Những cách xử lý hiệu quả khi trẻ gặp nguy hiểm do thuốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bé yêu của bạn có thể gặp nguy hiểm khi dùng thuốc sai cách. Các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể giúp bé thoát khỏi tình cảnh đó nhờ vào kiến thức y học thường thức cơ bản về sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Trẻ em khác với người lớn về nhiều khía cạnh, bao gồm khả năng hấp thu, phân bố, chuyển hoá, thải trừ thuốc, cũng như sở thích vị giác… Vì vậy, việc lựa chọn và sử dụng thuốc có nhiều điểm khác biệt.

Lưu ý về thời gian dùng thuốc

Liều lượng thuốc thường do bác sĩ chỉ định hoặc đối với những thuốc không cần kê đơn thì liều lượng có ghi trên nhãn thuốc. Đối với trẻ nhỏ, liều lượng thuốc thường căn cứ theo trọng lượng của trẻ. Cho trẻ uống thuốc quá ít hoặc quá nhiều đều không đạt hiệu quả sử dụng thuốc. Cơ thể trẻ em chưa được trang bị các khả năng chuyển hóa đầy đủ để dễ dàng đào thải, cách loại trừ độc chất ra khỏi cơ thể cũng không mạnh mẽ như của người lớn. Với việc sử dụng liều lượng thuốc không thích hợp, thuốc sẽ dễ dàng và nhanh chóng tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc. Vì thế, không nên tự động chia liều thuốc người lớn nhỏ ra để cho trẻ nhỏ uống nếu không có chỉ định của thầy thuốc.

Thời gian và khoảng cách thời gian cho trẻ uống thuốc cũng rất quan trọng. Nếu trẻ dùng nhiều loại thuốc vào những thời điểm khác nhau trong ngày, tốt nhất phụ huynh nên viết ra một thời gian biểu dùng thuốc rõ ràng để căn cứ theo đó mà cho trẻ uống thuốc. Chẳng hạn có loại thuốc trẻ cần uống khi bụng đói, có loại thuốc phải uống ngay sau khi ăn…

Chọn dạng bào chế và loại thuốc phù hợp cho trẻ em

Việc chọn dạng bào chế phải thích hợp với đặc điểm sinh lý của trẻ em theo từng độ tuổi, nếu không việc dùng thuốc sẽ gặp trở ngại và có thể dẫn đến hiệu quả điều trị thấp. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng bào chế khác nhau dùng đường uống như sirô, viên nén, viên nang, bột, cốm pha hỗn dịch để uống…

Những cách xử lý hiệu quả khi trẻ gặp nguy hiểm do thuốc ảnh 1
Đối với trẻ dưới 3 tuổi, dạng thuốc lỏng (siro, dung dịch, hỗn dịch…) là dạng dùng phù hợp nhất.

Đối với trẻ dưới 3 tuổi, dạng thuốc lỏng (siro, dung dịch, hỗn dịch…) là dạng dùng phù hợp nhất, vì trẻ dễ uống và có mùi vị dễ chịu. Liều lượng theo chỉ định của bác sĩ (đối với những thuốc kê đơn như kháng sinh) hoặc theo hướng dẫn sử dụng của thuốc (đối với các thuốc không kê đơn như thuốc ho, thuốc hạ sốt). Đối với các dạng bột, cốm… hòa trong nước thì cần phải được hòa trong một thể tích thích hợp bằng dung môi phù hợp (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

Đối với trẻ sơ sinh, việc cho uống thuốc càng khó hơn. Trẻ sơ sinh chỉ có thể thích hợp với thuốc dạng lỏng. Để trẻ ở vị trí giống như khi cho trẻ bú mẹ hoặc cho ngồi ở ghế cao. Từ từ cho thuốc vào một bên khóe miệng của trẻ (không nên cho thuốc nước vào ngay sau cuống họng vì thuốc có thể làm cho trẻ bị ho, sặc, nghẹt thở...) sau đó dùng tay ấn nhẹ hai bên má của trẻ để thuốc được trẻ nuốt vào. Cũng có thể dùng núm vú cao su để cho trẻ uống thuốc. Cho thuốc vào bình sạch, cho thêm vài muỗng nước sạch và đảo đều bình nhằm để thuốc phân tán đều. Sau đó cho trẻ bú đến hết thuốc. Tráng bình bằng 2 hoặc 3 muỗng canh nước sạch rồi cho trẻ bú tiếp.

