Thông tin hậu vệ Đoàn Việt Cường xin thử việc tại CLB TPHCM mấy ngày vừa qua khiến những ai thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam phải giật mình. Sở dĩ nói thế là bởi Việt Cường đã hoàn toàn xa rời bóng đá chuyên nghiệp trong suốt 2 năm vừa qua, và việc hậu vệ này bất ngờ “tái xuất giang hồ” hẳn không phải chỉ vì đam mê bóng đá vẫn còn cháy bỏng.
Việt Cường thuộc thế hệ cầu thủ đã cùng ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008 cách đây 9 năm. Khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam còn ở giai đoạn đỉnh cao, Việt Cường từng được sở hữu nhiều bản hợp đồng với những đội bóng nổi tiếng lắm tiền nhiều của như HAGL, Navibank SG hay Sài Gòn Xuân Thành.
Vì thế, nếu nhìn nhận ở khía cạnh tài chính đơn thuần, Việt Cường lẽ ra phải là một trong những cầu thủ giàu có nhất của bóng đá Việt Nam, và nếu có khả năng quản lý thật tốt số tiền khổng lồ từng có, hiện tại Việt Cường có thể đã an nhàn với một công việc khác chứ không phải xỏ giày thử việc tại CLB TPHCM, đội bóng mà quyền Chủ tịch Lê Công Vinh chính là đồng đội cũ của Việt Cường trong thành phần ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008.
Từ chuyện của Việt Cường mới thấy không phải cầu thủ nào thuộc thế hệ vô địch bóng đá Đông Nam Á năm 2008 cũng có cái kết viên mãn, hoặc chí ít là chấp nhận được, ở đoạn cuối của cuộc đời cầu thủ. Hầu hết những cầu thủ của thế hệ này đều đã chuyển sang công việc huấn luyện như thủ môn Dương Hồng Sơn, tiền đạo Việt Thắng, tiền vệ Minh Phương, hoặc vừa huấn luyện vừa thi đấu như trung vệ Như Thành, hay thậm chí làm quản lý như tiền đạo Công Vinh.
Cũng có những người hiện vẫn còn chơi bóng như Minh Châu (Hải Phòng) hay Tấn Tài (B.Bình Dương), Vũ Phong (SHB Đà Nẵng), nhưng trừ Vũ Phong vẫn là trụ cột ở SHB Đà Nẵng, cả Minh Châu hay Tấn Tài đều không còn là “kép chính” tại CLB của mình do gánh nặng tuổi tác.
Lẽ ra danh sách này còn có hậu vệ Quang Thanh (Long An), nhưng do dính án treo giò 2 năm sau sự cố cùng đội Long An lãn công ở V-League 2017, nên sự nghiệp cầu thủ của Quang Thanh đã chấm dứt sớm hơn so với dự kiến.
Với một nền bóng đá mới chỉ có duy nhất một chức vô địch ở quy mô khu vực sau gần 30 năm hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế như bóng đá Việt Nam, thế hệ cầu thủ làm nên lịch sử ở AFF Cup 2008 tưởng như phải có một cuộc sống lý tưởng để làm gương phấn đấu cho các thế hệ đi sau, nhưng cuối cùng thì chẳng mấy người trong số này có được cái kết như ý khi treo giày.
Tuy nhiên, xét đến cùng thì điều này cũng chẳng phải là quá bất ngờ, bởi những ai thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam đều biết rất nhiều cầu thủ của chúng ta sau khi treo giày luôn gặp khó khăn với vấn đề mưu sinh.
Ở nước ngoài, đặc biệt là những nơi có nền kinh tế xã hội phát triển, các cầu thủ thường duy trì học văn hóa song hành với luyện tập bóng đá, thậm chí tại một số nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì nếu người nào chơi bóng giỏi sẽ nhận được học bổng vào Đại học, và ĐTQG Nhật Bản hoặc Hàn Quốc có không ít cầu thủ xuất thân từ trường Đại học.
Còn tại Việt Nam, các lò đào tạo thường tập trung huấn luyện cầu thủ khi các em mới ở độ tuổi lên 10, và dù việc học văn hóa của các em vẫn được tiến hành, nhưng chúng ta đều hiểu rằng ở tuổi mới lớn như vậy mà phải sống xa gia đình, lại còn mất sức cho các buổi tập luyện và thi đấu bóng đá, nếu em nào không có nghị lực thật tốt thì khó lòng đạt được kết quả tốt trong lĩnh vực học vấn.