Chân tứa máu vẫn tập viết
Trên sân khấu chương trình giao lưu “Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp”, Ban tổ chức chiếu đoạn phim ngắn về nữ sinh viên không tay Lê Thị Thắm (ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa). Đoạn phim kể về hành trình vượt qua sự khắc nghiệt của số phận bằng nghị lực sống phi thường của Thắm. Từ khi lọt lòng, Thắm đã mang trong mình hình hài đặc biệt: Không có 2 tay; chân cao, chân thấp. Nhưng từ 5 tuổi em đã viết được chữ bằng chân trái, từng giành giải xuất sắc cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh. Thắm thêu, vẽ tranh cũng rất đẹp.
Thắm hiện giờ là sinh viên năm thứ 3, ĐH Sư phạm tiếng Anh, ĐH Hồng Đức. Chia sẻ về ước mơ tại buổi giao lưu, Thắm bộc bạch: “Em ước được một lần dang tay ôm mẹ, cám ơn mẹ. Cả cuộc đời mẹ hy sinh, vất vả vì em”. Dưới hội trường, chị Nguyễn Thị Tình (mẹ Thắm) nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt sạm nắng.
Chị Tình tâm sự: “Để Thắm có được ngày hôm nay, không thể kể hết những gian nan, khổ ải. May mắn là Thắm càng lớn, càng thể hiện một nghị lực sống phi thường. Lúc 4 tuổi, con đi học mẫu giáo đòi viết chữ, tôi nghĩ cháu không thể làm được nhưng vẫn quyết tâm đến cùng”. Suốt 1 năm ròng, Thắm tập viết bằng chân trái. Không biết bao nhiêu lần chân tứa máu, Thắm nhờ mẹ buộc khăn vào, viết tiếp. 5 tuổi, Thắm đã đọc, viết thành thạo.
Những nỗ lực phi thường của Thắm đã được bù đắp xứng đáng. Từ lớp 1 đến lớp 12, Thắm đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, Thắm được đặc cách tuyển thẳng vào ngành Sư phạm tiếng Anh, trường ĐH Hồng Đức.
Nhằm giúp cô sinh viên nghị lực Lê Thị Thắm được đến trường, theo đuổi ước mơ làm cô giáo, ĐH Hồng Đức nhận mẹ Thắm vào làm lao công tại trường để tiện việc đưa đón con. “Nhà cách trường hơn 10 km. Những lúc mưa gió, hai mẹ con ướt sũng. Chỉ khi nào mẹ ốm nặng quá, không thể dậy được, chứ còn cố được là mẹ cứ gắng gượng để đưa em tới lớp”, Thắm nhớ lại.
Thắm vẫn đang chống chọi với bệnh tật, hàng ngày phải uống đủ thứ thuốc. Những hôm trái gió trở trời, chân nhức, vai đau, lưng tê buốt. Bệnh viêm xương bả vai khiến Thắm có tháng đi viện 2, 3 lần. Thắm nhỏ bé, chỉ được 27 kg. Dù vậy, em vẫn đặt mục tiêu học xong đại học, săn học bổng du học tại Nhật Bản, rồi về nước dạy tiếng Anh cho trẻ em.
Quyết không phụ công mẹ
Thể hiện ca khúc “Mẹ yêu ơi” trên sân khấu chương trình “Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp”, cô gái Nguyễn Thị Huyền nghẹn ngào, rồi bật khóc. Huyền nhớ mẹ! Mẹ mất khi Huyền 14 tuổi; bố bỏ đi khi em vừa mới lọt lòng. Ông bà ngoại mất sớm. Huyền và chị gái sống cảnh côi cút, tự bươn chải, nương tựa vào nhau.
Để nuôi em ăn học, chị gái Huyền vào Nam làm công nhân. Lương tháng không đủ sống, nhưng chị gái Huyền vẫn chắt chiu, dành dụm gửi về quê nuôi em ăn học. Một mình trong căn nhà nhỏ, Huyền tự làm tất cả mọi việc chăm sóc bản thân mình, thờ phụng mẹ. “Thời gian đầu, em lúc nào cũng cảm thấy chông chênh. Nhiều lúc em bi quan, than trách số phận không công bằng. Nhưng rồi ngẫm lại, mình làm thế là phụ công chị gái và đặc biệt là mẹ sẽ không yên lòng ở thế giới bên kia. Em dần lấy lại thăng bằng, tìm niềm vui trong cuộc sống và nỗ lực học tập hết mình”, Huyền chia sẻ.
Năm 2014, Huyền đậu thủ khoa, khoa Thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Do hoàn cảnh khó khăn nên em phải theo học ngành Sư phạm mầm non trường ĐH Vinh. Kết quả 4 năm học đại học của Huyền đạt tổng điểm xuất sắc: 3.66/4 điểm. Huyền vừa được nhận vào làm giáo viên mầm non tại TP Vinh.
Bỏ ngỏ ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp nhưng Huyền vẫn thể hiện năng khiếu ca hát khi giật một loạt giải thưởng các cuộc thi: Huy chương Vàng thể loại đơn ca, Liên hoan tiếng hát học sinh, sinh viên toàn quốc năm học 2015 - 2016; giải Nhất Giọng hát hay sinh viên khóa 55, trường ĐH Vinh; giải Nhất Hội thi tiếng hát học sinh, sinh viên tỉnh Nghệ An năm học 2016 - 2017; giải Nhất cuộc thi Hãy hát lên do Đài PTTH Tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức. Ngoài ra em còn đạt danh hiệu Sao Tháng Giêng; nữ sinh tiêu biểu trường ĐH Vinh năm 2018. Với Huyền, mỗi lần nhận bằng khen hay giải thưởng, đó là khoảnh khắc vui nhưng cũng buồn nhất. “Lúc đó em nhớ mẹ nhất, chỉ mong có mẹ, có gia đình ở bên cạnh chia sẻ, chung vui”, Huyền nói.
Khi được hỏi, muốn nói với mẹ điều gì, Huyền nói: “Quãng đường mà con đi qua chưa dài, nhưng cũng không ngắn nữa, con đã làm được một số điều khiến mẹ có thể an lòng về con. Dù mẹ ở bất cứ nơi đâu, mẹ hãy cứ dõi theo con mẹ nhé. Con yêu mẹ nhiều lắm!...”. Rồi Huyền bật khóc.
Lan tỏa những giá trị tích cực
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: “Sinh viên Việt Nam - những câu chuyện đẹp” là hành trình đi tìm, cổ vũ, thúc đẩy sinh viên Việt Nam sống có lý tưởng, có bản lĩnh, có trách nhiệm, mình vì mọi người, luôn lạc quan, nỗ lực vượt khó, luôn nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ và kiên trì, sáng tạo... Đó còn là hành trình khẳng định hình ảnh đẹp của sinh viên Việt Nam trong sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. “Mỗi bạn một điều kiện, một hoàn cảnh; mỗi câu chuyện một bối cảnh khác nhau, nhưng chúng tôi đều cảm nhận được sức mạnh tinh thần, lan tỏa từ những giá trị tích cực mà các bạn mang đến. Mỗi câu chuyện của các bạn đều xứng đáng trở thành hành trang thân thiết của sinh viên Việt Nam trong quá trình hoàn thiện bản thân”, anh Lê Quốc Phong nói.