Nhức nhối vì hát xoan ít được biết

Nhức nhối vì hát xoan ít được biết
TP - Nhạc sĩ Cao Khắc Thùy có duyên ra mắt cuốn sách nghiên cứu Hát xoan - hát ghẹo dấu ấn một chặng đường (NXB Âm Nhạc- 2011) ngay trước khi hát xoan được UNESCO ghi vào “sách đỏ”. Là người con Phú Thọ, nghiên cứu lâu năm về hát xoan, ông Thùy trăn trở về loại hình diễn xướng đặc sắc nhưng lại có phần chìm lắng bấy lâu nay.

> Độc đáo Hát Xoan
> Hát Xoan thành di sản thế giới

Hát xoan khi ông bắt đầu công việc nghiên cứu so với hát xoan bây giờ biến đổi hay mai một như thế nào?

Hát xoan lúc đầu chúng tôi được trực tiếp nghe các cụ nghệ nhân hát có thể nói là rất xịn. Hát xoan đến bây giờ đã hình thành hai mảng. Một là được các cụ nghệ nhân truyền lại ở các làng xoan gốc tuy không được điêu luyện nhưng phần nhiều đúng như truyền thống. Hai là những điệu xoan được khai thác phổ biến rộng rãi trong tỉnh được các đội văn nghệ ở các cơ sở, các nhà biên kịch, các nhạc sĩ đưa thêm vào những nội dung- hình thức biểu diễn mới, tình cảm mới.

Nhiều điệu được chỉnh lý phát triển, tăng cường về trang thiết bị, ánh sáng, âm thanh, trang phục với mong muốn đáp ứng nhu cầu thưởng thức đương thời. Có thể nói từ 1955 đến nay, hát xoan đã có một lối rẽ mới, từ loại hình dân ca lễ nghi phong tục chỉ hát trong lễ hội ở 17 cửa đình đến nay được hát trong các sinh hoạt xã hội mở rộng ra nhiều địa bàn trong tỉnh. Lối rẽ ấy có thể có nhiều vấn đề cần phải được xem lại, nhưng không thể phủ nhận tác dụng của nó trong đời sống xã hội nhất là trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Hát xoan chưa được biết đến nhiều so với quan họ chẳng hạn- theo ông vì sao?

Đây là vấn đề trăn trở cũng như nhức nhối nhất của tôi và nhiều người quan tâm. Một vốn dân ca lâu đời, phong phú, đặc sắc như vậy mà nhiều người trong nước chưa biết tới. Theo tôi, sở dĩ có tình trạng này là do tỉnh Phú Thọ chưa quan tâm đúng mức về xây dựng đỉnh cao có tính chuyên nghiệp. Muốn chắp cánh cho các điệu hát bay xa, phải đào tạo, bồi dưỡng được những nghệ sĩ xoan tài năng, thuyết phục lòng người, có đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, xây dựng được những tiết mục có chất lượng cao đủ tiêu chuẩn phát thanh, phát hình và biểu diễn trên sân khấu địa phương và trung ương. Có thể nói Phú Thọ chưa làm được gì trong việc giới thiệu hát xoan ra khỏi địa bàn. Nhìn sang Bắc Ninh có hẳn một đoàn hát quan họ chuyên nghiệp thành lập từ 1969, xây dựng nhiều chương trình biểu diễn có chất lượng, tạo ra nhiều nghệ sĩ nổi tiếng… Cũng nhờ đó mà trong nước và quốc tế biết tới quan họ.

Nước ta có khá nhiều loại hình ca hát mang đặc thù địa phương (như hát ví, hát then, hát bài chòi…). Ông có thể làm rõ sự đặc sắc hoặc nổi trội của hát xoan giữa các loại hình tương tự?

Mỗi vốn dân ca đều có giá trị, màu sắc riêng thì mới tồn tại. Hát xoan hình thành và phát triển từ rất lâu đời, phong phú ở cả ba lĩnh vực: lời ca hợp thành từ hai dòng văn học dân gian và Nho giáo được ghi chép thành sách; âm nhạc có kết cấu đa dạng với 3 hình thức hát nói, ngâm và các làn điệu, cùng với tiết tấu rất đặc trưng, có trống đệm thể hiện được nhiều trạng thái tình cảm; gần như tất cả các tiết mục biểu diễn đều có múa với các mức độ thể hiện minh hoạ, biểu cảm và biểu trưng. Các yếu tố trên được kết hợp trong các tiết mục như những ca cảnh rất sinh động, hấp dẫn. Vì thế hát xoan là nghệ thuật biểu diễn tổng hợp, là loại hát lễ hoàn chỉnh và đặc sắc nhất của vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Hát xoan chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội
Hát xoan chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội.

Theo ông cần làm ngay những việc gì để bảo tồn và phát huy hát xoan sau khi được quốc tế công nhận?

Trước hết cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong tỉnh, đặc biệt ở những địa phương có vốn hát xoan để người dân biết được giá trị của vốn dân ca này, tạo cho họ niềm tự hào, vinh dự được thừa hưởng một di sản văn hóa hết sức có giá trị của ông cha, từ đó có trách nhiệm và quyết tâm giữ gìn tài sản vô giá này.

Cần củng có các phường xoan gốc. Nhiệm vụ của phường là học lại các nghệ nhân, luyện tập thành thục hát xoan như truyền thống, lựa chọn, bổ sung những em trẻ có thanh sắc vào phường xoan. Mỗi phường phải là một bảo tàng sống về hát xoan. Hoạt động của phường: biểu diễn ở những cửa đình trước đây có hát xoan, ở lễ hội, phục vụ các tuyến du lịch… Kinh phí cho phường hoạt đông lấy từ nguồn hỗ trợ của ngân sách địa phương, doanh thu từ hoạt động biểu diễn và sự ủng hộ của cá nhân tổ chức…

Cần đưa hát xoan vào trong các sinh hoạt của xã hội và mở rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh nhất là trong lớp trẻ bằng nhiều hình thức. Chú ý đào tạo, bồi dưỡng những nghệ sĩ hát xoan chuyên nghiệp có trình độ cao. Khi chưa thành lập được đoàn hát xoan chuyên nghiệp thì giao cho các đoàn nghệ thuật của tỉnh xây dựng tiết mục, chương trình hát xoan có chất lượng để biểu diễn quảng bá.

Một điểm quan trọng nữa là tỉnh cần tăng cường chế độ chính sách ưu đãi về vật chất, tinh thần nhằm động viên, khuyến khích những người làm công việc giữ gìn và phát triển hát xoan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Úc vận chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến Hà Nội ngày 11/9. (Ảnh: ĐSQ Úc)
Mỹ, Úc hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam ứng phó sau bão số 3
TPO - Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 gây ra. Chính phủ Úc hôm nay công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.