TP - Trước khi dịch COVID-19 hoành hành, đã có cả một đội ngũ những 8X, 9X bỏ phố lên rừng sống và làm việc. Ở đây, họ lăng xê những đặc sản từ “thời ơ kìa”: dùng bếp lửa bằng than củi, bắt sâu cho rau bằng tay và dùng “thuốc sâu” tỏi ớt, đọc sách giấy thay vì lướt net, và học cách sống như một cái cây...
Kiểu sống tưởng cách xa mà tràn ngập kết nối này tạo thành thế đối lập với nhịp sống thành phố: giữa một biển người mà không ai liên quan đến ai!
Trong nhà tôi nhất định phải có nhiều cửa sổ và một bếp lửa
Lê Thanh Lâm quê ở Nam Định là bạn đại học của tôi. Ra trường sáu năm bám đất Sài Gòn vẫn không đủ tiền mua chung cư trả góp. Một ngày đẹp trời, theo chân một cô gái Tày, Lâm về Tuyên Quang rồi không ngờ cắm chốt luôn tại đây. Hai năm sau, bạn gọi điện rủ tôi ra chơi, còn kèo thêm một câu: “Sợ Nguyên cũng không muốn quay lại xì phố nữa”!
Theo chân cô gái, Lâm chọn xã Thượng Lâm, Lâm Bình để dựng nhà. Căn nhà ngói rộng khoảng trăm mét vuông nhìn từ ngoài không có gì đặc biệt, song vừa bước chân qua ngưỡng cửa, bạn đi cùng tôi đã thốt lên: đúng là nhà của kiến trúc sư!
“Sau này nhà tôi nhất định phải có nhiều cửa sổ và một bếp lửa”, tôi vẫn nhớ ước mơ thời đại học của Lâm, bạn đã đem cả những dự định ấy vào nếp nhà ấm cúng ở một nơi mà vào mùa đông nhiệt độ thấp nhất chỉ có 3-4 độ C.
“Tôi giờ thỉnh thoảng nhận một hợp đồng lẻ, năm làm hai ba cái là đủ tiền, thời giờ còn lại toàn cuốc đất trồng cây”. Tối ấy, bên bếp lửa đắp đúng chuẩn của người Tày (dùng đất sét đắp dầy để làm nền, ở giữa có cái kiềng sắt 3 chân) chúng tôi nói với nhau về thành công. Lâm bảo, giờ tôi ít về quê (Nam Định), ông bà già mất rồi, người làng toàn bảo mày học đến thạc sĩ mà lại lên rừng làm vườn, coi như thất bại. Song tôi cam tâm thất bại ông ạ. Sống kiểu này vui!
Chúng tôi ngồi uống với nhau đến 3 giờ sáng, cạnh cái bếp được nữ chủ nhân giới thiệu là có tác dụng xua đuổi tà ma, thú dữ, tạo không khí hanh thông trong nhà. Hằng ngày vợ Lâm dùng bếp để đun nước, nấu ăn. Bên trên, Lâm làm một cái giá gỗ, dùng để sấy măng và treo thịt hun khói. Vào ngày rét đậm, cả nhà quây quần bên bếp lửa ăn cơm, nướng ngô. Khách đến chơi vừa sưởi lửa vừa uống nước chè, trò chuyện. Khi ấy, tôi nhớ đến một câu nói của thầy mình: nhiều người bao năm vẫn lo sợ, hoang mang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, thực ra chỉ cần vui lên là đủ!
Gần nhà Lâm có homestay của chị Đặng Thị Dương, ở thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, cái bếp lửa nhà chị cũng là một loại “báu vật trấn tiệm”. Chị Dương cho biết: Nhà tôi có bếp gas nhưng ít dùng. Khách du lịch cả ta lẫn Tây đều thích ngồi bên bếp lửa uống nước chè, nướng ngô, khoai, sắn. Khi vắng khách, tại bếp lửa các bà, các chị có thể mang đồ ra thêu thùa, may vá, cánh đàn ông thì dùng chút rượu ấm với thịt trâu khô vùi tro nóng. Người bạn đi cùng tôi bảo: kể cứ ngồi thế này mà già đi thì cũng không tệ!
“Thị trấn 9X”
Mấy năm nay, cứ có thời gian rảnh là tôi lại chạy lên Măng Đen (Kon Tum). Đây là một kiểu Đà Lạt thứ hai nhưng hoang sơ hơn, và đặc biệt, nơi này có cả một đội ngũ các bạn trẻ làm dịch vụ: homestay, cà phê, quán ăn... đều ở lứa 9X. Các tay xê dịch đã thống nhất gọi Măng Đen là “thị trấn 9X” bởi sự chill (thư giãn) và trẻ trung của nó.
Lần đầu đến Măng Đen, tôi bị hoa mắt trước hàng chục homestay cái nào cũng “chất”. Dường như dưới mỗi ngôi nhà nho nhỏ ở đây đều ẩn chứa một câu chuyện. Thế hệ các ông bà chủ thì rất khác những chủ nhà nghỉ, khách sạn thường thấy. Một người bạn của tôi rảnh nhảm, giả vờ làm người Mỹ gọi điện hỏi giá phòng, chủ nhà bắn tiếng Anh đúng giọng Mỹ. Hạ điện thoại, nó gọi lại bằng tiếng Pháp, và sau đó mê luôn cô chủ bởi ngay khi nó nói câu đầu tiên của Shakespeare: “Je me sens tourjours heureux, savez- vous puorquoi?” (Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, bạn có biết vì sao không?), cô đọc tiếp được ngay: “Parce que je n’atttends rien de personne. Les attentes font tourjours mal, la vie est courte” (Bởi vì tôi không chờ đợi ai cả. Sự chờ đợi rất mệt mỏi, trong khi cuộc sống thì ngắn ngủi).
