Những anh hùng ‘khắc tinh’ ngáo ộp B52
Nước Việt Nam ta thời nào cũng có anh hùng, hào kiệt. Trong thế kỷ XX, sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước đã xuất hiện rất nhiều những hành động anh hùng, con người anh hùng, như nhà thơ Viễn Phương từng ngợi ca: “Quê hương ta ra ngõ gặp anh hùng”.
Đại tá, Anh hùng Đặng Minh Chức (bên phải) và Đại tá Quách Hải Lượng bên lối vào căn hầm Sở chỉ huy Sư đoàn Phòng không 361. |
Và ngay tại một xóm nhỏ ven sông Tô Lịch luôn tấp nập của Hà Nội, hàng ngày chúng ta đều có thể gặp những anh hùng, họ là những tập thể từng hạ gục “Thần sấm”, “Con ma” và cả Pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ.
Con phố Nguyễn Ngọc Vũ nằm ven sông Tô Lịch thuộc địa phận phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), đoạn từ Cầu Mọc nối ra đường Lê Văn Lương có một khu dân cư, thường gọi là Tập thể phòng không không quân Hòa Mục (do nằm trên đất làng Hòa Mục trước đây). Thời chiến tranh, khu vực này là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ bởi đây là nơi có Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361 bảo vệ Hà Nội, cũng là nơi đặt sở chỉ huy đánh B52 tròn 40 năm trước
Hạ B52 - phải có cả lòng dũng cảm và mưu trí
Chiều muộn một ngày đầu tháng 12-2012, chúng tôi đến thăm Đại tá Quách Hải Lượng và Đại tá Nguyễn Thanh Tân. Ông Tân nguyên là Trưởng phòng Quân huấn, Quân chủng Phòng không không quân (PKKQ), nhiều khoá liền là Bí thư chi bộ tại khu dân cư của Tập thể PKKQ. Thời chiến tranh, ông Tân là trắc thủ góc tà thuộc tiểu đoàn 61 anh hùng đã bắn cháy nhiều máy bay Mỹ. Còn Đại tá Quách Hải Lượng từng là sĩ quan điều khiển tên lửa, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 61, nguyên Trưởng phòng tác chiến Quân chủng PKKQ.
Tập thể đơn vị mà hai vị đại tá này từng công tác, chiến đấu, được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1967… Đại tá Quách Hải Lượng, năm nay 83 tuổi, người nhỏ thó và luôn diện bộ quân phục nhuốm màu thời gian.
Trừ ngày mưa to gió lớn hoặc quá rét, còn lại gần như hàng ngày, ông đều chạy chiếc xe Chaly khắp Hà Nội, tới thăm những ông bạn già từng gắn bó với nhau suốt sáu, bảy chục năm qua. Lịch sinh hoạt đều đều đi ăn sáng với bạn bè, nhâm nhi li cà phê trong phố cổ, rồi uống bia hơi. Trông ông thật trẻ trung và sôi nổi khác hẳn cái tuổi ngoài tám mươi thường thấy của người già.
Ông chân thành và nhiệt tình đến mức, khi chúng tôi cần tư liệu về lĩnh vực phòng không, thì ông sẵn sàng chạy chiếc Chaly cà tàng mang theo tài liệu ra… quán cà phê ngồi đàm đạo hàng giờ. Nhìn ông mộc mạc nên ít ai có thể đoán đây từng là một chuyên gia về tên lửa phòng không, sử dụng thành thạo các thứ tiếng Nga, Trung, Pháp…
Là một người có chuyên môn cao về tên lửa phòng không, Đại tá Lượng cho rằng: Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là “chiến công tích luỹ”. Quân chủng PKKQ đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm phong phú trong cuộc chiến đất đối không kể từ năm 1963 cho đến cuối tháng 11-1973.
Thời kì này, lực lượng cao xạ, tên lửa đã chiến đấu anh dũng bắn hạ hàng nghìn máy bay chiến đấu hiện đại của không lực Hoa Kỳ. Riêng bộ đội tên lửa đã có nhiều đơn vị chạm trán với B52 ở Vĩnh Linh và trong chiến dịch Quảng Trị. Các kinh nghiệm này được đúc kết thành lí luận và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Biết chúng tôi đang sốt ruột về chuyện đánh B52, Đại tá Lượng cắt nghĩa: Đánh trả không quân Mỹ nói chung và đánh trả B52 nói riêng, thực chất là một cuộc chiến đấu có hàm lượng vũ khí công nghệ cao. B52 có đủ yếu tố của vũ khí công nghệ cao, vũ khí tên lửa cũng có đủ các yếu tố của công nghệ cao… Làm nên chiến thắng này, bộ đội tên lửa phải có sức mạnh vật chất của vũ khí và sức mạnh tinh thần, trí thông minh, lòng dũng cảm; phải có tri thức đầy đủ các lĩnh vực toán – lý – hoá… Tên lửa là một thứ vũ khí tập thể, phải được một tập thể con người đoàn kết hiệp đồng điều khiển thì mới bắn hạ được máy bay đối phương.
Đại tá Lượng nhớ lại việc thực hiện lời hứa tự tin của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước khi chuyển giao vũ khí tên lửa cho Việt Nam, một vị lãnh đạo cấp cao của Liên Xô nói: “Chúng tôi muốn được giao thứ vũ khí ghê gớm này cho những người tin cậy”. Đại tướng Tổng tư lệnh đã điềm tĩnh trả lời: “Các vũ khí hiện đại của Liên Xô được giao vào tay những chiến sĩ cộng sản Việt Nam, nhất định sẽ phát huy được uy lực của nó”.
