Những con kênh mang hiểm họa

Hầu hết kênh rạch ở TPHCM đã bị bức tử
Hầu hết kênh rạch ở TPHCM đã bị bức tử
TP - Những con kênh chết ở TPHCM đang mang những ổ bệnh là hiểm họa chết người.
Hầu hết kênh rạch ở TPHCM đã bị bức tử
Hầu hết kênh rạch ở TPHCM đã bị bức tử . Ảnh: L.N

Bị bức tử

Ở khu vực nội thành TPHCM, những con kênh vốn dĩ thơ mộng giờ đây nước đã đặc quánh cùng rác rưởi. Con kênh Hy Vọng dọc theo đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình khoảng 5 km, gần như chỉ chứa toàn rác thải.

Tại đường Phan Huy Ích, những trại mổ heo vẫn ngày đêm hoạt động. Toàn bộ phân, nước thải đều tống ra con kênh này khiến dòng kênh ngày càng đặc quánh, bốc mùi...

Tại rạch Cầu Sơn, rạch Văn Thánh ở quận Bình Thạnh, tình trạng ô nhiễm cũng tương tự khi tình trạng lấn chiếm, cơi nới nhà cửa diễn ra tràn lan, rạch hứng một lượng rác thải khổng lồ do người dân thải ra.

Đoạn kênh Lò Gốm ở quận 6 dài hàng kilômét với nước kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, rác thải các loại trên kênh tạo thành nơi lý tưởng cho ruồi nhặng, ấu trùng, lăng quăng sinh sống.

Thậm chí đến hiện tại, một số hộ dân nơi đây vẫn phóng uế xuống kênh. Như tên gọi của nó, kênh Nước Đen chạy qua đường Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân là điểm tập kết rác, nước thải được xả ra từ hàng trăm nhà hàng, hàng chục cơ sở dệt may, nhuộm vải, tái chế phế liệu...

Cách đây 20 năm, dòng kênh này đã có tên Nước Đen nhưng nước lúc nào cũng xanh trong, bây giờ khi công nghiệp hóa, đô thị phát triển kênh đã “chết” dần. Người dân cũng chết theo kênh khi ô nhiễm trầm trọng quá”- Ông Nguyễn Văn Bờ ở dòng kênh này than vãn.

Trong khi kênh Suối Cái ngang qua khu phố 1, phường Linh Trung ở quận Thủ Đức, gần như chỉ hứng nước thải công nghiệp của các công ty dệt may và bệnh viện. Cạnh đó, kênh Ba Bò chảy từ Bình Dương qua Thủ Đức cũng nổi bọt trắng xóa bởi nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp ở Bình Dương thải ra, mùi thối nồng nặc.

Hai con kênh Tẻ ở quận 7 và kênh Kinh Đôi ở quận 8 vốn là nơi giao du buôn bán trên sông của người dân nhưng mấy năm nay, bờ sông bị lấn chiếm trở thành nơi cư ngụ của hàng nghìn hộ dân nên giờ cũng ô nhiễm trầm trọng, đã thành kênh chết.

Ổ bệnh

Mặc dù kênh bị bức tử nhưng, giữa năm 2010, xóm ghe trên dòng kênh Tẻ ở phường Tân Thuận Tây, quận 7 lại phát ra ổ dịch tả làm hơn 20 người sống ở trên sông mắc bệnh. Bác sĩ Lê Trường Giang- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, một khi vi rút, vi khuẩn gây dịch tả phát tán trên kênh rạch, nguy cơ dịch lây lan rất lớn.

Trường hợp lây nhiễm tả xảy ra mới đây nhất đối với bệnh nhi Nguyễn Hồng Sang 4 tuổi ở ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh khiến nhiều người lo lắng. Sang trong khi đang nghịch nước triều cường dâng tràn kênh thì bị trượt chân té và bị uống nước. Đến khi cháu Sang có triệu chứng ói mửa, đi ngoài, gia đình đưa đến bệnh viện mới biết cháu bị nhiễm khuẩn tả. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá trễ.

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ- Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, rác thải vứt xuống kênh như túi nilon, các chất liệu làm từ nhựa… rất khó tiêu hủy hết và tạo môi trường lý tưởng cho các loại côn trùng gây bệnh phát triển và truyền mầm bệnh cho người. Ngoài việc làm tắc nghẽn dòng chảy, những dòng kênh chết đang là nơi trú ẩn của muỗi và khiến cho nhiều dịch bệnh ngoài da, đau mắt, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết bùng phát.

Sau khi quan trắc nguồn nước kênh rạch tại TPHCM, PGS- TS Nguyễn Đinh Tuấn- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết, hầu hết các tuyến kênh rạch nội thành hiện nay đều có các chỉ số ô nhiễm ở mức độ đáng báo động trong khi chưa có giải pháp hữu hiệu thì hàng triệu m3 nước thải chưa qua xử lý từ khu dân cư vẫn vô tư xả xuống kênh.

Theo TS Tuấn, các chỉ số quan trắc khác như coliform, oxy sinh hóa ở hầu hết các tuyến kênh rạch nội thành đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đặc biệt mức độ ô nhiễm coliform ở các con kênh rạch nội thành đo được đều tăng khá cao so với trước đây, chứng tỏ hệ thống kênh rạch nội thành bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.