Những cửa ải

Những cửa ải
TP - Các quy định về thời gian cống hiến và quy định quá lệ thuộc vào Giải - Huy chương Vàng, khiến nhiều nghệ sĩ tài danh của những ngành “khó” thiệt thòi.

Phong tặng danh hiệu nghệ sĩ:

Những cửa ải

Nghề múa thời gian biểu diễn ngắn, nhiều người sớm phải chia tay sàn diễn
Nghề múa thời gian biểu diễn ngắn, nhiều người sớm phải chia tay sàn diễn.

Việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ lần thứ 7 đang tới công đoạn xét duyệt ở vòng trên. Hơn bao giờ hết, ngoài sự công tâm, vô tư của những người được trao quyền lựa chọn, còn phải có độ tỉnh táo và cách đánh giá dựa trên thực tế đa dạng của đời sống nghệ thuật.

Thời gian vời vợi…

Quy định của Thông tư gây không ít băn khoăn khi đưa ra tiêu chí thời gian. Theo đó, NSND phải có thời gian hoạt động nghệ thuật 20 năm trở lên (riêng xiếc 15 năm), với NSƯT là 15 năm (xiếc là 10 năm). Dễ thấy kể cả xiếc có được lưu tâm thì quy định này vẫn khó đối với các nghệ sĩ xiếc và múa. Tuổi nghề đã ngắn nhưng thực tế tuổi biểu diễn còn ngắn hơn, có khi chỉ chục năm trên sân khấu thì cơ đã chùng, gân đã mỏi, nếu tiếp tục công tác thì cũng khó có khả năng và cơ hội tiếp tục biểu diễn. Theo NSND Chu Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam thì nhiều nghệ sĩ sau thời gian biểu diễn, thường chuyển sang học biên đạo, hoặc giảng dạy, hoặc sang công tác trong ngành văn nghệ quần chúng, văn hóa cơ sở… Như vậy có thể đặt câu hỏi, nếu nghệ sĩ có Huy chương Vàng trong biểu diễn và sau này có “Vàng” trong dàn dựng, sáng tác thì sẽ được tính như thế nào? Chẳng lẽ vẫn cứ phải đủ thời gian? Còn những người đã theo ngạch cơ sở thì có khi chỉ đủ cơ hội cho danh hiệu NSƯT, còn NSND thì quá xa vời!

Nghề xiếc gặp nhiều hạn chế về tuổi nghề, tuổi diễn, tính rủi ro cao, còn ít cơ hội thi thố
Nghề xiếc gặp nhiều hạn chế về tuổi nghề, tuổi diễn, tính rủi ro cao, còn ít cơ hội thi thố.

Riêng với ngành xiếc, thực tế việc xét tặng càng cho thấy bộ môn này chịu nhiều thiệt thòi khi số NSND quá ít ỏi so với các ngành khác. Đáng chú ý, xiếc cũng được coi là một bộ môn sân khấu nhưng lâu nay chỉ có các hội diễn sân khấu toàn quốc, phía ca múa nhạc cũng có hội diễn của mình, còn xiếc thì không. Giao lưu nghệ thuật thế giới phát triển, các nghệ sĩ xiếc được thi thố nhiều hơn trong và ngoài nước, tại các liên hoan xiếc quốc tế và khu vực, những thành tích của họ sẽ được tính thế nào? NSND Thái Mạnh Hiển – người được ghi nhận với sự nghiệp “Nam tiến” để gây dựng, phát triển nghệ thuật xiếc phía Nam, thường nhắc đến các nghệ sĩ xiếc, ảo thuật hoạt động tự do trong đó như một lực lượng tích cực phát triển nghệ thuật, phục vụ xã hội. Với những con người đó thì không hiểu bao giờ mới đến lượt?

Thành tích xa xôi…

Cũng “thiếu hội diễn” như xiếc còn có đội ngũ nhạc công dàn nhạc giao hưởng và dân tộc, nghệ sĩ thính phòng, nhạc kịch, ballet. Theo nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn – Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, họ không thể có huy chương vì không có cuộc thi nào dành cho chuyên ngành của họ, mặc dù lĩnh vực này đòi hỏi nghệ sĩ phải có thời gian đào tạo rất dài. Để được NSƯT, ngoài thời gian, phải có ít nhất 2 HCV quốc gia hoặc quốc tế. Với NSND phải có ít nhất 2 HCV quốc gia hoặc quốc tế sau khi đã được phong NSƯT.

Theo ông Hoàn thì việc có “Vàng” không đơn giản vì hội diễn toàn quốc chỉ 5 năm/lần, “Vàng” thường dành cho vai chính. Có thể dẫn thêm trường hợp của các nhạc công chèo, tuồng, kịch dân ca hay dàn nhạc đệm của các đơn vị ca múa. Liên hoan, hội diễn thì đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ và tổng thể vở diễn được xét, còn những người bằng sáo, nhị, đàn… góp phần nâng cánh tiếng hát nghệ sĩ và góp âm thanh vào thành công chung của vở thì đâu được tính!

Rõ ràng tiêu chí đánh giá không thể chỉ quá căn cứ vào thời gian và giải Vàng. Thực tế hoạt động và thành tích trong nghệ thuật còn nhiều điều cần hiểu thấu đáo để đánh giá một nghệ sĩ. Nếu chỉ đề cao giải Vàng thì các nghệ sĩ được nhiều giải Bạc chắc cũng không hy vọng!? Cần tạo cơ chế rộng mở cho các nhạc công được thi thố và ghi nhận những tài năng xứng đáng. Cũng như cần chú ý hơn đến đội ngũ nghệ sĩ – nhà báo làm các chuyên mục nghệ thuật trong các đài truyền hình, phát thanh… Phải có cách đánh giá với đội ngũ đó như thế nào để đảm bảo sự bình đẳng?

Các quy định cần sát hơn để những người xứng đáng thì không bị thiệt thòi, không phải ganh đua, phấn khởi nhận danh hiệu và thanh thản vì mình không phải làm “động tác phụ”.

Biết rằng với những danh hiệu cao quý không thể dễ dãi. Nhưng tiêu chí đưa ra cần sát với đặc thù và thực tế các ngành nghề thì việc xét tặng mới có thể thực sự là cuộc sàn lọc để chọn ra những gương mặt ưu tú nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG