Chăm bẵm…
Chú voọc có tên là Chai - en được đưa vào khu Thú y xá - Thảo Cầm Viên để tiếp tục điều trị cho thật khỏe trước khi đưa về chuồng nuôi. “Lúc Chai-en về chuồng chưa đầy nửa ký, nay đã cân nặng gấp 3”, bác sỹ thú y Huỳnh Lê Ngọc Diễm nói và nhớ lại quá trình chăm sóc nó. Nhìn cách chị chăm sóc, mọi người gọi chị là "mẹ Diễm” của Chai-en.
Ban ngày “mẹ Diễm” cho Chai-en bú cữ đầu lúc 6h30. Chị vệ sinh chuồng, thay khăn lót và lau mình cho nhóc Chai-en. Xong xuôi hai “mẹ con” đi tắm nắng khoảng 1 tiếng để Chai-en không bị còi xương.
Buổi tối, chị cho Chai-en bú thêm 3 cữ trước khi đi ngủ. Công việc của “mẹ Diễm” cứ thế kéo dài suốt nhiều tháng liền. Nâng niu Chai-en trên tay, bác sỹ thú y Nguyễn Phước Thịnh, Tổ trưởng Tổ thú y nói, giờ nó đã cai sữa nên “mẹ Diễm” cũng bớt vất vả hơn trước. Về cái tên giống với nhân vật trong bộ phim nổi tiếng Đôrêmon, anh cho biết là do cái rốn chú voọc bị lồi giống hệt nhân vật Chai-en. Bác sỹ Thịnh cho biết thêm mỗi con thú ở đây đều có tên hoặc biệt danh riêng để gọi cho tiện chăm sóc.
Kế bên chuồng Chai-en là chú chim Hồng Hoàng bị gãy cánh trước khi được cứu hộ vào vườn thú. Chú chim được bác sỹ Thịnh bó bột cố định xương cánh cẩn thận. “Hiện sức khỏe của bé Hồng Hoàng đã ổn định, ăn uống bình thường nhưng vẫn cần theo dõi định kỳ”, bác sỹ Thịnh cười và nói thêm, dù bị thương chứ bé rất thích chơi đùa mỗi khi có người đến.
Chăm sóc thú trưởng thành đã vất vả, nuôi dưỡng thú non lại càng khó khăn hơn. Để thay thế mẹ ruột của thú non, những “bảo mẫu” phải luôn ở cạnh chúng, lo từng cữ bú sữa, cả việc vệ sinh đến giấc ngủ…“Thú non ở đây đa phần thuộc loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngày nào chúng không vệ sinh trước mỗi cữ bú hoặc có dấu hiệu bệnh là chúng tôi đứng ngồi không yên”, bác sỹ thú y Nguyễn Bá Phú, Phó giám đốc Xí nghiệp Động vật nói.
Chú voọc Chai-en
Chuyện cho thú ăn
Hàng ngày các bác sỹ thú y lên danh sách phân chia khẩu phần ăn theo từng cá thể và khẩu vị của chúng để chuyển đến bếp chế biến. Gắn bó nhiều năm với công việc bếp núc, “chị nuôi” Nguyễn Thị Ngọc Nhung cho biết, công việc bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc mặt trời lặn. Khẩu phần ăn bữa sáng thường là rau xanh, hoa quả các loại. Bữa “mặn” với thịt cá thường vào buổi chiều. Tất cả được đưa vào khay đựng trước khi mang đến chuồng cho thú ăn.
Giữa tháng 8/2020, “chị nuôi” Ngọc Nhung tất bật chuẩn bị bữa ăn cho bầy thú. Ngoài khẩu phần ăn như trên, “chị nuôi” không quên bổ sung thực phẩm chức năng như dầu cá omega giúp thú sáng mắt, đẹp lông, xương chắc khỏe. Chị liệt kê: Đối với khỉ, vượn, cọp...để có bộ lông đẹp, mắt sáng thì cho chúng thêm Omega, Vitamin E. Bổ sung thêm Canxi cho gấu, cọp… giúp xương chúng chắc khỏe hơn.