Xác một pháo đài bay B52 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự . |
Một quả tên lửa, tiêu diệt 2 máy bay Mỹ
Đại tá Nguyễn Thanh Tân là trắc thủ góc tà của Tiểu đoàn 61, đã tham gia kíp chiến đấu bắn rơi chiếc máy bay A4-E của viên phi công danh giá John McCain tháng 10-1967. Ngoài sự kiện bắn hạ máy bay của John McCain, Đại tá Nguyễn Thanh Tân cũng là người tham gia 2 trận đánh nổi tiếng ở Nghệ An, mỗi trận chỉ bằng một quả tên lửa đã tiêu diệt 2 máy bay Mỹ. Trong trận đánh tại trận địa xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, khi khoảng cách tên lửa và mục tiêu cách 3km thì 2 tín hiệu mục tiêu gần như trùng nhau, tên lửa được giữ nguyên chế độ bám sát…
Đạn gặp mục tiêu nổ cách trận địa 19km. 2 chiếc máy bay rơi cách nhau chỉ 1km, cùng là loại máy bay trinh sát kiểu RF101. Đó là chiếc thứ 900 và 901 của không quân Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Hai tuần sau, ngày 18-3-1966, tại huyện Đô Lương, Nghệ An, cũng bằng 1 quả tên lửa trong tình huống tương tự, tiểu đoàn 61 đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay loại F3D2…
Sau trận thắng giòn giã tại trận địa xã Quỳnh Thắng, ngày 14-3-1966, Nguyễn Thanh Tân được thay mặt chi đoàn thanh niên của đơn vị đi dự và tham gia Đoàn chủ tịch Lễ mít tinh kỉ niệm 35 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Ông Tân tẩn mẩn tìm, cho tôi xem tờ giấy mời vẫn được ông lưu giữ cẩn thận gần nửa thế kỉ qua.
Nhớ lại niềm vinh dự ấy, ông kể: “Tại lễ kỉ niệm tổ chức ở Hội trường Ba Đình, trong phòng họp trước khi lên đoàn chủ tịch, Bác Hồ đã cầm tay tôi và giới thiệu với mọi người. Bác khen ngợi chúng tôi đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 900 và 901 trên bầu trời miền Bắc. Đây là kỉ niệm sâu sắc của đời tôi, cũng là niềm vinh dự của cá nhân tôi và tập thể tiểu đoàn 61. Với những chiến công, thành tích nổi bật, đơn vị chúng tôi vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và ngày 1-1-1976, tiểu đoàn 61 vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng”.
Cùng ở khu tập thể với hai vị Đại tá này, các cựu chiến binh vẫn vẹn nguyên phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu trong sinh hoạt Đảng và các hoạt động của địa phương. Như ông Hoàng Phùng Ngọc, từng là kĩ sư trưởng của một trung đoàn tên lửa phòng không, phụ trách công tác kĩ thuật và nắm bí mật mã số đạn tên lửa, sau này ông là Cục trưởng Cục Kỹ thuật. Các cặp vợ chồng ông Ngọc bà Bông, ông Thụ bà Xuân, ông Tuất bà Bình… đều là các cựu binh gương mẫu.
Cũng ở nơi ra ngõ gặp anh hùng này, còn có ông Lê Tư, nhà quân báo đã lãnh đạo, chỉ huy cơ quan của mình báo động và thông báo máy bay địch ngay từ khi nó cất cánh và hướng đường bay. Một cư dân tiêu biểu nữa là ông Hà Nghị, nguyên chính ủy Trung đoàn 257, trung đoàn anh hùng này đã bắn rơi nhiều máy bay B52 trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972…
Rời nhà Đại tá Nguyễn Thanh Tân, chúng tôi đến nhà Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Minh Chức. Ông Chức sinh năm 1942 tại Hưng Yên, trước khi nghỉ hưu là Viện phó Viện Khoa học quân sự. Năm 1972, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 73 (trung đoàn 285) bảo vệ Hải Phòng.
Nhớ lại những ngày hào hùng ấy, ông kể: B52 đúng là con quái vật được bảo vệ bằng các loại máy bay tiêm kích, đặc biệt là nhiễu, nhiễu nọ trùng lên nhiễu kia khiến radar rất khó phát hiện. Do đặc điểm địa hình Hải Phòng gần biển nên đường bay của B52 đánh vào đây khác với đánh vào Hà Nội, rất khó xác định được mục tiêu. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, tại Hải Phòng, chúng tôi đánh B52 theo “phương pháp 3 điểm” và kết quả được Quân chủng công nhận đã bắn rơi 1 pháo đài bay B52.
Đại tá Quách Hải Lượng và Đại tá Đặng Minh Chức đưa chúng tôi đến thăm khu vực hầm Sở chỉ huy Sư đoàn 361. Nhìn căn hầm giờ nằm lọt thỏm trong một ngõ nhỏ cách đường Lê Văn Lương vài mươi bước chân, kín cổng cao tường với hàng rào kín mít xung quanh, hai vị Đại tá già và chúng tôi không khỏi bùi ngùi nhìn ngắm hồi lâu cái địa chỉ oanh liệt một thời.
Theo Anninhthudo