Những cô gái đặc biệt

Những cô gái đặc biệt
TP - Hai cô gái trẻ đều bị liệt. Vương Thị Dung (22 tuổi) dùng giường bệnh làm bục giảng, dạy học cho trẻ em nghèo. Nguyễn Thị Hạnh (21 tuổi), liệt hai chân, gắn đời mình với nghiệp cầm ca... dạo

> Bé gái 3 tuổi có chỉ số thông minh cao hơn Einstein
> Gặp ‘thiên tài’ 2 tuổi ở Anh

Lớp học... trên giường

Bị liệt phải nằm một chỗ, Vương Thị Dung (22 tuổi, ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) dùng chính giường bệnh của mình làm bục giảng, ngày ngày dạy đám trò nghèo miền biển.

Ngôi nhà cấp bốn của gia đình Dung nằm sâu trong con ngõ thôn Bình Tịnh, xung quanh bao bọc bởi cát trắng. Là con út trong gia đình nghèo có 6 anh em, Bảy Dung vốn lành lặn, xinh xắn và học giỏi nổi tiếng trong xã. Năm 1997, chuẩn bị bước vào lớp 11, Dung mắc chứng tê cứng chân tay, dần dần căn bệnh viêm tủy khiến cô liệt nửa người. Đường đến trường dang dở, nhưng cô vẫn miệt mài tự học.

 “Tôi mong mở tủ sách ngay tại nhà để phục vụ các em nhỏ nhưng chưa có điều kiện. Phải có nhiều sách dành đủ mọi lứa tuổi thì mới thu hút và phục vụ các em tốt hơn”. 

Cô giáo khuyết tật
Vương Thị Dung

Dung xin phép ba mẹ mở lớp học tại nhà để dạy cho các em nhỏ trong xóm. Thương con, ba mẹ gật đầu. Cuối năm 2008, lớp học ra đời. Lớp không có bục giảng, có vài chiếc bàn, ghế nhựa xếp xung quanh chiếc giường của Dung. Hằng ngày, đám trẻ trong xóm đến ngồi quanh để Dung kèm cặp chủ yếu các môn Toán, Văn, Anh từ lớp 9 trở xuống. Ban đầu là 5-7 em, dần dần nhiều em nhỏ ở các thôn lân cận cũng tìm đến lớp cô Dung để được học miễn phí.

Dung luôn biết cách truyền hứng thú, sự say mê học cho các em. Nhiều phụ huynh có con được Dung kèm cặp học hành tiến bộ đã mang tiền đến để trả thù lao nhưng Dung từ chối. “Các em đều nghèo, nhiều em mồ côi cha trong bão Chanchu (năm 2006) chịu nhiều thiệt thòi nên tôi giúp các em cũng là cách tự giúp mình có thêm niềm vui mỗi ngày”, Dung tâm sự.

Từ ngày mở lớp học đến nay, Dung dìu dắt hàng chục học sinh nghèo sức học trung bình và yếu trong thôn, xã học khá hơn. Em Trần Thị Bảo Khương (lớp 8, trường THCS Phan Đình Phùng), khoe: “Năm trước điểm tổng kết Toán của em chỉ được 6, được cô Dung kèm, năm nay em được điểm 8, 9”. Nhiều em đã thi đậu đại học. Những ngày lễ, ngày Nhà giáo Việt Nam, các em nhỏ thường mang hoa tặng cô. Những em đi học xa thường gọi điện về chúc mừng và động viên. Căn phòng nhỏ của Dung có nhiều loại sách, là quà của các anh chị, bạn bè tặng.

Căn nhà chật chội, mùa hè nóng nực. Nghỉ hè, các em nhỏ vẫn tìm đến với Dung. Nhìn các em nhỏ nhễ nhại mồ hôi, Dung trăn trở, giá như chỗ học đàng hoàng, có thêm vài cái quạt thì đỡ cho các em biết mấy.

Trụ cột gia đình

Học trò vây quanh giường bệnh của Dung học bài. Ảnh: Nguyễn Thành
Học trò vây quanh giường bệnh của Dung học bài.
Ảnh: Nguyễn Thành.
 

Nguyễn Thị Hạnh (21 tuổi, quê xã miền núi Phước Ninh, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) bị liệt cả hai chân, cao chưa đầy một mét ấy gắn đời mình với nghiệp cầm ca để nuôi sống cả gia đình. Hạnh sinh ra trong gia đình 4 người con thì có 3 người tàn tật. Mẹ chân thấp chân cao, cậu em trai bại liệt nằm một chỗ, chỉ còn ba lành lặn. Lúc 14 tuổi, Hạnh quyết phải kiếm tiền để đỡ gánh nặng cho gia đình.

Xuống Đà Nẵng mưu sinh, ban ngày đi bán vé số, tối đến Hạnh cùng hàng chục “đồng nghiệp” tạm trú trong một phòng trọ chật ních ở “xóm vé số” trên đường Trần Cao Vân. “Hồi mới xuống Đà Nẵng nhớ nhà, cứ buồn là tôi hát, ai ngờ chú bên nhà trọ làm ở Hội chữ thập đỏ dẫn vô đoàn khuyết tật hát luôn”, Hạnh nhớ lại.

Kiếm được tiền thêm từ việc đi hát, Hạnh chắt chiu gửi về cho gia đình. Chẳng được bao lâu, ba em qua đời. Trụ cột gia đình mất đi, cô gái cao 8 tấc liệt chân ấy lại càng phải lặn ngụp mưu sinh.

Tình cờ, Hạnh gặp Nguyễn Văn Thìn (sinh năm 1988, quê Vĩnh Phúc). “Anh ấy có bố và em út cũng mù bẩm sinh. Chúng tôi hay nói chuyện với nhau, ai ngờ thân luôn”, Hạnh tâm sự. Từ đó, cả hai tự nguyện trở thành cặp mắt và đôi chân cho nhau. Hạnh hát ở đâu, ở đó có Thìn đi theo đánh đàn.

Hạnh phát hiện ra giọng hát của Thìn trầm ấm nên bảo Thìn hát cùng, không chơi đàn nữa. Vậy là cả 2 “biên chế” tinh gọn chiếc thùng gỗ tích hợp đầy đủ loa, amply và micro và bộ xạc pin. Mỗi khi muốn hát chỉ cần gắn những bản nhạc không lời cài sẵn trong điện thoại vào amply. Những bản nhạc cùng lời ca cảm động với chất giọng trong trẻo khiến người nghe cảm động.

Hạnh và Thìn rong ruổi đường bộ từ Vĩnh Phúc tới TPHCM. Khách mua kẹo cũng có, ủng hộ tiền cũng nhiều. Có bữa, bà con tiểu thương ở chợ kéo ra xem kín mít, người năm ba ngàn, có người thương thì cho đến vài chục, số tiền ấy Hạnh dành dụm gửi về nuôi mẹ và em ở quê.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG