Trong những năm gần đây, để giải quyết tình trạng ùn tắc, thành phố Hà Nội đang tập trung thúc đẩy, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm. |
Sau hơn 4 năm thi công, tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy đã hoàn thiện trên 90%. Dự án có chiều dài khoảng 5,1km, quy mô 4 làn xe chạy với vận tốc cho phép 80km/h. Tuyến đường sẽ nối liền 3 quận trung tâm gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng dự kiến vào tháng 12 năm nay, các phương tiện ôtô đi theo hướng từ Ngã Tư Sở đi cầu Vĩnh Tuy sẽ di chuyển hoàn toàn trên cao để ra khu vực ngoại thành, giúp giảm ùn tắc nhiều năm qua tại điểm đen giao thông này. |
Tuyến đường sắt nội đô đầu tiên của Thủ đô là Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng sau hơn chục năm xây dựng đã phần nào góp phần giảm ùn tắc giao thông tại tuyến đường cửa ngõ phía Tây của Hà Nội. |
Nút giao thông phía đông Thủ đô là đường cao tốc 5B đã kết nối Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm Hải Phòng - Quảng Ninh. |
Giữa tháng 10/2020, công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội đã hoàn thành sau hơn 2 năm xây dựng. Việc khánh thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được xây dựng phía trên đường Phạm Văn Đồng hiện nay giúp đưa vào khai thác thêm gần 4,6km đường Vành đai 3 đi trên cao theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tiếp nối với hơn 10 km đường trên cao thuộc đường Vành đai 3 từ Pháp Vân đến Mai Dịch được đưa vào khai thác từ những năm trước. |
Hầm chui đầu Đại lộ Thăng Long xanh mướt với màu xanh của cây cảnh và dây leo vùng nhiệt đới. |
Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những công trình trọng điểm cấp bách của thành phố Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào tháng 6 năm 2023 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy với tổng chiều dài cầu và đường dẫn 3,47km sẽ có 8 làn xe lưu thông theo hướng từ trung tâm thành phố Hà Nội sang Long Biên và ngược lại. |
Khi khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Thủ đô tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố. Đồng thời, dự án sẽ giảm bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Hà Nội, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3. |
Hạ tầng giao thông Hà Nội ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại, là tiền đề vật chất quan trọng để phát triển đô thị bền vững. |
Trên tuyến đường Vành đai 3, hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng sau 2 năm thi công. Theo thiết kế, hầm chui dài 475m, trong đó phần hầm kín dài 95m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380m với 4 làn xe. Tại đây sẽ hình thành nút giao thông có 3 tầng xe chạy, kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực. Đây là hầm chui thứ tư của Hà Nội đi vào hoạt động |
Hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu nhìn từ trên cao sau khi được khánh thành chào mừng 68 năm ngày giải phóng Thủ đô. |
Gần đây nhất, ngày 6/10, hầm chui Giải phóng - Kim Đồng được khởi công với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, xây dựng trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025. Dự án có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890m. Hầm chui qua nút giao Kim Đồng - Giải Phóng là một trong những mối nối trọng yếu của toàn tuyến Vành đai 2,5, là một thành phần của nút giao phức tạp bậc nhất Hà Nội trong tương lai, khi tại vị trí xung yếu này còn có đường sắt đô thị đi qua. |