> Hiến máu online
> Mong máu như mong mẹ đi chợ về
Gắn kết vì tình thương
Năm 19 tuổi khi còn là nhân viên vệ sinh của BV Chợ Rẫy, chị Trần Thy Thy lần đầu tiên cho máu.
Chị kể: “Khi đang dọn dẹp vệ sinh thì tôi biết tin có một ca cấp cứu tai nạn giao thông nhưng không có máu O để truyền kịp ca mổ. Tôi đã đăng ký cho 2 đơn vị máu O của mình”.
Bệnh nhân sau đó đã được cứu sống và sau lần hiến máu đó, chị vượt qua những ngăn cản của gia đình và cứ 3 tháng đi hiến một lần.
Thương những người bệnh phải vật lộn với thiếu máu, tiểu cầu mỗi khi gặp nạn, ngày 8-11-2011 chị Thy, 41 tuổi, vẫn cùng 3 người em là Lưu Khoa Điền, 31 tuổi; Việt Phương, 34 tuổi thành lập Nhóm hiến tiểu cầu.
Nhớ về ngày thành lập nhóm Hiến tiểu cầu, chị Thy cho biết: “Chúng tôi gặp nhau rất tình cờ khi cả 3 ba người đều đi hiến máu cấp cứu. Ngồi nói chuyện với nhau và sau đó cả 3 thành viên đều yêu thích hiến máu nên lên mạng kêu gọi mọi người hiến máu và tiểu cầu”.
Theo anh Việt Phương, một trong ba thành viên sáng lập nhóm, trong thời gian tới, nhóm Hiến tiểu cầu sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương, đặc biệt là Hà Nội vì ngoài đó nhiều bệnh nhân rất cần máu và tiểu cầu. |
Để có được các thành viên yêu thích hiến máu, tiểu cầu cả 3 người lên mạng, lập facebook sau đó kêu gọi sự chung tay của mọi người. Đến nay đã có gần 700 thành viên tham gia. Sau hơn 22 năm hiến máu chị cho biết đã gần cả trăm lần hiến máu và hiến tiểu cầu.
Có lần sau khi hiến tiểu cầu tại BV Truyền máu huyết học TPHCM rồi phải tranh thủ chạy đi làm ngay, chị đã bị ngất xỉu và phải đi cấp cứu. Dù vậy mỗi lần có người ở bệnh viện “alô” xin máu hay tiểu cầu là chị lại sẵn sàng. Con gái của chị Thy nay đang học lớp 12 ở TPHCM cũng thường theo mẹ đi cho máu.
Ở nhóm hiến tiểu cầu có nhiều thành viên chỉ 30 tuổi nhưng đã có 20 lần hiến máu như anh Phi, chị Nhung, anh Cường… họ cho mà không muốn ai biết về mình.
“Tổng kết năm nay, nhóm đã tổ chức hơn 200 lần hiến tiểu cầu cho BV Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Tim Tâm Đức TPHCM hay BV Chợ Rẫy… Lượng máu cho đi không ai còn nhớ...
Muốn cho nhiều hơn
Có một kỷ niệm khiến chị Thy day dứt mãi. Đó là ca mổ của bé Huyền 4 tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh ở Bình Dương vào ngày 23-8-2011 khi nhóm thành lập được ít ngày.
Gia đình bé quá nghèo không có tiền chữa, khi phát hiện đã quá nặng và bác sĩ yêu cầu mổ gấp. Chị được BV Tim Tâm Đức gọi điện xin Nhóm 3 đơn vị máu. Tuy nhiên ca mổ thất bại. 3 đơn vị máu của chị và 2 thành viên nhóm đã không cứu được bé Huyền.
Chị Thy (bìa phải) cùng các thành viên sáng lập nhóm. |
Cứ mỗi tháng, nhóm lại tổ chức hiến tiểu cầu tại BV Truyền máu huyết học TPHCM. Không giống cho máu, hiến tiểu cầu phức tạp hơn. Máu sau khi được lấy ra khỏi cơ thể phải qua một hệ thống máy lọc để lấy tiểu cầu.
Sau đó máu lại bơm vào người rồi tiếp tục rút máu ra lấy tiểu cầu. Cứ như vậy, để có được tiểu cầu mỗi tình nguyện viên phải lọc, bơm từ 5 tới 7 lần.
“Lần đầu tiên em tham gia cho tiểu cầu là tháng một năm ngoái. Hiến tiểu cầu mệt hơn máu rất nhiều. Mới lọc được lần thứ 3 em đã không chịu được và nôn mửa, cảm giác như bị say sóng nhưng nghĩ các bệnh nhân đang cần tiểu cầu của mình em thấy mình khỏe hơn”- Võ Hồ Tiến Hưng, sinh viên năm cuối ĐH Khoa Học Tự Nhiên TPHCM, thành viên chuyên hiến tiểu cầu, chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Dung, 56 tuổi, thành viên mới và lớn tuổi nhất nhóm, chia sẻ, chị biết tới nhóm tình cờ qua người cháu và liên hệ rồi tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu. Số lần hiến tuy ít nhưng rất vui và thấy mỗi khi hiến xong người rất khỏe vì góp phần cứu người.
Mỗi lần hiến tiểu cầu, tình nguyện viên được 450.000 đồng để bồi dưỡng. Số tiền này các bạn cùng nhau góp lại mua quà cho các bé bị ung thư đang nằm tại BV Ung bướu TPHCM hay nhưng bé có hoàn cảnh khó khăn tại BV Tim Tâm Đức, quận 7 (TPHCM).
Bác sĩ Ngô Thanh Huyền, ở BV tim Tâm Đức, người thường xuyên liên hệ xin máu và tiểu cầu cho các bé bị tim bẩm sinh cho biết: “Hằng ngày có rất nhiều nhóm các bạn trẻ tình nguyện tới cho máu, nhóm hiến tiểu cầu là nhóm cho nhiều nhất, chỉ cần có ca mổ cấp cứu nào đó cần máu gọi qua bên Nhóm hiến tiểu cầu là các bạn cho người tới ngay”.