Thêm nhiều gương tốt
Triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Lý luận Chính trị và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Đây là món quà mừng 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 năm thực hiện Kết luận số 01- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Với hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật, triển lãm giới thiệu đến công chúng 133 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 62 tập thể và 71 cá nhân được lựa chọn từ gần 600 tấm gương của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mỗi hình ảnh và bài viết là câu chuyện đẹp về các tập thể và cá nhân bình dị vượt lên hoàn cảnh, số phận. Họ dám nghĩ, dám làm, nhạy bén không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Thương. |
TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng việc tổ chức triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý được duy trì liên tục trong hơn 11 năm qua của Bảo tàng Hồ Chí Minh nhằm tôn vinh những người tốt, việc tốt, tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước.
Các đại biểu tham quan triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Thương. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Người đã giáo dục toàn dân cố gắng làm thật nhiều việc tốt, góp phần xây dựng đất nước ngày một tươi đẹp hơn, thông qua những việc làm thiết thực trong đời sống hàng ngày.
"Những tấm gương được lựa chọn là những tấm gương tiêu biểu trong các ngành, lĩnh vực, tổ chức. Thông qua triển lãm, mỗi người dân, tổ chức sau khi tham quan sẽ hiểu thêm, học tập thêm nhiều bài học kinh nghiệm để có trách nhiệm làm nhiều việc tốt hơn nữa, đóng góp cho cá nhân, gia đình và xã hội", Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nói.
Sống đẹp mỗi ngày
Những tấm gương tiêu biểu được nhắc đến trong triển lãm là thương binh Nguyễn Hồng Yên ở Anh Sơn, Nghệ An khiến người xem cảm động về nghị lực phi thường. Mặc dù bỏ lại chiến trường đôi chân và 91% sức khỏe, mang trên người nhiều vết thương nhưng trong cuộc sống đời thường ông vẫn luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, cố gắng làm việc và thường xuyên chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.
Triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý giới thiệu đến công chúng 133 tấm gương điển hình tiên tiến của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: Thanh Thương. |
Sau khi tham quan triển lãm, Dương Nguyên Khang (20 tuổi, Hà Nội) được truyền cảm hứng từ những tấm gương bình dị mà cao quý. Anh cho rằng những việc làm tốt tưởng chừng xa xôi, khó thực hiện nhưng lại là những việc đơn giản trong cuộc sống.
“Làm việc tốt không phải hành động cực kỳ khó khăn mà xuất phát từ những việc rất nhỏ. Nhưng quan trọng là mọi người chung tay làm việc tốt, xã hội sẽ ngày càng tốt hơn. Đối với em, đến bây giờ những lời Bác Hồ dạy vẫn vẹn nguyên giá trị trong xã hội, đặc biệt là những lời dạy về người tốt, việc tốt”, Khang chia sẻ với Tiền Phong.
Đối với Hoàng Bảo Hân - học sinh lớp 8 trường THCS Đông Kinh (Lạng Sơn), em nhận thức thêm về nhiệm vụ của giới trẻ trong thời đại mới. “Những người trẻ tuổi cần cố gắng học tập, noi theo những tấm gương sáng để nối tiếp sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước của ông cha”, Bảo Hân nói.
Câu chuyện về người chắp cánh ước mơ cho những “bông hoa khuyết cánh” của cô Hoàng Thị Vị - nguyên giáo viên trường Tiểu học & THCS xã Bảo Ái (Yên Bái) truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ đến xem triển lãm.
Với 32 năm gắn bó với rất nhiều thế hệ học sinh nhưng điều mà cô Vị trăn trở nhất đó là những lần tham gia công tác phổ cập, chứng kiến những em nhỏ không may bị khuyết tật chưa được đến trường. Từ đó, cô tranh thủ ngoài giờ lên lớp học các kỹ năng nuôi dạy, giáo dục trẻ khuyết tật qua sách báo và phương tiện thông tin đại chúng.
Cô Vị đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để đến với 17 em nhỏ, 17 hoàn cảnh sống, 17 cuộc đời khuyết thiếu. Cô chủ động liên lạc, tham gia các lớp kỹ năng dạy và chăm sóc trẻ khuyết tật, bồi đắp, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế để chăm sóc và dạy bảo các em.
Bên cạnh câu chuyện về thương binh Nguyễn Hồng Yên, cô giáo Hoàng Thị Vị, Những tấm gương bình dị mà cao quý còn có nhiều gương sáng khác, chẳng hạn như bác sĩ Sùng A Vang - người con của Bản Mù ở Yên Bái.
Học sinh tìm hiểu gương người tốt việc tốt tại triển lãm. |
Vị bác sĩ giỏi chuyên môn, hết lòng vì bệnh nhân, luôn gương mẫu, giúp đỡ các đồng nghiệp, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua… Đó còn là tấm gương về chiến sĩ công an Đoàn Văn Minh - công an xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm quên mình lao vào ngăn chặn, khống chế đối tượng đặc biệt nguy hiểm để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân...
Triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 17/5 đến hết tháng 8 và sẽ được tổ chức trưng bày tại một số địa phương trong cả nước trong thời gian tới.