Chiều 8/3, Hà Nội họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19. Báo cáo tại cuộc họp, liên quan đến vắc xin COVID-19. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội có khoảng 10 triệu người, trong khi đợt đầu tiên chỉ được Bộ Y tế phân bổ khoảng 8.000 liều vắc xin, nên sẽ tiêm cho các đối tượng được ưu tiên, có danh sách cụ thể do thành phố quyết định.
Ông Hạnh cũng nêu, các đợt vắc xin sau đợt này cũng phải theo phân bổ của Bộ Y tế, vì thế, trong thời gian ngắn trước mắt chưa thể có đủ vắc xin cho cộng đồng để đạt miễn dịch cộng đồng. Một số loại vắc xin khác vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa có kết quả cụ thể. Vì thế, cùng với vắc xin, các biện pháp phòng chống dịch như 5K, truy vết, chủ động phát hiện… vẫn rất quan trọng để phòng, chống dịch.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Thị xã Sơn Tây cho biết, đã rà soát, lập danh sách ưu tiên được tiêm vắc xin gồm 2.981 người. Trong đó, đợt đầu khoảng 854 người, đợt 2 dự kiến hơn 2100 người. Huyện Sóc Sơn có danh sách 128 người là các nhân viên y tế tuyến đầu, gồm 20 trường hợp của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, 30 trường hợp của Trung tâm y tế và 78 trường hợp là nhân viên y tế của các trạm y tế xã… Quận Hoàn Kiếm cũng đã lập danh sách 212 trường hợp gửi về Sở Y tế.
Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, dự kiến, sáng 9/3, Hà Nội sẽ triển khai tiêm những mũi đầu tiên cho bác sĩ, nhân viên y tế có nguy cơ cao tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ông Việt cũng nêu, theo phân bổ của Bộ Y tế, 8.000 liều vắc xin sẽ được chuyển trực tiếp từ kho của T.Ư về kho của CDC Hà Nội, tuy nhiên, đến chiều 8/3 vẫn chưa về đến nơi.
Ông Việt cũng thông tin, vắc xin được sử dụng tiêm đợt đầu ở Hà Nội là vắc xin của Anh Quốc, thời hạn sử dụng 6 tháng, tiêm 2 liều. Chiều 8/3, mới có 10 đơn vị gửi danh sách ưu tiên về, gồm Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Thường Tín, Ba Vì, Đan Phượng, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ứng Hòa, Thanh Oai...
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, vấn đề vắc xin hiện đang rất nóng, nhận được sự quan tâm của dư luận. Bộ Y tế, các tỉnh thành đã có danh sách "ưu tiên" theo đúng tinh thần chỉ đạo. "Vắc xin được tiêm đợt này là 1 trong 3 loại vắc xin đã được cấp phép, đã được sử dụng trên 50 nước và vùng lãnh thổ, tiêm cho người trên 18 tuổi. Ngành y tế phải đảm bảo an toàn tiêm chủng, đã lên kịch bản, mô hình rất rõ, có ý kiến góp ý của các chuyên gia, ưu tiên đầu tiên là phải đảm bảo an toàn", bà Hà nói.
Theo bà Hà, các quận, huyện của Hà Nội đảm bảo điều tra đối tượng ưu tiên một cách công bằng, minh bạch, theo đúng tinh thần chỉ đạo. Đặc biệt, việc tiêm vắc xin theo khuyến cáo có thể có các phản ứng phụ, người dân cũng cần được thông tin đầy đủ để có thể yên tâm,
"Vắc xin chỉ là phòng bệnh chứ không phải biện pháp duy nhất. Tránh tình trạng người dân chủ quan khi có vắc xin, cần nhấn mạnh biện pháp vắc xin +5k để đảm bảo phòng chống dịch", bà Hà nêu.
Bà Hà cũng làm rõ các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin đợt đầu. Cụ thể, trước mắt sẽ ưu tiên cho các y, bác sĩ, trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân, hoặc người bệnh có triệu chứng nghi ngờ, ho, khó thở tại các bệnh viện.
"Ngày mai (9/3), Hà Nội sẽ tiêm cho các bác sĩ ở Bệnh viện Thanh Nhàn, là những người trực tiếp chữa bệnh, xét nghiệm tại bệnh viện. Chúng tôi chọn y bác sĩ ở khoa truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, khoa lâm sàng, các nhân viên lấy mẫu xét nghiệm. Nhóm thứ hai là các nhân viên y tế dự phòng như CDC Hà Nội, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, các trạm y tế xã, phường, thị trấn, là người ở tuyến đầu chống dịch. Nhóm thứ 3 là nhân viên vận chuyển cấp cứu 115, chuyên chở bệnh nhân COVID-19, những người có triệu chứng nghi ngờ. Nhóm nữa là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 từ cấp thành phố, quận huyện đến xã, phường, thị trấn", bà Hà nói.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, về vấn đề nguồn vắc xin, "Bộ Y tế là đầu mối thống nhất, tránh tình trạng các địa phương, đơn vị tự đàm phán trực tiếp mua vắc xin".