Những cách xử lý hiệu quả khi trẻ gặp nguy hiểm do thuốc ảnh 2
Có thể dùng núm vú cao su để cho trẻ sơ sinh uống thuốc.

Đối với trẻ lớn trên 3 tuổi, vẫn ưu tiên dùng thuốc dạng lỏng. Tuy nhiên có thể dùng thuốc dạng rắn(viên nén, viên nang…) nhưng với kích thước nhỏ vì khả năng nuốt của trẻ phụ thuộc vào kích thước viên thuốc. Đối với dạng viên nén thì kích thước viên được khuyến cáo theo tuổi của trẻ như sau: Từ 3-5 tuổi chọn kích thước viên từ 3-5 mm; từ 6-11 tuổi chọn kích thước viên từ 5-10 mm, từ 12 tuổi trở lên có thể dùng mọi kích thước.

Với thuốc viên nang, không được tự ý bẻ, nghiền viên thuốc, rồi chia thuốc cho trẻ uống, vì sẽ ảnh hưởng đến tác dụng điều trị hoặc gây ra tác dụng không mong muốn.

Nhiều bé rất khó uống thuốc và các bậc cha mẹ cưng con mỗi khi đưa thuốc cho trẻ uống, thấy trẻ phản kháng không chịu uống thường ‘dụ dỗ’ con rằng ‘dùng đi, kẹo đấy’, nhất là những dạng thuốc có mùi thơm, ngọt. Điều này rất nguy hiểm vì khi thiếu vắng cha mẹ hoặc người giữ trẻ, bé có thể uống một khối lượng thuốc ở trong tầm tay vì tưởng là kẹo. Do vậy, cha mẹ luôn luôn để thuốc xa tầm tay trẻ em, để trẻ tránh bị ngộ độc thuốc.

Sử dụng dụng cụ đo lường thuốc thích hợp

Các dạng thuốc lỏng hiện nay đa số đều được đóng trong lọ chứa đa liều. Do đó, cần phải có dụng cụ đo lường thuốc thích hợp.

Cốc đong: Là dụng cụ đo lường phổ biến nhất hiện nay. Khi sử dụng cần lưu ý để vạch chia ngang tầm mắt.

Muỗng đong: Nếu việc cho trẻ uống bằng cốc, thường làm đổ thuốc thì có thể thay thế cốc đong bằng muỗng đong. Muỗng đong giúp hạn chế việc đổ thuốc khi cho trẻ uống. Cách sử dụng tương tự như khi dùng cốc đong, khi sử dụng cũng cần phải lưu ý để vạch chia ngang tầm mắt để đong được chuẩn.

Ống nhỏ giọt và bơm tiêm qua miệng: Các dụng cụ này thường không đi kèm với thuốc và sử dụng khi cần phải lấy một liều chính xác. Dụng cụ này có bộ phận điều chỉnh nối đặc biệt phù hợp ở trên lọ thuốc để dễ rút dung dịch thuốc ra khỏi lọ thuốc bằng ống tiêm. Chỉ sử dụng những ống tiêm được thiết kế chuyên biệt cho phép sử dụng để uống thuốc. Không dùng bơm kim tiêm thông thường để lấy thuốc cho trẻ uống.

Lời khuyên của bác sĩ để phòng tai nạn cho bé do dùng thuốc

Để phòng tai nạn về thuốc cho trẻ em, cha mẹ cần nhớ: Tủ thuốc gia đình phải luôn luôn đặt ở cao khỏi tầm tay trẻ em và đóng lại cẩn thận. Nếu có trẻ hiếu động hay nghịch phá thì tủ thuốc phải khóa lại. Thuốc người lớn mang ra uống thì phải uống ngay, tránh để tạm một nơi nào rồi quên, bé sẽ dễ dàng bỏ vào miệng. Trường hợp bé nuốt phải thuốc, cần làm cho bé ói càng sớm, càng nhiều càng tốt. Tìm xem bé đã uống phải loại thuốc gì, kiểm tra thuốc dùng dở dang, thuốc thiếu còn nằm trong túi, thuốc rơi vãi dưới bàn ghế hay trên mặt đất... và mang theo khi đưa bé nhập viện để tiện biết nguyên nhân ngộ độc và có hướng chữa trị.

MỚI - NÓNG