Lần đầu lưu trú ở Măng Đen, tôi chọn homestay của Phụng và Duyên, chỉ bởi một dòng status các cô giới thiệu dịch vụ của mình: “Đừng để thời tiết đánh lừa rằng bạn cần người yêu. Cái thực sự bạn cần là 1 chiếc xe đạp giá siêu yêu chỉ 70k/ ngày đạp quanh Măng Đen vừa ấm người vừa vui vừa khỏe mạnh và... chẳng cần một ai nữa, bất kể ai cũng dư thừa”!!!!
Phụng và Duyên vốn là công dân thành phố, cùng tốt nghiệp ĐH Thủy Sản và đã làm việc ở Sài Gòn được bốn năm. Được người quen giới thiệu, hai cô gái bỏ lại cuộc sống mệt mỏi ở thành thị, mang theo 200 triệu lên Măng Đen khởi nghiệp. Thuê lại một biệt thự bỏ không, tự tay sang sửa và làm đồ trang trí, hai tháng sau, một homestay ấm cúng đã ra đời. Trong chỗ lưu trú của Phụng, sách có ở khắp nơi: phòng ngủ, phòng khách, ngoài hiên có xích đu lẫn võng, trong bếp có đủ gia vị dụng cụ để khách tự tay chuẩn bị bữa, và ngoài vườn có rau xanh do các cô tự trồng “không có một giọt thuốc trừ sâu hay kích thích”. Phụng nói rằng, nhịp sống chậm rãi ở Măng Đen khiến cô cười nhiều hơn, và hài lòng đến mức không còn vấn vương gì nhịp sống lèn chặt các deadline nữa.
Lần khác ở Măng Đen, tôi trú tại cơ sở của Tuấn Anh với mục đích tìm hiểu thêm về mô hình agritourism (sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch) của bạn. Tuấn Anh cũng đi con đường giống Duyên và Phụng: học Cao đẳng ở TP.HCM, rồi “không thấy vui” với cuộc sống cả ngày chỉ biết kiếm tiền, anh bỏ lên Măng Đen quản lý khách sạn. “Nói là quản lý nhưng do chỉ có 2 nhân viên nên gì tôi cũng làm, từ dọn dẹp, chà rửa toilet, đưa đón khách du lịch”, Tuấn Anh chia sẻ.
Sau vài năm, Tuấn Anh từ dân làm thuê nay đã thành ông chủ. Anh còn dự định mở rộng một trang trại trồng rau hữu cơ và dịch vụ farmstay, cho khách hàng trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên hoang dã.
Ở Măng Đen giờ đây còn có thêm một học viện nghệ thuật tên là Cẩm Chướng của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý. Không giới hạn độ tuổi học viên, trường Cẩm Chướng dành cho bất kỳ ai có đam mê về sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật. Ở đây, học viên được học cách làm bạn với cơn chán, học sáng tác, lịch sử nghệ thuật cũng như học đan len, làm vườn...
Cẩm nang sống rừng
Nói thì hay ho, nhưng thực sự quyết tâm bỏ phố lên rừng không dễ. “Nó giống như chúng ta phải từ bỏ toàn bộ hào nhoáng bên ngoài, chui vào vỏ ốc của chính mình. Những ngày đầu sự tịch mịch khiến tôi gần như trầm uất, may mà có vợ. Nếu không cũng chưa chắc trụ được”, Lâm nói với tôi.
Lê Cát Trọng Lý ở “ngôi trường trong mơ” tại Măng Đen
Chủ một cơ sở lưu trú được coi là xịn nhất Măng Đen kể: “Khi báo chí viết nhiều về “Đà Lạt thứ hai” và xu hướng sống xanh cool ngầu trên này, nhiều bạn trẻ cũng xin vô làm. Đến ngày thứ hai bạn bảo: sao thấy trên ảnh toàn uống trà với đọc sách, ngồi xích đu vậy anh? Nhiều bạn trụ được ba ngày thì bỏ vì không chịu nổi vất vả. Sáng ra vườn từ 6h, bắt sâu, nhổ cỏ, cuốc đất, bón phân, trồng rau, thu hái, dọn phòng... Thông thường, ngày làm việc kết thúc khi mặt trời lặn. Hoa đâu có tự nhiên mà nở, nhà đâu tự nhiên mà đẹp. Hầu hết các chủ homestay ở đây đều phải tự tay chăm sóc cơ sở của họ. Chúng tôi đều làm việc như những nông dân thực sự. Những thứ chill phết mà bạn thấy chỉ là bề nổi của tảng băng thôi”.
Tuấn Anh sửa nhà
Phụng nói với tôi: “Sự tịch mịch của một nơi xa thành phố là điều mà ai đi trốn cũng sẽ phải học thích nghi. Sẽ không có bar, pub, rạp phim, talk show và trung tâm mua sắm... Bạn phải làm việc tay chân nhiều hơn, sống ảo ít hơn. Song nếu thật lòng bạn muốn dành thời gian khám phá bản thân, thì lên rừng “tránh xa thị phi” là lựa chọn không tồi”.