinh con. Nhưng những thông tin thiết thực, bổ ích đó không thấm, không ngấm được trong nhận thức của họ bằng qua các trang mạng xã hội. Thế nên, tình trạng kết hôn sớm khi đang trong độ tuổi vị thành niên lại có nguy cơ tăng cao và ngày càng khó kiểm soát.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.