> Chàng trai ‘Vàng’ Vật lý nhận Huân chương Lao động hạng Ba
> HCV Olympic loay hoay tìm đường du học
Ép khô thức ăn từ men thải
Đó là sáng tạo của anh Nguyễn Xuân Quang, sinh năm 1980 về xử lý men thải được nhà máy Bia Sài Gòn - Miền Trung tại Đắk Lắk đưa vào ứng dụng từ tháng 10/2008. Anh Quang cho hay, giải pháp anh nghiên cứu có quy trình đơn giản nhưng cùng lúc vừa làm giảm ô nhiễm môi trường vừa tạo nguồn thu cho Cty từ bán thức ăn ép khuôn.
Anh Nguyễn Xuân Quang bên máy xử lý men thải. |
Anh Quang cho biết, mình đã nghiên cứu loại máy ép để tách bã và nước từ chất thải sản xuất bia trong thời gian ngắn. Thành phẩm bã men được ép khuôn bán cho các Cty chăn nuôi gia súc, còn dư lượng nước thải ra môi trường đạt chỉ tiêu loại A. Cứ 1.000 kg hỗn hợp sau khi ép sẽ cho thành phẩm 300 kg men ép và 700 lít nước thải sạch ra môi trường.
Anh Quang chia sẻ, ý tưởng xử lý chất thải xuất hiện trong khi làm việc tại Cty sản xuất bia Sài Gòn. Anh nói, tại khu vực lên men lượng men thải ra môi trường rất lớn gây ô nhiễm môi trường. Với ý nghĩ, trong men chứa nhiều protein nếu bỏ đi sẽ rất phí, anh đã nảy ý tưởng xử lý chất thải này biến thành thành phẩm có giá trị.
Tìm hiểu tại các website về công nghệ anh phát hiện ra các sản phẩm ép khô đạt chất lượng dinh dưỡng phù hợp với điều kiện ở Cty anh. Với tính khả thi của đề tài là nguồn vốn đầu tư máy móc ít (70 triệu) và thu hồi vốn nhanh nên anh đã thuyết phục được lãnh đạo Cty. Anh được cấp vốn, hỗ trợ kỹ thuật thiết kế máy ép men bằng khung để đem vào vận hành. Từ đó đến nay, tính thành phẩm 1.500 đồng/kg bã men, anh làm lợi cho Cty hàng trăm triệu đồng.
Với những sáng tạo có tính ứng dụng thực tiễn cao, anh Quang đã được T.Ư Đoàn vinh danh trong Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2013.
Loại bỏ tạp chất trong mủ cao su
Tuổi ngoài 30, anh Vũ Đình Thắng hiện là trợ lý kỹ thuật nhà máy chế biến cao su Tân Biên (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam). Anh được T.Ư Đoàn trao giải thưởng sáng tạo trẻ vì nghiên cứu thành công phương pháp phát hiện tạp chất pha lẫn trong mủ nước cao su. Phương pháp này khi ứng dụng vào thực tiễn đã đem lại lợi nhuận 10 tỷ đồng/năm đối với ở nhà máy chế biến cao su có năng suất trung bình 10.000 tấn/năm.
“Không ngại khó, không nản khi thực nghiệm, tôi chỉ mong những sáng tạo của mình cũng như của nhiều bạn trẻ khác sớm được ứng dụng rộng rãi nhằm mang lại lợi ích kinh tế, xã hội nhiều nhất có thể cho các cá nhân, tập thể và trên hết là làm lợi cho đất nước” Anh Vũ Đình Thắng, nhân viên nhà máy chế biến cao su Tân Biên |
Anh Thắng cho biết, những năm về trước mủ nước cao su khi được các Cty thu mua về thường bị thương lái pha nhiều tạp chất để kiếm lời. Tạp chất thương lái pha trộn cũng rất đa dạng và khó loại bỏ như vôi, đất trắng, thạch cao, bột bả tường… khiến cao su bị rớt hạng trên thị trường quốc tế. Để cải thiện chất lượng mủ cũng như loại bỏ gian thương, tháng 11/2011, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn yêu cầu tăng cường quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào của mủ cao su. Hiệp hội Cao su Việt Nam theo đó cũng kêu gọi cán bộ, nhân viên tìm giải pháp phát hiện tạp chất trong mủ cao su.
Khi đó, anh Thắng đang là giảng viên trường Cao đẳng công nghiệp cao su, giảng dạy về thực hành hóa học và các môn chuyên ngành về sơ chế cao su anh đã nung nấu ý tưởng loại bỏ tạp chất trong mủ cao su. Lợi thế là được đi đến nhiều nhà máy cao su để thực nghiệm, anh bắt tay vào các phương pháp thử.
Tốn nhiều thời gian, công sức nhưng do khó đoán được thành phần tạp chất bị trộn vào mủ cao su nên thời gian dùng hóa học thử phản ứng rất lâu. Anh cho hay, ở một số Cty chế biến cũng đã có phương pháp nhưng chỉ phát hiện được vài tạp chất cơ bản trong khi gian thương pha trộn 5-7 loại tạp chất khó đoán.
Không đầu hàng, anh xin đi buôn theo các thương lái, thu mua mủ cao su để biết công thức pha trộn. Một năm ròng rã từ phòng thực nghiệm với đủ loại hóa chất đến nhập vai đi buôn, hỏi ý kiến các quản đốc ở nhà máy chế biến cao su, anh đã điều chế thành công loại thuốc thử phát hiện tạp chất chỉ mất 5 phút. Anh gọi đó là phương pháp tro hóa. Phương pháp này có ưu điểm dễ thực hiện, chỉ cần tập huấn cho công nhân 1 ngày họ sẽ thành thạo.
Loay hoay ứng dụng
Biết anh nghiên cứu thành công, hàng loạt nhà máy chế biến cao su như Nhà máy chế biến Thuận Lợi, Cty TM Thảo Nguyên, Cty TNHH Hòa Hiệp Hưng, Cty MTV Cao su Tân Biên… đã tìm đến ký hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bản thân anh lúc đó được Cty MTV Cao su Tân Biên mời về làm trợ lý kỹ thuật của ban giám đốc.
Theo tính toán của anh Thắng, phương pháp này ra đời, có thể làm lợi hàng nghìn tỷ đồng nếu áp dụng trên toàn quốc. Anh đã giải bài toán khá thuyết phục khi một doanh nghiệp chế biến mủ cao su bị pha tạp chất khoảng 3% sẽ bị thiệt hại hàng trăm tấn mủ trong sản xuất.
Với giá thu mua trung bình hiện nay là 44 triệu đồng/tấn, doanh nghiệp bị thiệt hại hơn 10 tỷ nếu có công suất 10 nghìn tấn/năm. Hơn nữa, mủ nước bị lẫn tạp chất còn làm cho cao su bị rớt hạng làm cho giá bán bị giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn đồng thời chất lượng cao su cũng bị giảm trên thị trường quốc tế.
Hiện nay mới chỉ các doanh nghiệp tư nhân tìm đến giải pháp của anh Thắng để ứng dụng trong thu mua nguyên liệu. Anh chia sẻ, rất mong được chuyển giao công nghệ cho các nhà máy, xí nghiệp thuộc quản lý nhà nước.