Tỉ thí chân của xứ tỉ dân
Thử thách "đo chân dài hơn" diễn ra tại những nơi có cầu thang rộng rãi vào lúc vắng vẻ để tránh ảnh hưởng tới người khác. Những người tham gia đồng thanh "Xem chân bạn kỳ diệu đến mức nào" và đặt chân lên từng bậc thang để thấy độ dài của đôi chân.
Cuộc chơi tiếp tục cho đến khi tìm được người chiến thắng với chân đặt lên bậc thang cao nhất. Thử thách này được bắt nguồn và đang "gây bão" trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Clip đo chân dài hơn này nhanh chóng thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem, 25 nghìn like và nhiều bình luận chỉ sau một ngày đăng tải.
Trước đó, trên mạng xã hội của Trung Quốc từng có nhiều cuộc so chân dài, đọ dáng chuẩn với những tiêu chuẩn, điều kiện thử thách giàu tính giải trí hơn là cơ sở khoa học, nhưng vẫn thu hút được nhiều người đủ các tầng lớp khác nhau tham gia. Bên cạnh những bình luận cảm thấy vui vẻ, thú vị với những trào lưu này, phần lớn đều đồng tính cho rằng phái nữ không nên mất thời gian, suy nghĩ cho những hành động vô bổ, không có căn cứ này.
Gần nhất, năm 2017 là thử thách dùng chân đóng nắp cốp sau xe ô tô. Thử thách này được cho là khởi xướng từ bà mẹ trẻ một tay bế con, một tay cầm túi xách đã dùng chân đóng cốp sau xe hơi. Sau đó, nhiều cô gái đã dùng đủ các kỹ thuật thực hiện thử thách này như trồng cây chuối, uốn cong chân...
Năm 2016, cũng trong bộ phận trẻ Trung Quốc rộ lên trào lưu "chân iPhone6". Khi đó, “chân iPhone6” đã trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc với hơn 50.000 lượt bình luận. Cách thực hiện đơn giản, chỉ việc chụm hai đầu gối lại và giữ chiếc Iphone6 thăng bằng. Nếu chiếc iPhone6 che hết hai đầu gối thì người đó sở hữu một đôi chân thon đẹp. Ngoài ra, còn có thử thách đo "chân bạn dài bằng bao nhiêu người".
Nhanh đến, vụt đi và bị "ném đá"
Cộng đồng mạng cũng từng chứng kiến nhiều trào lưu, thử thách xuất hiện như bão thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều người. Nhưng cũng nhanh chóng vụt đi và phai dần nhường chỗ cho những trào lưu khác.
Đáng kể nhất năm 2015 với sự nở rộng của trào lưu so tỷ lệ cơ thể đủ các bộ phận, phần nhiều các trào lưu đều xuất phát từ đất nước hơn tỷ dân Trung Quốc. Đó là thử thách "chạm tay đến rốn đo eo thon" - bắt nguồn từ trang mạng Weibo (Trung Quốc), rồi lan ra nhiều nước trên thế giới. Theo ước tính của Daily Mail chỉ trong ba ngày đầu tiên, thử thách này có hơn 130 triệu người trên toàn thế giới tham gia.
Thử thách này cũng đã thu hút được nhiều người trẻ Việt Nam tham gia thử thách. Không chỉ có các bạn trẻ mà có cả các ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng cũng thi nhau tham gia và đưa ra lời thách thức. Không ngừng lại "chạm tay đến rốn đo eo thon", thử thách này còn biến tướng khi các thiếu nữ thách nhau "chạm tay đên ngực".
Thử thách đặt đồng xu lên xương đòn (xương quai xanh) đo độ gợi cảm. Ai đặt càng được nhiều đồng xu càng chứng tỏ thân hình gợi cảm. Với cách đo này, người có vai nhỏ, xương đòn nhô cao được cho là gợi cảm, khác hẳn tiêu chuẩn đẹp của phụ nữ trước đây là cổ cao ba ngấn đầy đặn.
Trào lưu kiểm tra tỉ lệ khuôn mặt bằng ngón tay. Người chơi sẽ đặt ngón tay trỏ sao cho chạm cằm và mũi. Nếu ngón tay chạm môi, nghĩa là bạn “đẹp”. Nếu không chạm môi, nghĩa là bạn không phải là người có khuôn mặt lý tưởng. Thử thách này thu hút đông đảo các bạn nữ tham gia và cả những đấng mày râu.
Mới đây, trên mạng xã hội cũng xuất hiện những thử thách "ngực chạm tường" dành cho phái nữ nhằm phô diễn thân hình đồng hồ cát. Người tham gia thử thách này cần đứng thẳng người, sau đó dần hạ thấp mông xuống, sao cho ngực vẫn chạm sát vào tường.
Tuy nhiên, thử thách này cũng nhận được không ít ý kiến cho rằng, đây thực chất là màn khoe thân trá hình; kém duyên bởi vòng một, vòng ba của người thực hiện thử thách đập thẳng vào mắt người nhìn. Ngoài ra, có nhiều bình luận kém duyên khiến trào lưu này bị đánh giá thấp.
Trước những trào lưu so sánh tỷ lệ cơ thể trên mạng xã hội như sự cân đối của gương mặt, cơ thể bằng tay... các chuyên gia tâm lý, y học cũng đã có những cảnh báo.
Điển hình với trào lưu "vòng tay chạm rốn" Jolene Tan, một nhà nghiên cứu xã hội ở Singapore, cho rằng: Những bức ảnh khoe chạm tay tới rốn có thể khiến mọi người vui vẻ, nhưng đôi khi cũng gây ra hiệu ứng tâm lý không tốt, thậm chí phát cuồng. Thử thách này giống với việc khuyến khích bệnh rối loạn ăn uống và “làm méo mó” tiêu chuẩn cái đẹp của xã hội; “chạm tay vào rốn” không có nghĩa sở hữu thân hình thon thả mà chỉ là có cánh tay dài và mềm dẻo.
BS. Lê Trọng, chuyên gia tư vấn về sức khỏe, cho hay: “Thực ra, vòng tay chạm rốn không thể hiện điều gì. Hình thức, vóc dáng của con người không phụ thuộc vào cánh tay dài hay eo thon nhỏ. Các bạn trẻ không nên sa đà vào những trào lưu kiểu này vì vừa mất thời gian vừa khiến người khác hiểu không hay về mình”.
TS. Nguyên An Chất, Giám đốc Cty Tâm lý An Việt Sơn cũng cảnh báo những trào lưu này tuy để giải trí nhưng dễ gây tổn thương về tâm lý, dẫn đến mất niềm tin vào cuộc sống và thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người tham gia thử thách.