Mỗi ngày vườn thú tiêu thụ xấp xỉ gần 5 tấn thức ăn gồm thịt, rau củ quả các loại…Thực phẩm tự cung tự cấp chỉ có một số ít rau, cỏ trồng được trong vườn. Còn lại, Thảo Cầm Viên ký hợp đồng mua thực phẩm với một số đơn vị chuyên nghiệp, nhằm đảm bảo chất lượng. Thực phẩm đưa vào vườn thú được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi nhập kho.
Không chỉ cứu hộ, chăm sóc những con thú gặp vấn đề sức khỏe, những “bảo mẫu” đặt hết tình cảm vào từng bữa ăn cho chúng không khác gì một đứa trẻ. Bác sỹ thú y Nguyễn Phước Thịnh (Tổ trưởng Tổ thú y) cho biết, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng thú ở đây rất khắc khe và yêu cầu cao.Thú ở đây đa phần thuộc loại quý hiếm nên chúng tôi xem như báu vật. Đảm bảo bữa ăn đầy đủ, đúng khẩu phần”, bác sỹ Thịnh nói.
Để những con thú trong Thảo Cầm Viên an toàn qua dịch dã chưa biết bao giờ kết thúc, là một thách thức. Bình thường khách đến đông, vé bán ra nhiều bầy thú được ăn uống đủ đầy hơn. Khi dịch trở lại, chúng phải đối mặt nguy cơ thiếu ăn bởi vườn thú “cạn” tiền. Thấy nguy cơ hiện hữu trước mắt, 270 cán bộ nhân viên Thảo Cầm Viên đồng lòng trích 30% lương mỗi tháng và kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ bầy thú vượt qua khó khăn.
Đáp lại lời kêu gọi ủng hộ, hàng nghìn người ở khắp mọi miền đất nước chung tay quyên góp vật chất, tiền của cho sở thú an tâm vượt qua thời dịch dã. Mỗi ngày, hàng tấn trái cây, rau củ quả khắp mọi miền chuyển đến. Hàng nghìn lượt chuyển khoản với gần 3 tỷ đồng đến với vườn thú.
“Có người chuyển cả chục tấn trái cây, cũng có người mang một ký nho đến, cũng có người chuyển chục triệu đồng, có người góp vài chục nghìn…Hầu hết họ không muốn để lại tên tuổi, chỉ gửi lại những lời nhắn nhủ cùng nhau vượt qua thời dịch dã. Anh em Thảo Cầm Viên rất trân quý tấm lòng của mọi người”, ông Nguyễn Bá Phú, Phó GĐ Xí nghiệp Động vật bày tỏ.
Trước sự lan tỏa của cộng đồng, chỉ sau 2 ngày kêu gọi ủng hộ, sở thú xin ngừng tiếp nhận bởi đã nhận đủ để vượt qua khó khăn trước mắt. Dù thông báo tạm ngừng tiếp nhận, nhưng những ngày qua người dân khắp mọi nơi vẫn ủng hộ không ngớt từ vật chất đến tiền của. Danh sách người ủng hộ cứ thế kéo dài qua từng ngày mà sở thú công khai trên website để mọi người tiện theo dõi.
Trong hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, cả xã hội chung tay giúp sức cho Thảo Cầm Viên cứu đói bầy thú, cộng đồng với triệu tấm lòng luôn quan tâm chia sẻ và theo dõi sự phát triển vườn thú.
Lần đầu tiên, Sở thú TPHCM có tuổi đời 156 năm phải “vật lộn” với khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Thảo Cầm Viên cho hay doanh thu bán vé của đơn vị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch bệnh. Trước khi có dịch, doanh thu mỗi ngày đạt khoảng 330 triệu đồng.
Vườn thú thường được gọi với cái tên Thảo Cầm Viên, xây dựng từ năm 1864. Đến nay Thảo Cầm Viên đã có 145 chủng loài thú với hơn 1.300 cá thể thuộc danh mục sách đỏ Việt Nam và thế giới. Nơi đây còn bảo tồn hơn 900 loài thực vật và 2.500 cây xanh lâu năm của TPHCM.