Nghỉ công nhân về thái chuối
Anh Nguyễn Chí Hiếu, 27 tuổi, bỏ nghề công nhân điện trở về khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông (Ninh Kiều, TP Cần Thơ), để thái chuối nuôi cá, gà, vịt, heo rừng và trồng cây ăn trái, biến một héc-ta đất thành trang trại sinh lời cao.
Sinh ra trong gia đình nghèo, anh Hiếu phải nghỉ học năm lớp chín để bươn chải mưu sinh. Nhưng cũng nhờ làm công việc đồng áng từ nhỏ, anh Hiếu có kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt. Nên khi được cha mẹ giao cho đám đất, anh nghỉ nghề thợ điện, về nhà đào 3 ao nuôi cá, rộng 4.500 m2. Đất còn lại trồng cây ăn trái.
Năm 2012, anh nuôi cá lóc lời 40 triệu đồng, sau chuyển qua nuôi cá rô phi, chép, mè trắng, mè vinh, tai tượng càng lời. Anh tự lo thức ăn cho cá từ cám, cơm cặn, lục bình và cây chuối. Từ thái chuối bằng tay, anh chế ra máy thái chuối bằng những lưỡi phay, chạy máy nổ yanmar rất tiện lợi.
Đầu năm 2013, anh Hiếu lên Tây Ninh mua 5 con heo rừng. Nuôi có kỹ thuật nên đàn heo sinh sôi nhanh, nay đã có 60 con, gồm 10 con nái, một đực và 49 con heo tơ, ngày chạy quanh vườn, tối về chuồng. Heo rừng ăn chuối trộn cám nên thịt ngọt, dòn.
Trang trại của anh Hiếu được đánh giá là trang trại sinh thái, tiêu hao ít năng lượng, nên diện tích nhỏ mà hiệu quả kinh tế cao. Anh đang có những dự tính mở rộng và nâng cao hiệu quả hơn trong năm mới.
Bà mụ mát tay
Trong chuồng luôn có trên chục con heo nái, mỗi năm sinh 200- 250 heo con, cho lãi chừng 120 triệu đồng. Đó là chuồng heo của anh Trần Văn Thưởng, 30 tuổi, bác sĩ thú y ở ấp Trường Thuận, xã Trường Thắng (Thới Lai, Cần Thơ) được láng giềng gọi là “bà mụ mát tay”. Mới tháng 1/2014, anh Thưởng xuất bán 45 heo con, được gần 60 triệu đồng.
“Nhờ nó siêng năng, tích cực học kỹ thuật để làm ăn nên mỗi năm, riêng rau màu thu trên 100 triệu đồng”
ông Nguyễn Văn Đừng, bố của Thành
Sinh ra và lớn lên ở xã vùng sâu, tốt nghiệp trung cấp, làm bác sĩ thú y, sau thời gian giúp dân ấp chống dịch bệnh, đỡ đẻ heo nái, anh Thưởng tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Từ đó, bác sĩ Thưởng thấy có duyên nợ với nghề nuôi heo liền xây dựng trang trại. Đầu năm 2010, anh mua 4 con heo nái để gây giống, mua tinh heo đực ở trại thú y Cần Thơ đem về gieo phối. Lứa đầu đã cho anh lời khá, còn nhân đàn héo nái lên gấp đôi.
Kinh nghiệm của anh Thưởng là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật bài bản. Khi heo còn nhỏ được sưởi ấm, 7 ngày là dùng thức ăn hỗn hợp có chất lượng để hạn chế tiêu chảy, tăng trọng heo mẹ, heo con. Heo được tiêm phòng ngừa tai xanh, dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng đầy đủ. Khoảng 30- 45 ngày là xuất chuồng bán, mỗi heo con trung bình 15 - 20 ký, được giá 1,5 - 2 triệu đồng. Anh Thưởng cho biết, gieo tinh nhân tạo giúp cho heo nái không bị bệnh truyền nhiễm, tránh được đồng huyết. Từ khi mở trại heo đến nay, heo của anh Thưởng không bị dịch bệnh, luôn khỏe mạnh lớn nhanh, thu lợi nhuận cao.
Đa canh để đi lên
Một điển hình khác trong phát triển chăn nuôi là anh Nguyễn Trường Thành, 29 tuổi, ở ấp Bình Yên A, phường Long Hòa (Bình Thủy, TP Cần Thơ). Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2009, anh Thành về quê với niềm đam mê trồng rau, nuôi bò sữa, dê.
Trên mảnh đất 1,1 ha, anh Thành chia làm ba phần: non nửa trồng ớt, đậu, bí đao, dưa hấu, dưa leo theo mùa và xen canh; non nửa khác trồng xoài, mít, chanh không hạt; hơn 1.000 m2 làm nhà ở và cất chuồng nuôi bò sữa, dê. Anh Thành bận rộn suốt ngày, hết ruộng lại chuồng trại. Cha của anh là ông Nguyễn Văn Đừng cho biết: “Nhờ nó siêng năng, tích cực học kỹ thuật để làm ăn nên mỗi năm, riêng rau màu thu trên 100 triệu đồng”.
Về bò, từ 3 con bò cái giống Hà Lan, nay đã đẻ thêm 3 con bê, mỗi ngày cho trên 50 lít sữa. Hiện nay, sữa bán mỗi lít 11.800 đồng. Còn dê, từ 7 con, nay đã có 15 con lớn và nhỏ. Anh đang tính làm thêm chuồng bò và dê để tăng đàn, tạo nguồn thu nhập chính trong tương lai.