> Đối thoại với sinh viên tại chức
Thoải mái như... ngoài chợ
Tối 16 - 12, lớp kế toán hệ vừa làm vừa học (tại chức) của trường Đại học KT (ở Hà Nội) bắt đầu từ 18h, nhưng quá giờ quy định theo lịch học, mới có sáu sinh viên đến lớp; còn giảng viên thì... chưa thấy đâu.
Đến 19h, lác đác một số sinh viên xuất hiện và ngang nhiên vào lớp, không cần xin phép. Phía trên, thầy giảng bài, ở dưới sinh viên cứ vào lớp, chọn ngồi một chỗ.
Lúc này, theo nhẩm đếm của phóng viên, có 60 sinh viên trong lớp (sĩ số lớp là 100 người). Trong khi giảng viên viết bài trên bảng, thì ở dưới, một số sinh viên hì hục ghi như chép chính tả, số khác ngồi nói chuyện, chơi điện tử và... ăn hoa quả…
DL - một sinh viên trong lớp này nói: sĩ số 100 người nhưng nhiều khi đi học chỉ được 1/3, số đi học có khi ít hơn nhiều số vắng. Đi học chỉ lấy cho đủ, gặp gỡ nhau, đóng tiền thi lại, học lại chứ mấy khi nhét được chữ nào vào đầu.
DL cũng cho biết, nhiều thành viên trong lớp thi không đỗ đại học chính quy, nên theo hệ này. Phần lớn thành viên trong lớp đã và đang đi làm. Trong số này, khoảng 20% thường xuyên vắng mặt theo đúng “chỉ tiêu cho phép”.
Có học lớp tại chức kế toán này mới thấy chuyện đi học thật... dễ quá. Sinh viên nói chuyện như chợ vỡ. Từ bàn thứ tư, chục quả quýt được các nàng “giải quyết” nhanh, gọn. Kế bên, một sinh viên đến muộn 40 phút nhưng vẫn đường hoàng ngồi... buộc lại tóc. Cạnh đó, một sinh viên cầm chai thuốc ngửa cổ uống thản nhiên. Một nữ sinh viên khác vừa bước vào lớp tay ôm khư khư năm chiếc bánh bao để vào lớp "ăn cho đỡ đói".
Bàn cuối cùng là nơi năm chàng trai chiếm hữu, chơi điện tử bằng điện thoại di động. Người nhắn tin, kẻ nói chuyện điện thoại... Không ai bị nhắc nhở.
QV, sinh viên đang học năm ba hệ tại chức ngành tài chính - ngân hàng của một trường đại học có tiếng ở Hà Nội cũng cho biết, lớp có 117 sinh viên nhưng số thường xuyên đến lớp chỉ được 50%. “Từ bàn một tới bàn năm, sinh viên còn cố gắng chăm chú nghe giảng, từ bàn sáu trở về cuối, mọi người thích làm gì thì làm. Chỉ đợi lúc điểm danh “có” một tiếng là xong”.
Tương tự, M - sinh viên năm tư hệ tại chức ngành chế tạo máy của Đại học BK, tâm sự: “lớp có 38 người nhưng ít khi đến đủ. Đến lớp thì mỗi người một việc riêng... Nhiều người còn thuê người đi học, thi hộ".
Học bốn môn, ba môn… rụng
Chính việc không lên lớp thường xuyên, chữ thầy trả thầy sau mỗi buổi học khiến nhiều sinh viên hệ tại chức cứ đến kì thi là… rụng. Có sinh viên học bốn môn một kì thì ba môn phải thi lại, trong đó 1 - 2 môn phải nộp tiền học lại.
S, sinh viên khoa Kế toán của ĐH KT có “thâm niên” thi lại, học lại cho biết: "Kì trước có bốn môn thì ba môn mình phải thi lại. Thầy cô chỉ cần cho lệch sách là không làm được bài".
Tại hệ tại chức của Đại học BK, sinh viên mùa thi cũng "trượt vỏ chuối" nhiều không kém. Các môn như cơ sở kĩ thuật điện, an toàn điện, vi xử lý có tới 80% sinh viên thi trượt, phải học lại.
Nhiều sinh viên ngán ngẩm cho hay: “sinh viên tại chức mệt mỏi vì đi làm rồi nên không chú tâm vào việc học. Giảng viên đôi khi cũng chạy sô, chỉ đọc cho sinh viên chép bài lấy lệ. Nhiều giảng viên cho trượt đồng loạt để học sinh còn… đi thầy”- M, một sinh viên học hệ tại chức của Đại học TM cho biết.
Việc các lớp tại chức kém chất lượng, láo nháo, theo nhiều sinh viên, một phần giảng viên dạy rất chán: “Thực ra cả giảng viên và sinh viên đều… chạy sô. Thầy chạy sô kiếm tiền còn sinh viên kiếm cái bằng”.
Thầy Q- Một giảng viên trẻ dạy cả chính quy và tại chức của một trường Sư phạm cho hay: "Không phải sinh viên nào cũng học kém nhưng phần lớn sinh viên xác định đi học chỉ lấy cái bằng nên ít người giỏi".
Thầy Q cũng thừa nhận, nhiều giảng viên trẻ trong trường đều hào hứng với việc dạy hệ tại chức, để "gia tăng kinh tế”.