Liên quan vụ nổ tại Bắc Ninh làm nhiều người thương vong, luật sư Trần Tuấn Anh – GĐ Cty luật Minh Bạch cho rằng, theo quy định của pháp luật Hình sự Việt Nam, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị coi là tội phạm.
Cụ thể, khi thực hiện hành vi này, người phạm tội có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến chung thân. Ngoài ra, họ còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một đến năm năm (Điều 304 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018).
Theo luật sư Tuấn Anh, tùy vào tính chất mức độ phạm tội, hậu quả do tội phạm gây ra đối với người khác (về tính mạng, sức khỏe, tài sản) và giá trị của vật phạm pháp sẽ là căn cứ để định khung hình phạt đối với người phạm tội. Đối với trường hợp phạm tội dẫn đến hậu quả là làm 2 người chết hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200% hoặc trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.
Đối với trường hợp phạm tội làm chết 3 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc thuộc trường hợp vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn thì người phạm tội có thể phải đối mặt với mức hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội của mình gây ra trước Nhà nước, người phạm tội còn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với hành vi của mình gây ra làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Cụ thể trong trường hợp này sẽ áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết quyền lợi cho những người bị hại trên nguyên tắc mọi thiệt hại phải được bồi thường, khắc phục một cách toàn bộ, kịp thời và đúng pháp luật.
“Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định mức thiệt hại cụ thể của từng cá nhân, đơn vị, tổ chức, trên cơ sở đối chiếu với các quy định về pháp luật để quyết định số tiền mà người thực hiện hành vi phạm tội phải bồi thường hoặc liên đới bồi thường cho những người bị hại” – luật sư Tuấn Anh cho biết.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu xác định chỉ có một người thực hiện hành vi phạm tội dẫn đến thiệt hại thì chỉ một mình người đó phải có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp xác định có người đồng phạm (cùng thực hiện hành vi phạm tội) thì tất cả những người thực hiện hành vi phạm tội cùng phải liên đới bồi thường cho những người bị hại. Mức bồi thường cụ thể của những người phạm tội do Hội đồng xét xử quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ của thiệt hại do hành vi phạm tội của mỗi người gây ra và vai trò, vị trí của người phạm tội trong việc thực hiện tội phạm.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, trong vụ nổ tại Bắc Ninh, rõ ràng đến thời điểm bây giờ, chắc chắn những người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Song, dưới góc độ quản lý xã hội có thể thấy đang có vấn đề. Chính từ dấu hiệu buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương, lỗ hổng trong quản lý vật liệu nổ cộng với sự tùy tiện, thiếu hiểu biết pháp luật và kiếm tiền bằng mọi cách của những người buôn bán, vận chuyển phế liệu trong đó có vật liệu nổ là nguyên nhân chính gây nên sự kiện đau lòng này.
“Ngoài việc xử lý nghiêm khắc đối với những người thực hiện hành vi phạm tội, các cơ quan chức năng cần phải xem xét, xử lý về mặt chính quyền, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xác định có hành vi buông lỏng quản lý hoặc thậm chí là dung túng, tiếp tay...” – luật sư Tuấn Anh nói.