Nhân sâm tốt ra sao?
Theo Y học cổ truyền, nhân sâm là vị thuốc bổ đứng đầu trong các vị thuốc bổ là: sâm-nhung-quế-phụ. Nhân sâm có vị ngọt hơi đắng, tính ôn ấm vào kinh Tỳ và Phế, dựa vào tính vị này các y gia đã cấu trúc nên các bài thuốc cổ phương ứng dụng vào điều trị như: ói mửa nhiều, tiêu chảy cấp, mất máu do xuất huyết gây giảm thể tích, mất máu, mất nước nhiều có dấu hiệu dọa trụy tim mạch, suy kiệt, gầy sút, chán ăn, hen phế quản, sốt gây mất nước, rối loạn điện giải, làm tăng sức đề kháng và tăng khả năng miễn dịch, giúp cho chế độ làm việc dẻo dai hơn, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp cơ thể vượt qua những thay đổi khắc nghiệt của môi trường…
Y học hiện đại cũng đã khám phá ra những tác dụng của nhân sâm và các thành phần hóa học đơn lẻ của nó, đặc biệt là các saponin (còn gọi là các ginsenoside). Trong đó có một hoạt chất mang tên gọi là Ginsenoside Rh2 - đây là một trong hơn 30 loại saponin có trong thành phần của nhân sâm.
Theo Ths.Hoàng Khánh Toàn: Qua các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, Ginsenoside Rh2 có tác dụng khống chế nhiều loại tế bào ung thư như: tế bào ung thư gan, ung thư phổi, ung thư tuyến vú, u hắc tố, tế bào u thần kinh đệm ở não... đồng thời còn có khả năng tiêu diệt chúng.
Còn theo một nghiên cứu mới công bố trên tờ Tạp chí dịch tễ học (Mỹ), những phụ nữ uống nhân sâm trước khi chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú sẽ có nhiều cơ hội sống sót và phục hồi nhanh hơn sau điều trị.
Đồng thời, những người uống nhân sâm trước khi mắc bệnh này có thể giảm 30% nguy cơ tử vong. Đối với những phụ nữ còn sống, 63% cho biết họ đã dùng nhân sâm trước khi mắc bệnh, và sau điều trị họ thường có tâm lý ổn định và ít lo lắng hơn so với những người không dùng nhân sâm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nhân sâm, cũng giống như các loại thuốc khác luôn có tác dụng phụ khi dùng cùng với các loại thuốc khác nên người bị ung thư vú cần tư vấn bác sĩ trước khi dùng nhân sâm.
Không nên lạm dụng
Người khoẻ mạnh không nên dùng sâm: Quan sát lâm sàng hiện đại cho thấy, không có bệnh mà dùng sâm có thể làm huyết áp tăng cao, miệng khô lưỡi rát, đại tiện táo, chảy máu mũi và rối loạn chức năng nội tạng.
Người cao huyết áp, xơ mỡ động mạch không nên dùng nhân sâm: Trong sâm có một số chất có tác dụng chống phân giải chất béo, ví dụ như aspartic acid, arginine... Do đó, khi dùng sâm, quá trình tích mỡ ở một số cơ quan và thành mạch máu sẽ có thể gia tăng, như vậy có thể gây nguy hiểm đối với người bị cao huyết áp và xơ mỡ động mạch.
Phụ nữ đang mang thai và trẻ em không nên dùng nhân sâm: Trong sâm có một số thành phần như panacen, panaquillon, panaxin, panax sapogenol... có thể gây ngộ độc. Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, cơ thể còn non yếu nên rất dễ trúng độc.
Người bị đau bụng không nên dùng nhân sâm: “Đau bụng uống nhân sâm - Tắc tử” là áp dụng cho người bị đau bụng ỉa chảy, đầy bụng, trướng bụng... nếu dùng nhân sâm sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Còn trên thực tế, nhiều người bị “đau bụng” do viêm gan, viêm dạ dày, viêm ruột co thắt, táo bón... vẫn dùng nhân sâm mà vẫn khỏe mạnh.