Những con số giật mình

Thanh niên dễ lách luật khi vi phạm luật giao thông (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Xuân Phú
Thanh niên dễ lách luật khi vi phạm luật giao thông (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Xuân Phú
TP - Về suy nghĩ có tới 95% thanh niên cho rằng tính liêm chính quan trọng hơn giàu có, nhưng về hành động có 30 - 40% sẵn sàng tham nhũng, hối lộ nếu mang lại lợi ích cho bản thân.

> Ngăn bạo lực từ xa

Thanh niên dễ lách luật khi vi phạm luật giao thông (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Xuân Phú
Thanh niên dễ lách luật khi vi phạm luật giao thông (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Xuân Phú.
 

Đó là kết quả khảo sát do Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT)cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thực hiện tại 11 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, được công bố ngày 8-8.

Khảo sát thực hiện năm 2010 cho thấy hầu hết thanh niên nhận thức rõ hành vi tham nhũng có hại đối với thế hệ trẻ và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, có 1/3 số người được hỏi thừa nhận sẵn sàng hành động không liêm chính nếu mang lại lợi ích kinh tế hay giải quyết được vấn đề khi họ gặp khó. Thậm chí có 25% thanh niên có trình độ cao lại có quan điểm rằng lừa dối và vi phạm pháp luật sẽ dễ giàu, thành đạt hơn liêm chính.

Cũng theo khảo sát, gần nửa số thanh niên được hỏi đều chấp nhận bỏ phong bì để được chăm sóc, điều trị tốt hơn; 38% thanh niên sẵn sàng gian lận để thi đỗ vào trường tốt và 33% sẵn sàng thực hiện hành vi hối lộ để có công việc như mong ước. “Đáng cảnh báo, một bộ phận không nhỏ thanh niên cho rằng họ sẵn sàng vi phạm pháp luật để bảo vệ gia đình, bản thân”, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, một trong những người tham gia khảo sát, khẳng định.

Kết quả khảo sát cho thấy những tình huống mà thanh niên dễ thỏa hiệp với tính liêm chính như: bị cảnh sát giao thông bắt xe, người nhà hoặc bản thân đi chữa bệnh, xin học, xin việc làm …Theo đó, 12% thanh niên đánh giá mức độ liêm chính trong cảnh sát giao thông là rất tồi; trong khi con số này với lĩnh vực y tế ít hơn (8%), các lĩnh vực khác là 5%.

Với những hành vi xấu, thanh niên vào đời bằng đôi tay lem luốc. Ảnh: Nguyễn Hà
Với những hành vi xấu, thanh niên vào đời bằng đôi tay lem luốc.
Ảnh: Nguyễn Hà.
 

Chỉ 4% từng tố cáo tham nhũng

Khi chứng kiến tham nhũng, thanh niên có sẵn sàng tố cáo hay không cũng là một trong những nội dung khảo sát. Kết quả có tới hơn 40% cho rằng sẽ không tố cáo vì lo sợ không được bảo vệ, thậm chí bi quan rằng tố cáo cũng không giải quyết được vấn đề. Bất ngờ nhất là trong nhóm đối tượng người có học thức cao cũng có tới 41% không tố cáo; chỉ 4% thanh niên từng tố cáo tham nhũng.

Giáo sư Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng, điều này biểu hiện thái độ không tự tin, mất niềm tin vào xã hội dù họ luôn nhận thức, khẳng định được vai trò của mình.

Có bốn nguồn thông tin được cho là quan trọng, ảnh hưởng đến sự hình thành quan điểm của thanh niên gồm ti vi, đài, báo, môi trường học tập; gia đình; bạn bè đồng nghiệp và internet. Trong đó, thanh niên cho rằng, tivi, đài, báo ảnh hưởng tới 89%, sau đó đến gia đình. TS Giang cho rằng, khá bất ngờ khi được hỏi phần lớn thanh niên cho rằng họ không tiếp nhận được thông tin gì về phòng chống tham nhũng từ các tổ chức.

Nạn nhân hay đồng phạm

Các chuyên gia cho rằng thanh niên không chỉ là nạn nhân mà còn là nhân tố góp phần thúc đẩy tình trạng tham nhũng. Nhiều thanh niên từng trải nghiệm cảm giác hối lộ hoặc tham nhũng và coi đó là chuyện bình thường dù nhận thức đó là việc không tốt.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đánh giá: Thanh niên nhận thức và hành động hoàn toàn khác nhau là vấn đề lớn của xã hội.

Ông cũng cho rằng, cần ủng hộ cách giáo dục giúp thanh niên ứng xử như thế nào trong các tình huống cụ thể, không thể tuyên truyền thanh niên nên phải thế này, không nên thế kia một cách giáo điều. Theo ông Thuyết, thanh niên đánh giá nhóm đối tượng dễ thỏa hiệp với tham nhũng hối lộ là cảnh sát giao thông, y tế, giáo dục vì đó là những nơi thanh niên có nhiều nhu cầu.

Giáo sư Đặng Cảnh Khanh có nhiều năm nghiên cứu về thanh niên trăn trở rằng sự mâu thuẫn giữa nhận thức và hành vi của giới trẻ phải chăng một phần do xã hội tạo ra hoàn cảnh, tình huống đẩy thanh niên vào. “Tôi nghĩ, nếu thanh niên trung thực, liêm chính trong xã hội đầy rẫy nạn vòi vĩnh, tham ô thì họ sẽ trở thành người ngố. Muốn thanh niên thay đổi, trước hết xã hội phải có đột phá, thay đổi trước”, ông Khanh nói.

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam, kiến nghị cần tăng cường thảo luận qua các tình huống cụ thể, tuyên dương những thanh niên liêm chính, đưa nội dung giáo dục phòng chống tham nhũng vào trường học, tập trung phòng chống tham nhũng vào những nhóm đối tượng có nguy cơ dễ tham nhũng…

Việt Nam có tỷ lệ người trẻ cao (năm 2009 có 50% người dưới độ tuổi 30) nên các chuyên gia cho rằng thanh niên cần được coi là đối tượng mục tiêu trong tuyên truyền về sự liêm chính, chống tham nhũng ở Việt Nam.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tuyển futsal nữ Việt Nam hủy diệt Indonesia
Tuyển futsal nữ Việt Nam hủy diệt Indonesia
TPO - Đã không có bất ngờ nào trong trận đấu giữa tuyển nữ futsal Việt Nam và Indonesia. Với trình độ vượt trội, các học trò của HLV Trần Đình Hoàng khiến đối thủ tối tăm mặt mũi và ra về với chiến thắng 5-0.