'Nhốt' quyền lực bằng luật pháp

Đoàn đại biểu Quảng Bình thăm và học tập mô hình nhất thể hóa ở tỉnh Quảng Ninh.
Đoàn đại biểu Quảng Bình thăm và học tập mô hình nhất thể hóa ở tỉnh Quảng Ninh.
TP - Khi quyền lực được trao vào tay mỗi cá nhân lớn thì cũng cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu để ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra. Cơ chế đó chính là Hiến pháp và pháp luật để đảm bảo không lạm quyền.

Theo Giáo sư Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc thực hiện nhất thể hóa như những gì Quảng Ninh đang thực hiện là rất tốt và cần nhân rộng. Tuy nhiên, khi quyền lực được trao vào tay mỗi cá nhân lớn thì cũng cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu để ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra. Cơ chế đó chính là Hiến pháp và pháp luật để đảm bảo không lạm quyền.

Không nên sợ lạm quyền

Thời gian vừa qua, Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm nhất thể hóa ở một số vị trí có chức năng nhiệm vụ khá tương đồng nhau… Ông đánh giá thế nào về mô hình này?

Nhất thể hóa là vấn đề đã được nói rất nhiều trong những năm qua. Nhiều đề tài khoa học cũng đã được nghiên cứu và đưa ra những đề xuất hết sức cụ thể. Theo tôi với đặc thù hệ thống chính trị của Việt Nam, việc thực hiện nhất thể hóa đối với một số chức danh bên Đảng và chính quyền như những gì tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện là rất đúng và phù hợp. Bởi một trong những nguyên nhân chính khiến cho bộ máy của chúng ta cồng kềnh, hoạt động thiếu hiệu lực, hiệu quả chính do có quá nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau. Ví dụ như Tổ chức với Nội vụ; Kiểm tra với Thanh tra; Tuyên giáo với Thông tin và Truyền thông… Ngay cả với chức danh bí thư và chủ tịch UBND các cấp, nếu nhất thể hóa được cũng là rất tốt.

Xét về hiệu quả, nhìn trước mắt chúng ta có thể thấy, nhất thể hóa đem lại nhiều lợi ích như: giảm bớt đầu mối, bớt đi sự trùng lắp; giảm được biên chế, nhân sự; tiết kiệm tài chính ngân sách cho Nhà nước. Hơn nữa, khi thực hiện nhất thể hóa thì việc phân công, phân việc trở nên rõ ràng, minh bạch hơn. Chứ chúng ta cứ để bộ máy trùng lắp, giẫm lên nhau thì không chỉ cồng kềnh, kém hiệu quả, mà còn gây ra sự ỷ lại, không chịu làm việc, thậm chí khi có những vụ việc nhạy cảm, phức tạp nảy sinh thì lại tìm cách né tránh, đùn đẩy giải quyết...

Nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng, khi quyền lực tập trung quá lớn vào một người thì dễ dẫn đến độc đoán, lạm quyền?

Cái khó nhất của kiểm soát quyền lực nhà nước là phải kiểm soát nhưng không làm mất đi sự năng động, sáng tạo của quyền lực. 

GS Trần Ngọc Đường

Lo ngại đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi khi quyền lực tập trung vào tay một người lớn quá thì cũng dễ dẫn đến độc đoán chuyên quyền, vi phạm pháp luật, tiêu cực... Con người thì “luôn luôn chịu sự ảnh hưởng của các loại tình cảm và dục vọng đối với các hành động của con người. Điều cũng khiến cho lý tính đôi khi bị chìm khuất”. Đặc biệt là khi lý tính bị chi phối bởi các dục vọng, thói quen hay tình cảm thì khả năng sai lầm trong việc thực thi quyền lực nhà nước càng lớn.

Nhưng không phải vì lo ngại đó mà chúng ta sợ, không dám thực hiện việc nhất thể hóa. Cái quan trọng là để hạn chế được lộng quyền, lạm quyền có thể xảy ra khi quyền lực tập trung quá lớn vào tay một người thì cơ chế kiểm soát quyền lực phải phát huy hiệu quả hơn. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được Hiến pháp sửa đổi ghi nhận nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

'Nhốt' quyền lực bằng luật pháp ảnh 1

Giáo sư Trần Ngọc Đường.

“Nhốt” quyền lực nhưng không làm mất đi sự năng động

Khi làm việc với Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói là phải làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế để không thể tham nhũng, tiêu cực được. Theo ông làm thế nào để có thể “nhốt” được quyền lực?

Cái khó nhất của kiểm soát quyền lực nhà nước là phải kiểm soát nhưng không làm mất đi sự năng động, sáng tạo của quyền lực. Khó là ở chỗ đó. Nếu kiểm soát quyền lực không đúng sẽ khiến bộ máy bị co rúm lại, không dám làm gì. Khi bộ máy không làm, không năng động, sáng tạo thì sẽ không phát huy được hiệu quả, hiệu lực.

Theo tôi, việc Tổng Bí thư nói đến từ “nhốt” quyền lực cũng chính là nói đến cơ chế kiểm soát được quyền lực nhà nước. “Nhốt” ở đây được hiểu là bằng cơ chế, thể chế, tức là bằng Hiến pháp và luật định để bảo đảm quyền lực nhà nước phải hoạt động trong phạm vi, chứ không được lạm quyền.

...Tôi nhớ, ở Mỹ khi sửa hiến pháp, có ý kiến nói rất hay rằng: đối với quyền lực nhà nước đừng có nói nhiều về đạo đức, đừng có hô hào họ phải có đạo đức, phải tốt… Mà phải dùng hiến pháp và luật “buộc” người ta lại. Không cho họ làm điều ác. Chữ “nhốt” ở đây chính là dùng hiến pháp và luật định “buộc” những người có chức, có quyền lại, tức là anh chỉ được hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật, đó chính là giới hạn mà nhà nước đề ra với anh. Chứ không phải “nhốt” lại là trói tay, trói chân, làm mất đi sự năng động, sáng tạo của các cá nhân được nhà nước giao quyền lực.

Cụ thể việc kiểm soát quyền lực đó nên thực hiện như thế nào, thưa ông?

Có nhiều cơ chế để kiểm soát quyền lực nhà nước cả từ bên ngoài lẫn bên trong. Theo đó, phải phát huy cơ chế kiểm soát từ bên ngoài, tức là “các chủ thể không mang quyền lực nhà nước” thực hiện việc kiểm soát quyền lực bằng các quyền dân chủ trực tiếp của mình, bằng các hình thức khiếu nại, tố cáo, bầu cử; bãi nhiệm… Thực hiện việc kiểm soát quyền lực qua các tổ chức chính trị- xã hội; qua MTTQ… Chúng ta phải đẩy mạnh cái cơ chế đó lên.

Thứ hai là tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong bộ máy, giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ba cơ quan trên kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Đấy là cơ chế kiểm soát bên trong. Thứ ba là thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo Hiến pháp, theo luật định. Tức là Hiến pháp và luật đã quy định thì phải thực hiện nghiêm và có hiệu quả. Các hành vi vi phạm làm trái Hiến pháp và luật đều phải được xử lý nghiêm minh.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.